30 thg 5, 2017

Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam tại Đà Lạt

Ẩn mình giữa núi rừng xanh mướt, nhà máy thủy điện Ankroet hiện lên như một tòa lâu đài cổ kính thôi thúc bước chân khám phá của du khách. 

Theo cuốn Địa chí Đà Lạt, nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 10/1942 và khánh thành vào năm 1945, chính thức phát điện năm 1946. 


Nằm sâu trong thung lũng Suối Vàng, nhà máy thủy điện Ankroet cổ kính với lớp áo bạc màu của thời gian. 

Nhà máy được xây dựng theo lối kiến trúc đá rất đặc trưng của vùng tây nam nước Pháp. Nhìn xa, cả công trình như một biệt thự xinh đẹp e ấp giữa rừng cây xanh mướt.

Dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nơi đây vẫn giữ được vẻ ngoài cổ kính, hài hòa với thiên nhiên. Không chỉ mang ý nghĩa về kiến trúc, cảnh quan, nhà máy thủy điện còn là nơi cung cấp điện chính cho cả thành phố Đà lạt. 

Ankoret không chỉ là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đông Dương mà còn là nhà máy duy nhất có đập tràn được xây bằng đá chẻ. 

Toàn bộ công trình được xây dựng thủ công, chủ yếu là dùng sức người. Ngoài xây dựng thủ công bằng đá chẻ, công phu nhất chính là đường hầm xuyên núi dài tới hơn 500 m. 

Cho đến nay công trình này đã hơn 70 năm tuổi. 

Hệ thống cũ của nhà máy đã được thay thế bởi hệ thống theo công nghệ mới, hiện đại và cho công suất cao hơn. 

Sức người đã giảm và công việc lao động đã trở nên an toàn hơn đối với cán bộ, nhân viên. 

Dù nhà máy đã được áp dụng công nghệ hiện đại, những nét đẹp độc đáo, in đậm dấu xưa thì vẫn được lưu trữ. Hàng ngày, nơi đây thu hút hàng trăm du khách ghé thăm. 

Những cây cầu dẫn vào nhà máy thủy điện làm ta liên tưởng đến lối vào của một căn biệt thự cổ kính. 

Dấu vết thời gian vẫn được lưu trữ lại trong khuôn viên của nhà máy thủy điện, tạo cho du khách sự tò mò, thôi thúc khám phá, tìm hiểu. 

Nhà máy thủy điện Ankroet cách thành phố Đà Lạt gần 20 km về phía tây bắc, bên hồ Đankia và Suối Vàng. Ảnh: Google Maps. 

Thảo Nhi - Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét