3 thg 5, 2017

Cửa Tiểu không còn như xưa

Chưa làm “biến mất” một dòng sông, nhưng thời gian qua nhiều cồn bãi có diện tích lớn đã và đang hình thành nơi cửa sông Cửa Tiểu.

Cửa Tiểu nhìn từ phà Đèn Đỏ - Ảnh: Tấn Đức


Robinson cồn Ngang

“Thủy triều ở đây lên xuống nhanh lắm, chậm một chút sẽ mắc cạn, không ra tới cồn Ngang được đâu” - anh lính biên phòng nói át tiếng máy rồi tăng ga cho chiếc ghe bứt lên.

Không đầy nửa giờ sau, chúng tôi đã đặt chân lên bãi cát mịn còn in dấu “công trình” do đám dã tràng tạo ra.

Tiếp tục đi bộ băng qua mấy dãy rừng bần, rừng dương, trụ sở làm việc của Đội kiểm soát biên phòng cồn Ngang hiện ra.

Thật bất ngờ khi thấy vườn rau xanh, bể chứa nước mưa, thêm đàn heo rừng vài chục con chạy loanh quanh trong chuồng.

Càng vui hơn khi biết nơi đây đã có điện năng lượng mặt trời và sóng điện thoại di động.

Không chỉ vậy, tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao trên dải đất dài hơn 5,5km, tổng diện tích trên 1.600ha và vẫn đang không ngừng mở rộng về phía đất liền.

Tiềm năng du lịch của cồn Ngang đang được đánh thức, nhưng những ai đã từng gắn bó với Cửa Tiểu không khỏi giật mình trước những biến đổi thiên tạo.

Thiếu tá Nguyễn Thái Dũng (45 tuổi), một trong những người lính biên phòng đầu tiên làm nhiệm vụ ở cồn Ngang, nhớ lại: “Từ thập niên 1980, người dân sinh sống ở Cửa Tiểu đã nghe những tiếng gầm gừ rất lạ từ biển khơi vọng vào mỗi khi thủy triều rút. Người ta lý giải âm thanh đó là tiếng sóng biển va vào bãi cát ngầm của cồn Ngang đang nhô dần lên”.

Khoảng giữa năm 1992, ở tuổi 22, Dũng cùng một chiến sĩ được giao nhiệm vụ ra cồn Ngang bảo vệ an ninh biển và giúp đỡ, hướng dẫn ngư dân vào bờ trú tránh bão.

“Đã biết trước sẽ như Robinson trên hoang đảo, nhưng chúng tôi vẫn mất không ít thời gian để quen với hoàn cảnh sống mới, bởi cồn Ngang bấy giờ chỉ như vạt đất dài giữa biển hoang lạnh, rất ít cây và gần như chìm trong nước mỗi khi triều lên” - thiếu tá Dũng kể tiếp.

Rồi anh đùa: Đặc sản ở cồn Ngang hồi ấy là cát. Làm gì cũng gặp cát, ăn cơm cũng ăn chung với cát. Nước ngọt thiếu thốn vô cùng, chỉ để dành nấu cơm và uống, còn mọi sinh hoạt khác đều bằng nước mặn.

Tới cao điểm mùa biển động (khoảng tháng 9 đến tháng 10), ngư dân ít ra khơi. Có hôm khát nước đến khô họng, không còn nước uống, anh em tụi tôi phải lấy dưa gang ngư dân cho để ăn cho đỡ khát. Rồi một sự kiện khó quên xảy đến.

“Đó là một ngày đầu tháng 10 - 1992, thời tiết đột ngột xấu, gió cấp 7-8 quật liên hồi kèm theo mưa lớn, nước dâng nhanh ngập đến ngang thắt lưng. Bộ đàm đã mất liên lạc từ lúc trời mới mưa nên chúng tôi hoàn toàn bị cô lập giữa biển nước, chỉ còn biết ôm trụ chòi cầm cự trong những đợt sóng ngày càng lớn” - thiếu tá Dũng nhớ lại.

Qua một đêm, liệu bề khó trụ được, Dũng đành bảo đồng đội: “Bỏ chòi, tìm bập dừa mà bám”. Liền sau đó, căn chòi đã bị dông gió cuốn đi.

Ban đầu Dũng còn tỉnh, cố gắng căng mắt tìm tàu đi ngang để kêu cứu. Rồi anh ngất đi, tay vẫn bám chặt thân dừa. Khoảng 17g hôm ấy, người dân xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Bến Tre (địa bàn giáp ranh Tân Phú Đông) thấy có người bám lặc lè trên thân dừa dạt vô bờ thì xúm lại cứu.

Sau năm tiếng trôi trên biển, Dũng và đồng đội đã được cứu sống. Nghỉ ngơi hai ngày, anh lại tiếp tục ra cồn Ngang làm nhiệm vụ.

Anh cùng ngư dân dựng lại chòi khác, cao như chòi canh nghêu (cỡ 5m), làm lại bếp núc vì tất cả đồ đạc đã trôi hết. Nhắc chuyện cũ, anh lại cười: “Lúc đó gia đình tôi nghe người dân kể loáng thoáng tưởng tôi đã chết, cuống cả lên...”.

Thiếu tá Nguyễn Thái Dũng (bìa trái), người gắn bó với cồn Ngang nhiều năm - Ảnh: nhân vật cung cấp

Cửa Tiểu bây giờ

Nhiều năm gắn bó với vùng đất nơi cửa sông, ông Sáu Tràm (72 tuổi, ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đã chứng kiến bao thăng trầm, biến chuyển của thiên tạo.

“Ngày trước Cửa Tiểu hẹp hơn bây giờ nhiều. Để định vị cho tàu thuyền, người ta đã làm một cột hải đăng ở bờ bắc, thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Trụ đèn cao cả chục thước, được dựng trên trụ sắt vững chãi, nhưng do sạt lở đã sụp mất xuống biển. Từ mé bờ bây giờ ra đến trụ đèn ấy tới nửa cây số chứ chẳng chơi” - ông Sáu Tràm kể.

Trụ đèn đỏ không còn, cả một khu vực rộng lớn bờ bắc Cửa Tiểu, thuộc hai ấp Tân Phú, Cầu Muống (xã Tân Thành) cũng đang bị sạt lở nặng, làm biến dạng cả một đoạn bờ hơn 3km, có nơi tiến sát vào đê biển ngăn mặn cho cả vùng Gò Công.

Vậy nhưng địa danh Đèn Đỏ vẫn được truyền lưu khi nó trở thành tên hành chính quy tụ nhiều cư dân làm nghề biển khắp nơi tìm về.

Và tại đây đã có lúc người ta lại thắp đèn dầu đỏ rực một vùng quê biển để lấy ánh sáng cân đong, phân loại cá tôm mỗi khi tàu thuyền cập bến. Bây giờ thì tất cả đã lùi xa, nhường chỗ cho đèn điện sáng choang.

Trong khi đó phía bờ nam Cửa Tiểu, thuộc xã Phú Tân, huyện cù lao Tân Phú Đông, nơi ông Mười Rớt (65 tuổi) sinh ra lại được bồi tụ liên tục.

“Trước đây đuôi cù lao Tân Phú Đông rất gần với lũy Pháo Đài (xã Phú Tân), nhưng về sau đã bồi tụ, lấn dài ra biển hàng mấy cây số khiến cho vùng đất này có thời gian hoang hóa, đất đai mênh mông nhưng không làm gì được.

Đến khi Nông trường Phú Đông rồi sau này là huyện Tân Phú Đông thành lập (năm 2008), tiến hành khai hoang, làm đê ngăn mặn, đắp đường giao thông, người dân các nơi mới về khai hoang, lập nghiệp ngày càng đông đúc, tạo nên những xóm dân cư như bây giờ” - ông Mười Rớt nhớ lại.

Nhà sưu khảo Phan Thanh Sắc (79 tuổi), cựu hiệu trưởng Trường trung học Hòa Tân (tỉnh Gò Công), một trong những nhân chứng sống của cuộc biến thiên nơi Cửa Tiểu, kể thêm: “Thời phong kiến, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở cửa sông này nhiều đồn, bảo để kiểm soát, thu thuế tàu thuyền, đồng thời phòng bị, ngăn chặn tàu chiến của Pháp qua đây để đánh chiếm Mỹ Tho, trong đó có cản hàn bằng đá hộc, cọc gỗ nhọn hoắt ngay Cửa Tiểu, mà sau này dân gian vẫn gọi là đập đá hàn.

Điều đó cho thấy Cửa Tiểu từng có một vị trí rất quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng đất Tây Nam bộ. Nhưng bây giờ dường như vai trò ấy đã không còn. Người ta nhắc nhiều hơn tới những luồng tàu qua sông Hậu!” - ông Phan Thanh Sắc nhìn nhận.

Nhiều cồn bãi có diện tích lớn đang hình thành

Báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam về tình hình xói lở, bồi tụ ven biển Nam bộ cho biết đoạn bờ biển nằm giữa sông Cửa Tiểu và Cửa Đại được bồi tụ rất mạnh, tốc độ bồi tụ trung bình trên 100m/năm, tính từ năm 1965 đến 1989 bờ đã được bồi ra khoảng 3km.

Từ năm 1989 đến nay đã xuất hiện cồn Nổi (cồn Cống) phía Cửa Tiểu, cách đường bờ cũ khoảng 2,7km và liên tục phát triển về phía bờ, đến thời điểm hiện tại cồn Nổi đã gắn liền với cù lao Tân Phú Đông.

Trong khi đó, khảo sát thực tế của tỉnh Tiền Giang cũng cho thấy ngoài cồn Nổi và cồn Ngang, gần đây đã xuất hiện bãi Vượt cách bờ khoảng 10km. Bãi có chiều dài lên tới 10km, ngang 3km, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống.

TẤN ĐỨC - YẾN TRINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét