22 thg 5, 2018

Trên vùng đất hạn Ninh Thuận

Từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm là mùa khô hạn nhất ở tỉnh Ninh Thuận, biến vùng đất này thành một tiểu sa mạc, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong cuộc mưu sinh trên đất đai khô cằn, người dân Ninh Thuận đã ứng phó với biến đổi khí hậu, phủ lên vùng đất khô hạn đầy nắng gió này một màu xanh của sự phát triển. 

Nơi đồng khô nắng cháy
Dù mới chỉ là đầu mùa khô nắng nhưng cây cỏ ở hai thôn Đồng Dày và Tham Dú (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) hầu như đã chết khô. Có chăng chỉ còn loài cây xương rồng, gai đâm tua tủa được trồng để làm hàng rào giữa các thửa đất, do đây là loài cây mà bầy dê, cừu không thể ăn được.

Do lượng mưa năm 2017 thấp cùng với đặc thù về địa hình và thời tiết nắng nóng khiến cho các hồ thủy lợi ở Ninh Thuận dần khô cạn gần như trơ đáy, không có nước tưới cho cây trồng cũng như nước uống cho đàn gia súc.

Trong suốt hai tháng 3 - 4 / 2018, nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) đã cạn kiệt nước, khiến cho cây trồng khô héo, đàn gia súc của các hộ dân đang chật vật tìm thức ăn. Ảnh: Trọng Chính


Đàn cừu hơn 1000 con của ông Trần Cao Hòa, được anh Đào Quang Lơ lùa đi chăn sớm, để chúng kiếm được nhiều thức ăn hơn. Ảnh: Nguyễn Luân

Vào mùa khô, ở vùng tâm hạn của Ninh Thuận như hai thôn Đồng Dày và Tham Dú (xã Phước Trung, huyện Bác Ái), những người chăn cừu như Anh Đào Quang Lơ phải lùa cừu vào tận thung lũng dưới chân núi khoảng 10km với hy vọng là đi càng xa càng dễ kiếm được thức ăn cho chúng. Ảnh: Trọng Chính.

Kiểm tra số lượng đàn cừu ở một nông trại cừu sau một ngày đi kiếm ăn xa trở về chuồng. Ảnh: Trọng Chính 

Tỉnh Ninh Thuận có khoảng 150.000 hộ chăn nuôi với số lượng đàn gia súc tính đến cuối năm 2017 là hơn 112 nghìn con bò; hơn 137 nghìn con dê và hơn 160 nghìn con cừu.
(Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận). 

“Chỉ mới đầu mùa nắng hạn mà đàn cừu của tôi đã chết gần trăm con do thiếu thức ăn, nước uống. Mùa này nuôi cừu cầu hòa là mừng lắm rồi”, ông Trần Cao Hòa là chủ trại có đàn cừu hơn 1000 con, chua chát nói.

Những ngày thực tế ở các huyện Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc - nơi là trung tâm vùng nắng hạn, rất dễ bắt gặp những đàn cừu, đàn bò trơ xương nhẫn nại gặm cỏ khô, ăn rơm rạ cầm cự đợi mùa mưa về.

“Mùa này chăn cừu cực lắm, phải lùa cừu vào tận thung lũng dưới chân núi khoảng 10km với hy vọng là đi càng xa càng dễ kiếm được thức ăn cho chúng” chị Lê Thị Thu Linh, người nhận thuê chăn đàn cừu gần 400 con ở thôn Đồng Dày cho biết.

Nông trại trên vùng tiểu sa mạc
Trước thực trạng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nên nhiều năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp để thích nghi với hạn hán. Chính vì thế mà dọc theo đường ven biển thuộc địa phận xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước là hàng loạt những hồ nuôi tôm sinh học nổi bật trên vùng cát trắng. Cả tỉnh hiện có khoảng 900ha nuôi tôm trên cát, tập trung nhiều nhất ở xã Phước Dinh.

Một trong những trang trại nuôi tôm lớn nhất trong vùng là của gia đình anh Võ Thành Vũ, thôn Sơn Hải. Với diện tích rộng 3,5ha, trang trại tôm của anh Vũ đều lót bạt ở phía dưới để giữ nước theo phương pháp nuôi tôm trên cát, màn che phía trên để giảm thiểu lượng ánh sáng vào ao. Ngoài ra còn có các hệ thống máy quạt nước hiện đại, hệ thống cho ăn, thiết bị quan trắc môi trường, cùng với hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản.

“Nuôi tôm sinh học trên cát theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải bỏ vốn đầu tư lớn, như trang trại của tôi đã đầu tư hết 5 tỷ đồng cho 12 ao nuôi chính. Hai vụ đầu tôi đã thu lại 2.5 tỷ đồng, hiện nay vừa thả thêm vụ thứ ba, nếu thuận lợi tôi sẽ thu lại vốn”, anh Võ Thành Vũ cho biết.

Rời trang trại nuôi tôm ở xã Phước Dinh, chúng tôi đến vùng đồi cát Nam Cương ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) đã thấy mát mắt bởi hàng chục ha măng tây do các hộ nông dân người dân tộc Chăm trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại măng tây lớn nhất trong vùng mà chúng tôi ghé thăm là của vợ chồng ông Hùng Ky, một người Chăm nổi tiếng nhờ trồng măng tây thu lợi nhuận cao.

Hiện có khoảng 900ha diện tích nuôi tôm sinh học trên cát ở Ninh Thuận, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Luân

Trang trại trồng măng tây có diện tích 2ha xanh giữa vùng cát trắng (thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước) theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Linh Đan. Ảnh: Nguyễn Luân

Vợ chồng ông Hùng Ky, bà Từ Thị Hẹn, một gia đình người dân tộc Chăm nổi tiếng nhờ trồng măng tây thu được lợi nhuận cao. Ảnh: Trọng Chính

Măng tây thành phẩm ở Ninh Thuận với giá thành dao động từ 60.000 – 90.000, hiện là nông sản mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Luân 

Năm 2012, nhận thấy cây măng tây thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng khô hạn, nắng nóng, cộng với giá thành cao, ông Ky mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất lên 2,4ha, trong đó phần lớn diện tích thực hiện phương pháp tưới nước nhỏ nhằm tiết kiệm nước. Hiện tại, giá măng tây trừ các chi phí, dự kiến một ngày ông thu lợi khoảng một triệu đồng.

Cách không xa trang trại ông Hùng Ky, một trang trại khác có diện tích hơn 2ha măng tây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Linh Đan đang vào vụ thu hoạch. Măng tây tươi và trà măng tây hiện là hai sản phẩm chủ lực của Công ty, với thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng, siêu thị ở các thành phố lớn. Ngoài ra, Công ty Linh Đan còn là đơn vị cung cấp cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp khác ở Ninh Thuận như: trồng rong nho ở thị trấn Khánh Hải, làm muối trải bạt ở huyện Ninh Hải, trồng giống nho hồng ngắn ngày ở Thái An… bước đầu mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Người dân Ninh Thuận đã từng bước vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sống và phát triển kinh tế trên chính vùng đất sa mạc khô cằn.

Những trang trại nho ở Ninh Thuận hiện đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ cây nho cũng như mang lại một hình thức du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách đến vùng đất khát này.

Trang trại nho Ba Mọi nổi tiếng nhất Ninh Thuận hiện là điểm đến có tiếng mà bất kỳ nhà tổ chức tour nào đến Ninh Thuận cũng đưa du khách đến đây trải nghiệm. Với 2ha vườn nho và táo, trang trại nho Ba Mọi đón trung bình 1.000 khách mỗi tháng.

Ngoài trang trại nho Ba Mọi, những năm gần đây làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) cũng là điểm du lịch tham quan vườn nho hấp dẫn ở Ninh Thuận.

Những trang trại nho ở Ninh Thuận hiện đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ cây nho cũng như mang lại một hình thức du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Ninh Thuận. Ảnh: Trọng Chính

Ông Nguyễn Văn Mọi, người nông dân thuần hậu của vùng đất khát là chủ trang trại nho Ba Mọi nổi tiếng nhất Ninh Thuận. Ảnh: Trọng Chính 

Trang trại nho Ba Mọi đón trung bình 1.000 khách mỗi tháng đến tham quan và mua các đặc sản tại đây. Ảnh: Nguyễn Luân 

Du khách tự do tham quan, thưởng thức nho ngay tại vườn nhà chị Nguyễn Thị Phượng ở làng nho Thái Ân (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Trọng Chính 

Rượu vang Phan Rang, một sản phẩm chất lượng và nổi tiếng mang thương hiệu Trang trại Ba Mọi. Ảnh: Nguyễn Luân 

Anh Lê Tuấn Khanh đang thực hiện công đoạn chiết xuất và đóng nắp sản phẩm siro nho Phan Rang
tại trang trại nho Ba Mọi với công suất 300 chai/1 ngày. Ảnh: Trọng Chính 

Với lợi thế nằm trên trục đường 702, cung đường du lịch ven biển được coi là đẹp nhất Việt Nam, chạy qua Vườn quốc gia Núi Chúa, thẳng đến vịnh Vĩnh Hy, làng nho Thái An với những vườn nho xanh tươi bạt ngàn, những chùm nho chín mọng trên giàn đong đưa hấp dẫn du khách.

Chúng tôi vào thăm vườn nho Lang Phượng khi đang có rất đông du khách. Theo chị Nguyễn Thị Phượng, chủ vườn nho này cho biết thì du khách đến vườn nho được tự do tham quan và thưởng thức nho ngay tại vườn. Sau đó khách có thể chọn và tự cắt những chùm nho mình thích để mua về.

Cùng đi với chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Hải Nguyễn Hải Đăng cho biết hiện xã có trên 180ha diện tích trồng nho, với khoảng 400 nhà vườn, mỗi năm có thể thu hoạch 3 vụ nho với sản lượng từ 2,5 - 3 tấn nho/sào/vụ. Các chủ vườn đều được học các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, tiếng Anh, học cách pha chế… nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất.

Mô hình trồng nho kết hợp với du lịch tham quan vườn hiện nay được đưa vào khai thác một cách mạnh mẽ, vừa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ cây nho vừa mang lại một hình thức du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Ninh Thuận./.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Trọng Chính, Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét