17 thg 5, 2018

Chùa Minh Hương ở Chợ Lớn

Ờ Sài Gòn có một cơ sở tín ngưỡng được các nhà nghiên cứu biết đến rất nhiều, đó là Hội quán Minh Hương Gia Thạnh, còn gọi là chùa Minh Hương, đình Minh Hương (cả hai cụ Sơn Nam và Vương Hồng Sển đều đã nhiều lần nhắc đến ngôi chùa này trong sách của mình). Hội quán Minh Hương Gia Thạnh là cơ sở tín ngưỡng, văn hóa của người Hoa và có giá trị lịch sử lẫn kiến trúc nghệ thuật rất lớn, đã được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.

Thế nhưng có một ngôi chùa Minh Hương khác, cũng của người Hoa, cũng là hội quán, cũng ở Chợ Lớn, nhưng nhỏ hơn chùa Minh Hương Gia Thạnh nhiều lắm, không được xem là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (cấp thành phố cũng không luôn!). Ấy vậy mà theo tui, nơi này được người dân biết đến và lui tới nhiều lần hơn hẳn hội quán Minh Hương trên kia! Đó là chùa Minh Hương, hay Phước An Hội quán, hay chùa Ông, ở 184 Hồng Bàng, phường 12, quận 5.


Như ta thấy, 2 dòng chữ tiếng Việt ghi ở cổng chùa là Chùa Minh Hương và Phước An Hội quán, còn tên mà người dân thường gọi là Chùa Ông, vì đối tượng thờ tự chính ở đây là Quan Công, hay còn được gọi tôn kính là Quan Thánh đế quân. Đây cũng là lý do chính khiến cho ngôi chùa này nổi tiếng, được đông đảo người dân đến cúng bái: nơi này nổi tiếng linh thiêng bậc nhất ở Chợ Lớn!



Dường như lúc nào nơi đây cũng có người khấn vái, cầu nguyện, không chỉ người Hoa mà cả người Việt. Nghe nói rằng vào dịp lễ Tết, nơi đây có đến cả ngàn người. Người ta viết những lời khấn nguyện (hoặc nhờ người viết) vào tờ giấy đỏ trước khi mang đi đốt, như một cách gửi lời cầu nguyện đến Ông.

Cầu nguyện thì có nhiều thứ, người... FA thì cầu duyên, hiếm muộn thì cầu tự, thiếu tiền thì cầu tài, còn có người mong được yên lành thì cầu an. Thường thì mỗi chùa linh thiêng về một lĩnh vực nào đó, như chùa Ngọc Hoàng được tiếng về cầu duyên, cầu tự. Chùa Ông ở đây được coi là... đủ hết, cầu gì cũng đặng, nhưng người đến chùa mặc định rằng chùa Ông linh thiêng nhất cho cầu an và cầu tài.


Bàn thờ Ông, Quan Thánh đế quân

Người ta kể nhiều câu chuyện về sự linh thiêng, cầu gì được nấy của ngôi chùa, mà nghe qua thì kẻ thiếu đức tin như tui thấy... tin cũng được mà không cũng được. Thí dụ: có người cầu trúng số thì trúng số thiệt (mà không rõ là ai, và có bao nhiêu người cầu mà không trúng); có người bị bịnh nặng chữa không khỏi xin xăm và được chỉ chỗ chữa bịnh, thế là khỏi (?); có người tính bán nhà, xin xăm được khuyên đừng bán, về nhà không bán và sau đó làm ăn phát đạt (?)... Có điều chắc chắn, người ta tin rất nhiều, và có niềm tin thì cũng là điều tốt thôi mà...


Trước bàn thờ là bộ lư hương và bát bửu. Những vũ khí nhô lên, phía trên là nhang vòng nghi ngút, trước mặt là bàn thờ trang trọng tạo nên cảm giác linh thiêng

Năm bà Ngũ hành

Đèn cầy trước bàn thờ Quan Công

Một điều không thể không nhắc tới, đó là mặc dù không được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật như một số chùa, hội quán khác nhưng kiến trúc cùng những tượng điêu khắc ở đây cũng rất cổ xưa và đẹp.




Ấy vậy nên nếu không có nhu cầu cầu cái gì hết thì tới đây cũng tốt, vừa biết thêm tập tục của người Hoa, vừa ngắm những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc tinh xảo....

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét