3 thg 5, 2017

Biển lở nơi miệng rồng

Nhiều người cho rằng Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long. Thời nhà Nguyễn do “kỵ húy” để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua) nên gọi chệch là Luông, lâu dần thành quen.

Những người nông dân ở bên cửa sông Hàm Luông luôn lo lắng trước nguy cơ sạt lở đất - Ảnh: Tấn Đức

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả vùng cửa sông này như sau:

“Sông rộng như là vực rồng, hang giao, thường có cá to, sấu lớn trồi lên hụp xuống. Nước sông thường trong, ngọt, sóng gió dập dình, có cái hứng nhìn một cái trông rõ mênh mông vạn khoảnh”. Nhưng bây giờ...

Biển lở

Bên rẫy dưa hấu vừa trồng hơn tuần, ông Đào Văn Khỏe (Út Khỏe, 43 tuổi), ấp Thạnh Thới B, nói trong âu lo: “Đang lúc nước ròng, biển lùi ra xa hàng mấy trăm thước vậy đó, nhưng khi thủy triều lên sóng biển tràn vô tuốt trong này.

Để bảo vệ 6 công đất (6.000m2) còn lại, mấy năm trước tui đã tốn cả trăm triệu đồng mướn Kobe (xe ủi đất) làm bờ bao rồi kêu xáng thổi giồng cho đất cao lên để làm rẫy.

Không biết con đê này có chịu nổi qua mùa gió chướng năm nay (thường bắt đầu vào tháng 9, kết thúc vào tháng 11 âm lịch) không nữa”.

Ông Út Khỏe cho biết đây không phải lần đầu tiên ông làm bờ bao chắn sóng. Hồi mới lấy vợ, ông Út được cha mẹ chia cho hơn 2ha đất bên cửa sông Hàm Luông.

Vài năm gần đây có khi qua một mùa gió chướng, cơ quan chức năng địa phương xuống đo đạc lại để điều chỉnh diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông thấy mất tới hơn 2 công đất.

Tiếc của, vợ chồng Út Khỏe vắt sức đào đắp bờ bao rồi trải cao su mặt ngoài để ngăn sạt lở, nhưng vẫn không kìm được nước chân “hà bá”.

Không chỉ mất đất, năm ngoái ruộng dưa của ông Út Khỏe còn chừng nửa tháng là tới ngày thu hoạch, nhưng chỉ qua một đêm dông sóng vỗ tràn bờ đánh tan tác khiến ông thiệt hại hơn 40 triệu đồng đã đầu tư.

“Chỉ mong 6 công đất rẫy còn lại sẽ trụ được thêm 3 - 4 năm nữa để tui có thể lo cho con trai đang học ở Đại học Đồng Tháp” - ông Út Khỏe buồn hiu nói.

Cạnh rẫy dưa của ông Út Khỏe, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ô cũng đang đứng ngồi không yên vì sóng biển đã vỗ về mí chân đê. “Trồng đại vậy chứ không biết có kịp ăn không nữa” - ông Ô bày tỏ âu lo khi chúng tôi hỏi rẫy đậu phộng của ông bao giờ thì nhổ.

Trong khoảng chục năm nay, ông Ô đã mất gần 1ha đất do sạt lở. Cách đây tám năm, vợ chồng ông cất nhà sâu trong bờ nhưng bây giờ biển đã lở vô gần tới.

“Nhiều đêm nằm nghe sóng vỗ ì ầm sát bên nhà ngủ không được, lại xách đèn pin ra bờ đê kiểm tra lỗ mọi. Nếu mình không phát hiện kịp thời để trám lại, sẽ bị sóng đánh rộng ra kể như mất trắng cả rẫy lẫn nhà” - ông Ô than.

Để đảm bảo an toàn, vợ chồng ông đã gửi hai đứa con nhỏ, đứa lên 7, đứa lên 9, đến nhà ngoại ở xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) trạm trú. Hằng ngày một mình ông ở lại bám trụ để canh mấy công rẫy nuôi vợ con.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều chủ đất đang sinh sống trên cung đường ven cửa sông Hàm Luông như ông Ba Tuất, ông Bảy Thạo, ông Hai Lẹo, bà Tư Tròn, ông Út Minh... Với giá đất hiện tại khoảng 40 triệu đồng/công, tính sơ tài sản thiệt hại của mỗi gia đình đã lên tới nửa tỉ đồng.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ nhanh trên đoạn hơn 3km bờ biển, có nơi ăn sâu vào bờ hàng trăm mét khiến nhiều hộ dân không chỉ mất đất sản xuất mà còn mất luôn chỗ ở. Thiệt hại do thiên nhiên gây ra đã vượt ngoài khả năng đối phó của địa phương” - ông Hà Văn Doi, chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, bày tỏ lo lắng.

Cửa Hàm Luông nhìn từ cồn Bửng - Ảnh: Tấn Đức

Mưu sinh ở cồn Bửng

Cồn Bửng nằm kề bên ấp Thạnh Thới B, một trong những địa bàn xa xôi nhất của cù lao Minh. Mấy năm trước chưa có cầu, từ trung tâm huyện Thạnh Phú muốn đến xứ “cồn trên cồn này” phải qua phà Cầu Ván, sau đó đi đò ngang qua cồn Tra, rồi thêm một chuyến đò nữa mới ra tới cồn Bửng.

Nằm ở mé ngoài cửa sông Hàm Luông, hướng ra Biển Đông, những năm qua tình trạng sạt lở ở đây cũng không kém phần “ác liệt” nhưng nhiều gia đình vẫn kiên trì bám biển mưu sinh.

Chúng tôi đi tìm ông Hồ Văn Na (Năm Na, 61 tuổi), một trong những người đã sinh sống lâu nhất ở cồn Bửng. Đó là một người đàn ông khá đặc biệt: không biết chữ, không biết đi xe máy, và đặc biệt rất hiếm khi ra khỏi địa phương, vì như ông nói “hễ xa cồn, xa biển là tui bịnh liền”!

Hồi đó nhà ông Năm Na ở đầu cồn Bửng. Từ sau cơn bão Linda (1997), cồn Bửng bắt đầu lở mạnh. Biển đã nuốt cả một đoạn cồn dài hơn cây số, đuổi hàng chục gia đình chạy trối chết, trong đó có ông.

Sau năm lần dời nhà chạy lở trên thửa đất khai hoang, Năm Na được địa phương cấp mấy công đất phía đuôi cồn để sinh sống.

Nhận đất, vợ chồng ông cùng tám người con (được đặt tên theo từng cặp đôi cho dễ nhớ: Được - Việc, Phượng - Thắm, Nam - Quốc, Chiến - Trận) đã mất nhiều công sức bồi đắp, tôn cao con đê xung quanh không cho nước biển tràn vô, rồi ngày qua ngày bới cát nhặt hơn 100 giạ ốc viết, vỏ sò đổ đi mới trồng cây xuống được.

Ngoài thời gian chăm sóc mấy công rẫy, hễ rảnh tay cả nhà lại vác xiệp ra biển đẩy ruốc. Bắt được bao nhiêu mang ra phơi ngay trên bãi cát.

Tới mùa ruốc hội lại kéo nhau đi đẩy xiệp, rồi phơi ngay trên bãi cát ven biển. Mỗi ngày cũng kiếm được vài giạ ruốc khô, thu nhập chừng 300.000 đồng. Hết mùa rẫy, mùa ruốc, lại xoay qua nghề đóng đáy sáo.

“Đây là nghề hơi đặc biệt” - ông Năm Na cho biết. Về hình thức cũng giống như đáy hàng khơi, nhưng đáy sáo không tập trung thành hàng, thành dãy mà phân tán mỗi nơi chừng vài ba miệng.

Người chủ đáy sáo mỗi tháng chỉ thả hai đợt vào thời điểm trăng sáng nhất và tối nhất, mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày. Đây là lúc nước rong (triều cường) dòng chảy mạnh, dễ trúng cá tôm.

Ngoài thời gian này chủ tháo miệng đáy đem về nhà cất, chỉ để lại mấy hàng cọc cho những bạn đáy “vãng lai” mượn đóng tạm. Không cam kết, hứa hẹn gì nhưng đã thành thông lệ: hễ ai thấy cọc đáy bỏ không thì cứ mang miệng đáy ra đóng, không cần hỏi han gì hết.

Tới chừng nước rong, “chính chủ” mang miệng đáy ra thả thì bạn đáy vãng lai tự động dỡ đi. Cứ vậy mà khai thác, chưa thấy xảy ra “tranh chấp chủ quyền” bao giờ.

Bởi nói như Năm Na: “Mình có hàng (đặt đáy trúng) thì phải chia sớt cho bạn đáy nghèo để họ còn có tiền mua gạo. Vậy làm nghề mới bền lâu được”.

Chiều muộn chúng tôi gặp lại gia đình ông Chín Tiền, bà Hai Giả, bà Năm Liên và nhiều ngư dân lấm lem đất cát đang trên đường về nhà sau một ngày lao động.

Người thì hớn hở với mấy con cá to đùng giăng được, người khác lại nghiêng thùng khoe mớ cua ốc nhặt trong các vũng nước đọng lại trên bãi biển.

Vài năm gần đây khi con đường ra cồn Bửng được khai thông, vào mùa khô khách du lịch các nơi rục rịch đổ về cồn Bửng để tắm biển và tham quan bãi ốc viết.

Nhà nghỉ, quán ăn đã dựng lên. Nhưng bên cạnh không gian náo nhiệt do khách phương xa tạo ra đó, nhiều ngư dân cồn Bửng vẫn lặng lẽ mưu sinh như bao năm dài vẫn vậy.

Theo Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre, vùng cửa sông Hàm Luông hiện tại có chiều dài khoảng 20km tính theo đường chim bay, chỗ hẹp nhất 1,73km, chỗ rộng nhất 10km (khu vực cửa sông đổ ra biển), bao gồm tám xã: Mỹ An, An Điền, Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), An Hiệp, Hiệp Đức, An Hòa Tây, An Thủy (huyện Ba Tri), với hơn 18.000 hộ, 81.000 người, trong đó khoảng 85% sống bằng nghề cá.

TẤN ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét