7 thg 5, 2018

Hồn đá và con cháu lão Tôn

Vị sư già chơi với khỉ. 

Ở núi Kỳ Vân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ven bờ biển, có một ngọn núi. Núi có nhiều viên đá kỳ dị tuyệt mỹ. Trên núi có “Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên”. Ở đó có chừng 200 con khỉ sống hoang dã và thân thiện. Người ta ít để ý đến tên chính của Thiền viện, mà cứ gọi khu tu tập giữa danh thắng ấy là “chùa Khỉ”.

Sững sờ đá, núi
Chắc chắn núi có trước đàn khỉ. Và các vị tu hành cũng đến sau khi núi đã được ông Đùng bà Đoàng tạo tác nên thắng cảnh này ở ven các bãi biển xanh ngăn ngắt của Phước Hải. Các kiến tạo sững sờ của đá và núi ở Kỳ Vân Sơn đã là tiền đề đầu tiên, tạo nên một sức hút lạ lùng cho không gian chùa Khỉ hiện nay.

Có những vách đá cao mấy chục mét, vuông rìa sắc cạnh như có bàn tay người khổng lồ đẽo gọt kỳ khu. Có vách đá dựng đứng như tấm bảng kỳ vĩ, các thế hệ người tu hành ở Thiền viện, chỉ việc bắc thang leo lên viết chữ lừng lững trên đó. Trông xa, những lời “mật chú” thiêng liêng dán vào núi như “đạo bùa” quyến mời nhất. 

Đàn khỉ rất đông. 

Qua khỏi khu chính điện của Chân Nguyên, người ta gặp chi chít, lóc chóc, sum vầy khoảng hai trăm con khỉ lớn nhỏ, có con dính bẫy của thợ săn bị cụt cả chân, mấy chục con ôm con trước ngực chạy nhong nhong như chuột túi Kangaroo. Khó ai có thể không tươi vui chộn rộn khi lạc vào cảnh vui này.

Nhưng khỉ ngắm một chút rồi cũng chán. Núi có linh hồn và bao dung. Vị sư 70 tuổi người gốc ngoài tỉnh Thái Bình, tu thiền trong am thất lợp cỏ (ở đây gọi là “cốc tu”) trên núi Kỳ Vân đã 10 năm, thấy khách xa xuýt xoa với các hòn đá muôn hình vạn trạng, bèn bảo: “Đi theo tôi!”. Ông dành cả một cái chiều muộn để dẫn “đồng hương Bắc Kỳ” leo núi.

Đây, chỉ trời đất mới sáng tạo được thôi nhé. Một hòn đá như cái cổ rùa, phía trên một hòn đá bằng mấy gian nhà khác lắp khít khịt khịt chồng lên. Hòn đá ấy há đôi ra y như cái miệng cá, miệng rùa. Giữa khe miệng ấy là một hòn đá tròn. Ven đầu rắn rùa là các khía, khấc, các vân vi còn giống rùa hơn cả rùa thật. Chỉ có Phật, Chúa hay ông Trời rất rất có hữu ý, rất rất hài hước và lãng mạn, thì mới để cho “tự nhiên” tạo tác ra những tác phẩm độc nhất vô nhị đến thế. Hoạt động tạo sơn nhiều triệu năm trước, rồi các trốc lở lăn lóc do thiên tai, rồi sự phong hóa đầy duyên phận do nước thời gian gội gọt, lại nữa là sự tàn phá bóp vặn của hệ thống rễ cây qua nhiều thế kỷ. Tất cả đã tạo nên một vườn “kỳ thạch” hiếm có khó tìm ở sau chùa Khỉ. 

Viên đá hình đầu rắn ngậm ngọc. 

Kia là hình cá heo, hình chim phượng hoàng, hình đầu rắn, lại có cả các dáng dũng sĩ mặc áo giáp đứng chênh vênh ngoài mép vực. Lại có hình em bé với cái đầu trọc đang áp vào cơ thể mẹ như là nũng nịu lắm. Lại có những hòn đá bằng nhẵn, dựng thuôn thuôn, vân vi, các vết nứt như hoa văn của gốm sứ men hoa dâu, lại có thứ men rạn lam nham kéo dài như vô tận. Nhà sư viết lên đó ít dòng thơ Thiền bằng Quốc ngữ, có khu “ngài” vung bút lông viết chữ Nho dạng Thảo tung hoành án ngữ cả một góc trời chiều. Rễ cây bò như rắn lượn ôm lấy các hòn đá kỳ dị. Đá cũng mê tơi các câu chuyện đời người.

Đá hình trái tim, trái tim xếp chon von đỉnh trời, tưởng như chỉ một cơn gió thoảng qua hay một hạt thóc trượt ra khỏi đế kê mỏng manh ấy là viên đá mồ côi có thể lăn từ đỉnh Kỳ Vân Sơn ra tận biển Phước Hải. Đá hình quân tú lơ khơ, đá hình chiếc lá bồ đề của đạo Phật. Có khi hàng chục viên đá xếp lêu bêu lểu bểu lên nhau, tưởng như đụng hờ là đổ sập, vậy mà chúng như vậy hàng triệu năm qua. Rồi vị sư già khám phá ra hang “Xuyên Sơn”, “hang Thần Thông”. Ông dạy tôi cách lách người qua các vệt nứt của đá, cứ thế lần theo từng ngách nhánh tối tăm, vậy mà đi xuyên qua được cả một dãy núi đá khổng lồ!

Phải nói rằng, nếu ở đâu đó người ta có tâm thức về núi đá hình mặt quỷ, núi yên ngựa hay núi ông voi, là bởi vì núi nào cũng nứt vỡ hoặc tròn u lên, rồi võng xuống giống dáng voi ngựa; thì ở núi Khỉ chùa Khỉ câu chuyện lại khác hẳn. Núi và các hình thù cứ phơi bày ra, không cần phải tưởng tượng. Có được điều đó, ngoài sự huyền diệu của đất trời, còn có dụng ý bảo tồn và điểm xuyết thêm thơ, chữ, cỏ cây của các vị tu hành. Họ là những người có một “giáo lý” hòa mình vào thiên nhiên, nhuận sắc cho núi rừng cây cỏ, để nương vào đó tu tập/ thiền định. Vì thế, sự chăm bẵm núi non của các vị sư rất tinh tế.

Ôi cái bọn con cháu Tôn Ngộ Không này…

Hóa ra đàn khỉ hàng trăm con ở trên nhiều ngọn núi. Chúng “di cư” ào ào qua các tán rừng, vượt qua các khu vực kiểm lâm địa bàn thường xuyên đi gỡ bẫy giết thú, qua cả khu Di tích Minh Đạm, qua các ngôi chùa cổ trên đỉnh trời. Còn núi ven chùa Khỉ thì là cái tay nôi không thể tuyệt vời hơn để lũ khỉ trình diễn mọi trò tinh quái. 

Ông già dùng súng cao su đang bắn đuổi khỉ. 

Vị sư già bảo, chúng tôi sợ lũ khỉ lắm. Chúng về vặt hết hoa ở ban thờ Bồ Tát, chúng lay đổ chuông đồng khổng lồ ở chính điện. Chuông vỡ, gõ kêu chỉ rặt rặt. Rơi vỡ cả gạch hoa lát nền. Nhà chùa phải đúc chuông mới. Khỉ mai phục ở mọi ngõ ngách, lấy đồ ăn, lấy đồ của du khách, leo tót lên đỉnh đá trêu ngươi. Lắm người bị đạo chích vui tính ôm cả máy ảnh, cả ví tiền leo lên cây. Khỉ đeo máy ảnh vào cổ rồi ngồi mở ví ra đếm nhoay nhoáy trước khi... ném từng tờ xuống. Sợ nhất là bọn khỉ hứng chí, hứng tình phá phách. Có khi khách đến chia đồ ăn không đều, nó cáu lên cũng giật tung ngói của am tu ra mà vứt. Có cốc tu trên đỉnh núi bị lũ khỉ giật đổ, còn trơ nền đất. Ngói phibro xi măng hoặc các tấm tôn lợp mái nhà ở chùa bị bọn khỉ giật tanh bành. Trông thì bé nhỏ vậy, mà lúc chúng nó lên gồng, co hai tay, dướn hai chân, đồng thanh rung lắc, thì cả mái nhà chao đảo. Chúng tôi nghe những tiếng rầm rầm như ngàn quân reo hò, như thanh la não bạt. Lúc đi tìm nguồn cơn, không ai tin vào mắt mình nổi: Khỉ nổi loạn.

Khi làm việc với anh Hạt trưởng kiểm lâm trên địa bàn, nghe thông báo về việc thu bẫy khỉ trên núi, dẹp yên nạn làm thịt khỉ để chữa bệnh, chúng tôi thấy mừng lắm. Nhưng lúc vào nghe tin nhà chùa phải thuê một ông già cầm súng cao su, hàng ngày ngồi trong một gian chùa cổ và bắn để ngăn lũ khỉ về quấy phá chùa, thì ai nấy không khỏi bật cười thành tiếng. Ông Năm bảo: Lũ khỉ bướng lắm. Ông Năm quét tước, dùng súng cao su bắn khỉ, mỗi tháng các sư trả cho mấy trăm nghìn đồng, kèm theo vài chục cân gạo. Ông Năm cười: “Tui ngại bắn khỉ lắm, như thế là ác độc. Chỉ dọa là chính thôi.Giờ mình canh ở đây, cái bọn con cháu Tôn Ngộ Không này, cứ thấy mình là chúng lui quân vào phía núi kia rồi. Giơ súng lên, kể cả súng không có đạn (sỏi), thì chúng cũng vẫn sợ. Nhưng hôm nào tui quên không mang súng, lúc quét tước ở đây, lũ khỉ trinh sát thấy sau hông tôi không lòng thòng mấy chục sợi dây thun, là chúng ào đến. Lúc đó thì gậy hay chổi xể, hay gào thét cũng chẳng đuổi được chúng nữa!”.

Sự trù phú của Kỳ Vân Sơn, cơn đại náo của con cháu lão Tôn gây nhiều phiền phức ngoài tưởng tượng, nhưng cũng nhờ có chúng mà sơn kỳ thủy tú ven biển Long Hải kia luôn đem thêm nhiều cảm giác ấm áp và bình yên trong lòng lữ khách. 

VŨ NINH - ĐỖ DOÃN HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét