9 thg 5, 2018

Đại Phước tự - Chùa Ông Tám

Chùa Đại Phước, tên thường gọi là chùa Ông Tám, ở khu phố 6, phường Thống Nhất, Biên Hòa. Chùa do dân làng Phước Lư xây dựng khoảng năm 1940.

Đây không phải ngôi chùa cổ, không có quy mô bề thế, không có cổ vật hay kiến trúc quá đặc sắc, cũng không là nơi nổi tiếng linh thiêng cho những người cầu khấn... Vì vậy nên không được xác định là một điểm đến cho du khách. Thế nhưng,có những điều để kể về ngôi chùa này...


Ngày xưa, đây chỉ là một am cốc nhỏ do dân làng dựng nên ven sông bằng vật liệu nhẹ. Bấy giờ, để dựng lên ngôi tam bảo, các bô lão thỉnh hòa thượng Thích Thế Trạch (thế danh Nguyễn Trách) về làng chọn địa thế xây chùa. Hòa thượng Thích Thế Trạch trở thành trụ trì của chùa. Ông vốn tu học và xuất gia ở chùa Đại Giác nên lấy chữ đầu của tên chùa gốc (Đại Giác) và tên làng (Phước Lư) để đặt tên chùa là Đại Phước.

Chùa đã qua nhiều lần đại trùng tu vào các năm 1967, 1991, 1997, 2001. Trong đó, năm 1991 xây đài Quan Thế Âm cạnh bờ sông, đặt tượng Phật Di Lặc cạnh cây bồ đề trước cửa chùa. Năm 2001 xây dựng lại toàn bộ chánh điện, do kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam thiết kế, cũng là kiến trúc hiện nay.

Cảnh quan quanh chùa rất đẹp, yên tĩnh. Quan Âm đài ở sát bờ sông càng làm khách nhàn du tới đây thấy lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh.

Từ trên chùa nhìn xuống Quan Âm đài

Từ Quan Âm đài nhìn về phía chùa

Quan Âm đài

Tượng Phật Bà Quan Âm ở trước chùa

Các hình ảnh bên trong chính điện chùa:





Ở phía sau hậu tổ là nơi thờ linh vị, đặt hũ hài cốt của người đã khuất.



Phía sau chùa có những ngôi mộ cổ. Đây là mộ của ông (và bà) Đỗ Hữu Tính (1886 - 1956), nguyên cai tổng Phước Vĩnh Thượng, người đã góp công của rất nhiều cho việc xây dựng chùa Đại Phước.


Ngôi mộ khác cổ xưa hơn và lai lịch chưa được xác định rõ ràng.


Theo tư liệu còn lại và bia mộ ở chùa Đại Phước thì đây là mộ của quan Khâm sai đại thần Võ Quốc công, mất năm 1832. Ngôi mộ này có trên đất chùa từ trước khi xây dựng chùa hàng trăm năm. Chưa thấy có tài liệu nào cho biết về tên thật của Võ quốc công cũng như tiểu sử của ông.

Cuối cùng là câu hỏi: Vì sao chùa có tên là chùa Ông Tám?

Điều này cũng không thấy trong các tài liệu chính thức. Lới kể lưu truyền lại như sau:

Hồi đầu thế kỷ trước, có một tướng cướp hung tàn, gây rất nhiều tội ác lang bạt đến vùng đất này. Ông ta được một người cảm hóa, khuyên hãy ăn năn sám hối. Người xưa có câu: 

Quay đầu là bờ, 
Buông đao thành Phật

Tướng cướp nghe theo, nguyện quy y. Vị hảo tâm kia phát tâm xây một am nhỏ để tướng cướp có nơi tu niệm. Đó là khoảng những năm 1930. Nơi am nhỏ ấy người ta thấy một vị sư có gương mặt rất dữ dằn, nhưng ngày đêm chuyên tâm tu hành, làm điều thiện. Người ta gọi ông là Ông Tám. Ngôi chùa cũng được gọi theo là Chùa Ông Tám.


Có lẽ đó chính là tiền thân của chùa Đại Phước sau này... Câu chuyện không biết có đúng không, nhưng khi dừng bước nơi đây nhớ lại câu chuyện này để nghe lòng bao dung, để chiêm nghiệm lẽ đời... giữa chốn thiền môn thanh tịnh cũng là điều có ý nghĩa.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét