14 thg 5, 2017

Độc đáo tục làm nhà cho người chết

Trong quan niệm của người Thái (huyện Mai Châu, Hòa Bình) thì người chết chỉ là chuyển từ thế giới bên này sang thế giới bên kia.

Vậy nên, người chết cũng phải được chia của cải, tiền bạc và dựng nhà để tiếp tục “sống”. Bao đời nay, nét văn hóa đặc biệt ấy của người Thái được duy trì như một thứ tài sản vô giá.

Cả làng ủng hộ vật chất và tinh thần cho gia đình người quá cố

Mỗi dân tộc, vùng miền lại có một quan niệm, nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Đối với đồng bào dân tộc Thái, khi người ta chết đi tức là sẽ tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia.

Khi đưa tiễn người mất về với “Mường trời”, việc quan trọng bậc nhất phải làm nhà mồ giống hệt như nhà khi còn sống. Với họ, dù chết đi thì vẫn phải được đối xử công bằng. Có làm như vậy mới thể hiện sự thành kính, người sống sẽ được phù hộ, gia đình làm ăn phát đạt.

Điều đặc biệt ở đây, mỗi khi trong bản có tang, tất cả các gia đình đều gác lại công việc dù quan trọng đến đâu. Họ thay nhau đến túc trực, phụ giúp gia đình tang chủ.

Trưởng bản sẽ thông báo đến toàn bộ người dân, lập ra các ban bệ để tổ chức đám tang ấy được trang nghiêm nhất, thành kính nhất.

Có lẽ tính cộng đồng, nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Thái được thể hiện rõ nhất trong đám tang.

Dân làng tập trung xây nhà cho một người vừa qua đời.

Hiểu được nỗi đau buồn của những gia đình có người chết nên những người trong bản sẽ luôn ở bên để động viên và chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Mỗi gia đình đều phải cử người đại diện đến và mang theo lễ vật gồm: gạo, củi, rượu, tiền để chia sẻ cùng tang chủ và người đã mất.

Ông Hà Văn Phát – Trưởng thôn Khán, xã Vạn Mai, tự hào nói về văn hóa của địa phương: “Đây là quy ước từ bao đời nay của người Thái chúng tôi. Riêng ở bản tôi, mỗi gia đình đóng góp 1 bó củi khoảng 10kg, 1 chai rượu, 50.000 đồng, 1kg gạo. Tất cả những lễ này sẽ được thầy mo báo cáo với người quá cố trong lễ tang”.

Không chỉ người trong thôn phải đóng lễ mà chính con cái cũng phải lo những phần lễ trong đám tang của cha mẹ mình. Phận rể và con gái phải đóng 1 con lợn từ 50kg đến 1 tạ, 20 lít rượu, 30kg gạo, 1 con gà.

Về phía con trai, lễ vật vẫn là những thứ đó nhưng nặng hơn một chút. Đặc biệt hơn nữa, thông gia tang chủ cũng phải có lễ viếng, lễ này gọi là Pựa và Sóng.

Lễ Pựa là lễ của thông gia có con gái gả đi, lễ vật gồm: đệm, gối, chiếu, 1 con lợn, gạo và rượu. Ngược lại, lễ Sóng là vai thông gia có con trai làm rể với người chết, gồm: lợn, gạo, rượu, mía, trứng, hương hoa, đệm, gối, chiếu. Những lễ vật này sẽ được thầy mo trình với người đã chết bằng những nghi thức lễ hết sức độc đáo.

Sau khi làm lễ xong, những lễ vật ăn được sẽ chia ra làm cỗ cho người đến viếng, cùng “ăn, uống” với người đã chết. Chăn, chiếu, đệm gối được chia cho người chết như một hình thức đi “ở riêng”.

Đặc biệt hơn cả những đồ vật hàng ngày khi còn sống đã sử dụng như cuốc, dao, nồi niêu, giày dép… được chia ra, mang ra để lên mộ.

“Người Thái chúng tôi quan niệm khi còn sống lao động, sinh hoạt thế nào thì khi chết đi cũng phải được chia lại những thứ đó. Với chúng tôi chết không phải là hết, mà là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Mà khi ở thế giới bên kia rồi thì cũng phải cần đồ đạc, công cụ để tiếp tục lao động, kiếm sống nữa chứ” – ông Phát chia sẻ.

Những người xây nhà cho người chết được gọi là dịch phu.

Khi sống thế nào thì chết cũng vậy

Ở Mai Châu, người Thái có nhiều họ như: họ Hà, họ Lường, họ Khà, họ Vì, họ Mạc, họ Lư sống gần với nhau, đoàn kết và rất yêu thương nhau. Đặc biệt là ở Vạn Mai, bao đời nay người Thái gắn bó với nhau, coi nhau như người một nhà.

Sự đoàn kết cộng đồng ấy được thể hiện rất rõ qua những công việc chung của bản như ma chay, hiếu hỷ… ông Phát cười nói: “Ở bản tôi không bao giờ có chuyện mất trộm cả, xe máy, đồ dùng để ngoài đường cũng không ai lấy. Nếu có mất thì chỉ có người ngoài vào đây lấy thôi. Nếu người trong bản tự lấy đồ của nhau mà bị phát hiện thì sẽ bị phạt rất nặng, rồi còn xấu hổ không dám ra khỏi nhà ấy”.

Có lẽ chính những quy ước đặc biệt như góp, chia của cải, xây nhà cho người chết mà giúp họ đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Như chính câu chuyện của gia đình ông Phát vào năm 2000. Khi ấy bố ông mất, anh em họ hàng và người dân trong làng góp tới 20 con lợn, vài tấn gạo, củi, rượu, và nhiều tiền mặt để cùng lo tang với gia đình. Của cải là một phần, người dân trong bản đều đến nhà động viên, an ủi, làm giúp những công việc của tang gia.

“Thực sự khi xảy ra chuyện ma chay mới thấy tình làng nghĩa xóm quan trọng đến mức nào. Bên cạnh vật chất thì mọi người cũng đến để động viên, an ủi. Những lúc đó thấy nhẹ lòng và thanh thản hơn nhiều” – anh Hà Văn Thắng chia sẻ.

Những ngôi “nhà ma”.

Bên cạnh những nghi lễ trên, dòng họ sẽ chọn một người làm dâu để cầu phục trong đám tang. Mục đích là để tạ ơn người đã mất đã có công sinh thành, dưỡng dục. “Sở dĩ chúng tôi không chọn con trai mà chọn con dâu làm lễ cầu phục là vì muốn gửi thông điệp không phân biệt con cái dù là trai hay gái, dâu hay rể” – ông Phát giải thích.

Một phần không thể thiếu trong đám tang của người Thái ở Vạn Mai là việc dựng nhà cho người đã mất. Công việc làm nhà này là vô cùng quan trọng và tỉ mẩn, không kém gì của người còn đang sống.

Khi nghe trong bản có người mất, thanh niên trai tráng, các già làng tự nguyện đến để nghe phân công công việc. Những người làm nhà cho người chết được gọi là dịch phu. Họ phải có uy tín, khéo tay, giỏi nghề mới được tuyển chọn làm công việc này.

Người dân góp củi cho tang chủ.

Ông Hà Văn Xiển đưa chúng tôi đi mục sở thị một ngôi “nhà ma” đang được dựng lên trong bản. Giữa trưa nắng chang chang, hàng chục thanh niên cởi trần lỉnh kỉnh cuốc xẻng, miệt mài đào huyệt.

“Khi đào xong huyệt mọi người sẽ bắt tay vào việc dựng nhà. Theo quan niệm của người Thái chúng tôi, nhà của người chết được dựng lên với 2 cột lớn đỡ ở hai đầu để phân biệt đâu là đầu, chân của người chết. Bên trên được lợp bằng ngói, tấm lợp bờ rô hoặc bạt… xung quanh nhà được đan bằng nan tre. Gia đình càng có điều kiện thì “nhà ma” càng to đẹp” – ông Xiển chỉ tay về nghĩa địa của bản nói.

Không chỉ hình thức phải đẹp, như nhà thật mà “nhà ma” phải dựng cả sàn bên trong, có chỗ để chăn màn, thậm chí phải làm nơi để những vật dụng như: ấm chén, quần áo, cuốc xẻng.

“Chúng tôi làm những ngôi nhà này bằng cả tâm huyết chứ không làm để cho qua loa được. Những gia đình giàu có thường mua gỗ quý từ trước, khi nhà có việc sẽ dùng làm “nhà ma” - anh Hà Văn Duẩn – dịch phu đám tang cụ Xiềm cho biết.

*TS. văn hóa dân tộc, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Trần Hữu Sơn cho biết: “Người dân tộc Thái quan niệm, khi gia đình có người chết mà chia tài sản không công bằng, người chết sẽ trở về đòi và phá phách khiến cho mọi người sống không yên ổn, ốm đau bệnh tật. Vì vậy khi người chết được chôn cất xong xuôi, của cải được gia đình chia lại và để kèm lên mái “nhà ma” hoặc đầu mộ.
Trong quan niệm mang tính triết học, người Thái bao giờ cũng nghĩ con người sau này chết đi sẽ chuyển sang ở một thế giới khác. Và họ tin rằng con người thuộc thế giới bên này sống như thế nào thì thế giới bên kia cũng sống y như vậy. Những người Thái đều có quan niệm như vậy nhưng mỗi nơi một khác. Ví dụ như người Thái “đen” thì làm nhà ngay ở khu mộ. Đối với người đã mất là nam giới thì người ta xây hình như một con ngựa, còn nữ giới lại có hình như một cái ô. Người sống có thể ở trong ngôi nhà đó. Họ nghĩ sống như thế thì sẽ gia nhập được thế giới tổ tiên. Trước kia tục lệ này khá tốn kém nhưng bây giờ người dân cũng đơn giản hóa đi nhiều. Chẳng hạn họ xây những ngôi nhà bằng vải chủ yếu mang tính chất biểu tượng mà vẫn giữ được ý nghĩa văn hóa”. 

Phong Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét