18 thg 5, 2017

Ngày xưa Con kênh xanh xanh

“Xe chạy lướt qua những bụi chuối mọc sát ven kênh, đủ để ký ức xa mờ quay về trong câu hát đã ghi dấu ấn sâu đậm của một thời: “Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha”...

Vương Minh Thu - Tác giả bài viết

Trong một ghi chép viết cách đây không lâu, mình có nhắc đến cảm xúc âm nhạc khi nghe các bản ghi âm trước 75 được trình bày bởi các danh ca và với cách hòa âm phối khí khác biệt rõ rệt với giai đoạn sau này. Đó là giọng ca trong vút của Hà Thanh không phai mờ với bản “Chiều mưa biên giới”, hay “tiếng hát nồng nàn tình ái của Khánh Ly” trong tuyệt phẩm Sơn Ca 7 đi vào và ở lại trong tim những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn.

Cảm xúc âm nhạc thường gắn liền với kỷ niệm. Những “lũ kỷ niệm trước sau” ấy có thể riêng tư và khác nhau ở từng người, nhưng cũng gắn kết một thế hệ bởi hoài niệm chung về một không gian và thời gian đã sống qua… Và điều tạo ra cảm xúc âm nhạc phải chăng là thanh âm? Bởi khi nói đến ghi âm và hòa âm là nói đến khoa học. Cùng với thời gian, công nghệ ghi âm - hòa âm có những bước tiến vượt bậc không ngừng. Chỉ có thanh âm mới lưu dấu cái không khí và văn hóa vào thời điểm thu âm, khi người ca sĩ ngân nga những nốt nhạc như một biểu đạt sự cảm thụ cá nhân về cái hồn của bài hát.

Mình tin chắc rằng những người bạn cùng lứa tuổi 6x, 7x hầu hết đều biết (và thậm chí thuộc lòng) bài hát “Con kênh xanh xanh”. Ca khúc này thường được phát trên ti vi và đài phát thanh vào những năm xưa ấy, được trình bày bởi nhiều nghệ sĩ “ngôi sao” như tam ca Thanh Hoa - Thanh Hòa - Bích Lan, song ca Ái Vân – Phương Nhung, đơn ca Tô Lan Phương... Thập niên 80, “Con kênh xanh xanh” cũng chính là nhạc hiệu kết thúc chương trình truyền hình tầm 11 giờ đêm, khi màn hình chạy thông tin chương trình cho ngày hôm sau.

Thời ấy trên sân khấu, những tiết mục ca múa liên quan đến Nam Bộ đều dùng phục trang áo bà ba cổ quàng khăn rằn của các diễn viên nữ như một mặc định. Khi là một cô bé con sáu tuổi, mình đã sớm biết về tính ước lệ của sân khấu bởi ngoài đời thực các chị em, các cô dì, các bà, các má không quàng khăn rằn hờ hững điệu đà như thế. Công dụng của khăn rằn trong việc đồng áng ở vùng đất miền Tây Nam Bộ là để quấn trên đầu che nắng, buộc gọn mái tóc và để lau mồ hôi.

Hồi đó phải mất một ngày đường, đi xe đò từ Sài Gòn xuống Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), từ đó đi xuồng máy đến nhà người thân ở Nhơn Hòa Lập (tỉnh Long An) thì trời đã tắt nắng. Chặng về đi theo một lộ trình khác, nhưng vẫn công thức xuồng máy + xe đò. Từ Nhơn Hòa Lập đi theo con kênh Dương Văn Dương xuôi dòng sông Vàm Cỏ Tây đến thị xã Tân An, rồi lên xe khách về lại Sài Gòn. Tỉnh Long An có hai con sông chảy qua và cũng đều đã được đưa vào những ca khúc vô cùng quen thuộc thời niên thiếu của mình, như “Vàm Cỏ Đông”, hay “Em ở đầu sông anh cuối sông”. 

Kênh Dương Văn Dương 

Điều thú vị là đều khởi nguồn từ Tây Ninh, đều đẹp thơ mộng và thân thuộc hữu ích với đời sống người dân Long An như nhau, nhưng chỉ có Vàm Cỏ Đông được nhắc đến trong thơ nhạc. Có lẽ Vàm Cỏ Tây nghe không vần điệu mượt mà bằng chăng?

Đi vào âm nhạc sớm hơn nữa là kênh Dương Văn Dương trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh (1931-1993). Ca khúc được sáng tác năm 1949, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” đối với nhiều thính giả và người yêu nhạc từ bấy đến nay. 

Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi 
Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi. 
Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi 
Bao câu tơ duyên dạt dào tim ta thắm tươi. 

Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh 
Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha. 
Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca 
Ngả nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa 
Chiến khu bừng lên ấm bao lòng dân quê ta 
Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi 

Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi. 
Ghi sâu tim tôi bao ngày tranh đấu nổi sôi. 
Con kênh xanh ơi, dập tàn chinh chiến khắp nơi 
Bên nhau ta xây trọn bài tình ca thắm tươi. 

Có thể thấy chất trữ tình lãng mạn của tình yêu đôi lứa được lồng trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoang sơ và cuộc sống bình dị chất phác như những nét chấm phá rất đặc trưng cho miền sông nước Nam Bộ, mà cũng hào sảng tinh thần kháng chiến được nhạc sĩ Ngô Huỳnh cô đúc trong sáng tác này khi ông mới mười tám tuổi. Trong hồi ức của ba mình, một cậu bé tám tuổi (năm 1950) lần đầu tiên từ Sài Gòn vào chiến khu thăm cha, hình ảnh con kênh Dương Văn Dương thời ấy đúng như trong bài hát. 

Những bụi chuối mọc tự nhiên trải dài ven bờ kênh trổ buồng trĩu xuống, ai muốn ăn thì cứ hái. Dưới kênh tung tăng từng đàn cá lội, ai muốn câu thì câu. Mùa nước ròng, rong trôi về nhiều phủ kín mặt kênh, những con cá lớn ngợp thở phải nhảy tanh tách lên cao để lấy không khí. Dân cư trong vùng thưa vắng, cách vài trăm mét mới có một căn nhà nhỏ. Vào những hôm trời quang có thể nhìn thấy núi Bà Đen xa xa. Kênh Dương Văn Dương được người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ XX, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt giữ vai trò xả phèn và điều hòa nước lũ cho vùng đất mà chúng ta quen gọi là Đồng Tháp Mười.

Ruộng lúa 

Sở dĩ bài hát có tên “Con kênh xanh xanh” cũng bởi màu xanh của nước phèn, và màu xanh của cây sộp, cà na, rặng trâm bầu… in bóng xuống mặt kênh. Nước ngọt canh tác trồng trọt được và dùng trong sinh hoạt hàng ngày như giặt giũ tắm rửa thì có màu nâu của phù sa, khi mỗi năm vào mùa lũ nước ở sông Mekong từ Cambodia đổ về bồi đắp. Cây tràm, loài cây thích hợp sinh trưởng trong môi trường nước lợ, với công dụng giữ đất đã gắn bó với vùng đất này từ bấy đến nay. Ở miệt đất Tây Nam Bộ này cho đến Cà Mau đi đâu cũng thấy ngút ngàn tầm mắt là màu xanh rừng tràm.

Theo lời kể của ba, đang trong thời kỳ kháng chiến nên phải đợi đêm xuống mới đi xuồng luồn lách trong những kênh rạch nhỏ để đến căn cứ. Chiến khu Dương Văn Dương nằm ở địa bàn các xã Nhơn Hòa, Tân Lập (trước khi tách là xã Nhơn Hòa Lập), Hậu Thạnh, Tân Hòa, Nhơn Ninh và Tân Ninh thuộc tỉnh Long An. Kênh Dương Văn Dương rộng khoảng hai mươi mét, cách một quãng lại được đắp ụ đất để ngăn tàu to của Pháp, chỉ chừa đủ chỗ cho xuồng ghe nhỏ của dân quân ta qua lại.

Theo cách xưng hô thân mật với người là đồng đội của cha, ba mình gọi “nàng thơ” trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh là cô, cô Sáu Quế. Cô Sáu Quế là nữ sinh trường Petrus Ký ở Sài Gòn, “xếp bút nghiên” vào bưng biền theo tiếng gọi kháng chiến, cũng như rất nhiều thanh niên yêu nước thời ấy. Với khuôn mặt xinh đẹp và nước da trắng hồng, cô đã khiến chàng trai trẻ Ngô Huỳnh si mê viết nên câu hát “Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi”.

Bàng ở đây không phải là “cây bàng lá đỏ” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến trong bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”, mà là một loài cỏ lác mọc hoang dùng đan đệm.

Bàu Gõ trên cỏ dưới bưng 
Nhổ bàng đươn đệm em đừng đi đâu. 
(Ca dao) 

Cỏ bàng thường mọc ở vùng trũng phèn ngập nước quanh năm như ở Đồng Tháp, Hà Tiên và một số huyện xã thuộc tỉnh Long An. Từ lâu đời, bàng là nguồn nguyên liệu để đan, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực như đệm bàng (chiếu), bị bàng (giỏ xách), võng bàng. Theo nhịp sống thời đại, nghề đan bàng đã mai một đi rất nhiều. Ngày nay, những chiếc bị bàng đủ kích cỡ xinh xắn thường được dùng như bao bì thấm đẫm hồn cốt thủ công mỹ nghệ Nam Bộ.

Trở lại với “Con kênh xanh xanh”, cỏ bàng màu xanh và hoa cũng màu xanh, được nhổ về khi đạt chiều cao gần bằng đầu người. Ngày mình còn nhỏ, dọc đường đi vẫn thấy người ta trải ra từng bó cỏ bàng xếp hình rẻ quạt để phơi nắng. Sau khi phơi, bàng được đem giã (cho cọng bàng mềm hơn dễ đan lát) với chày cũng cao gần bằng đầu người trên một phiến gỗ to, dày và chắc. Công việc giã bàng nặng nhọc nên thường được làm vào đêm khuya yên ắng mát mẻ. Sự đan xen gắn bó bền chặt giữa các cọng bàng với nhau khiến chàng nhạc sĩ trẻ liên tưởng đến mộng ước lứa đôi.

Kênh Dương Văn Dương nhìn từ hướng khác, với màu xanh huyền thoại 

Tuy nhiên, trớ trêu là nàng thơ Sáu Quế đã trao duyên gửi phận cho một người đồng đội có phần anh tài nổi bật hơn. Người bạn đời của cô chính là thượng tướng công an Cao Đăng Chiếm (1921-2007). Một trong những bí danh của vị tướng an ninh huyền thoại này, là “Năm Quế”, lấy từ tên người vợ của ông.

Con kênh xanh xanh như một dòng nước hiền hòa mang hồn vía Nam Bộ thấm vào tâm hồn yêu quê hương, yêu nhạc Việt của người nghe. Với mình, con kênh Dương Văn Dương trong “Con kênh xanh xanh” gắn liền với kỷ niệm những dịp về thăm người thân. Cách Sài Gòn 102km và ngày nay nhờ có đường cao tốc, rồi Quốc lộ 62 được nâng cấp mở rộng, thời gian rút xuống chỉ còn hai giờ đồng hồ chạy xe.

Nhân đây xin kể một giai thoại về cách người dân Long An đặt tên cho con đường huyết mạch mà thoạt tiên người ta chỉ nghĩ rằng đặt tên theo số hiệu như nhiều con đường khác. Thật ra, đây là một sự vinh danh cho hai nhân vật theo cách gọi tên thân mật của người miền Nam. Một người thứ Sáu - là nữ Phó Chủ tịch tỉnh Long An phụ trách lương vận, đã “đeo bám” người kia thứ Hai - là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khoảng giữa thập niên 80 về dự án làm con đường nối Tân An với các huyện ở vùng Đồng Tháp Mười.

Có điểm kết thúc là cửa khẩu biên giới Mộc Hóa, Quốc lộ 62 góp phần quan trọng mở ra sự phát triển kinh tế cho vùng đất này. Những năm ấy, phương tiện giao thông chủ yếu ở vùng sông nước là ghe xuồng. Còn nhớ, đám cưới của chú út mình, đoàn rước dâu đi ghe hơn ba chục cây số từ năm giờ sáng đến nhà cô dâu ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), không xa đó là khu di tích Gò Tháp nổi tiếng đi vào lịch sử và thơ ca. Cuối năm, trời se lạnh về sáng sớm và đêm khuya, đắp một tấm chăn mỏng ngủ trên phản trải đệm bàng trong âm thanh rì rì của ghe tàu qua lại trên kênh vọng vào là một trải nghiệm khác biệt thi vị cho người thành phố.

Cô chị thành phố còn rủ được hai người em họ chèo xuồng đưa đi ngắm hoa sen hoa súng. Chiếc xuồng gỗ nhỏ men theo con kênh nhỏ kế bên nhà chú, luồn lách đi trong hương hoa tràm và mùi vỏ cây tràm ngai ngái thơm, rồi bất chợt hiện ra mênh mông mặt nước là hoa súng màu vàng, màu trắng, màu tím hồng. Thò tay rẽ nước cảm nhận luồng nước mát lạnh, được thực tập cách nhổ/ bứt bông súng, rồi thôi… Bởi người dân ở đây không chưng hoa sen hoa súng làm đẹp nhà cửa. Vớt lên một mớ ốc chỉ để chơi, rồi lại thả xuống.

Ngày xưa đúng nghĩa chim trời cá nước, cá nhiều vô kể, ăn không hết thì làm khô làm mắm cá ăn dần, bởi thế người dân ở đây không có thói quen ăn ốc. Cá dễ cắn câu đến mức một cô nhỏ chả có tí kỹ năng câu cá là mình, ra ngồi ngay bờ kênh trước nhà cũng lập được thành tích. Đến khi gỡ ra khỏi móc câu mới biết đấy là một con cá rô mù… Dẫu sao thì cũng là những niềm vui trẻ thơ của những ngày cũ, không phai trong tâm trí.

Cuộc sống dĩ nhiên phải thay đổi và phải phát triển lên. Kênh rạch và hệ thống thủy lợi được khai thông giúp cho vùng Đồng Tháp Mười bớt ngập úng, đất bớt chua phèn. Rừng tràm lùi sâu vào trong nhường chỗ cho ruộng lúa cao sản. Ruộng sau lưng nhà chú mình những ngày cuối năm lúa đang thì con gái xanh mướt trải dài ngút tầm mắt. Với công nghệ mới, một năm nông dân ở đây làm được ba vụ lúa, trúng mùa có thể thu hoạch đến tám tấn thóc trên một mẫu (ha) ruộng.

Những đầm sen nay chỉ còn thi thoảng bắt gặp trên đường. Dọc hai bên bờ kênh san sát nhà cửa, trường học và hàng quán đều khang trang bề thế hơn xưa rất nhiều. Xe chạy lướt qua những bụi chuối mọc sát ven kênh, đủ để ký ức xa mờ quay về trong câu hát đã ghi dấu ấn sâu đậm của một thời: “Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha”...

Bài và ảnh: Vương Minh Thu, từ TP. HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét