9 thg 5, 2019

Giá trị nhân văn trong lễ cưới truyền thống của người M’nông

Ngoài những nghi lễ liên quan đến lao động, sản xuất, người M’nông còn có hệ thống nghi lễ liên quan đến vòng đời người như: lễ mừng sức khỏe, lễ đặt tên cho con, lễ trưởng thành, lễ cưới… Trong đó, lễ cưới bao gồm các bước: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lại mặt. 

Quá trình cộng cư, giao lưu văn hóa và hội nhập đời sống hiện đại, lễ cưới của người M’nông có sự thay đổi theo hướng tối giản hơn, nhiều hủ tục xóa bỏ. Mặc dù vậy, một số nghi thức truyền thống độc đáo vẫn được người M’nông lưu giữ, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhà trai chuẩn bị lễ vật đến hỏi cưới cô gái 

Trong lễ cưới của người M’nông, giá trị nhân văn thể hiện qua nhiều khía cạnh, nhưng nhìn chung đều có thể thấy việc đề cao những giá trị đẹp đẽ của con người. Tính nhân văn được thể hiện qua các giá trị của vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, hướng đến khẳng định và đề cao giá trị con người...

Tính nhân văn đầu tiên thể hiện ở cách hành xử của hai bên gia đình trong lễ dạm ngõ, được tiến hành trước lễ cưới 1 – 3 năm. Sau khi đôi trai gái quen biết nhau, cảm thấy ưng nhau thì cha mẹ chàng trai và người có trách nhiệm sẽ đến nhà cô gái để ướm hỏi cho con trai mình. Chuyến đi thực hiện vào lúc xẩm tối với lý do nếu bị nhà gái từ chối, họ ra về không bị xấu hổ bởi trong bon làng vắng vẻ, trời tối sẽ không nhìn rõ mặt…

Dù cuộc dạm ngõ thành công hay không, trước tiên nhà gái sẽ mời nhà trai ăn một bữa cơm tối. Sau khi ăn cơm xong, đại diện nhà trai bày lên chiếc nia một bát gạo trắng, một con gà nướng, một chiếc vòng cườm đeo cổ, một chiếc váy. Đồng thời, họ thay mặt chàng trai ngỏ lời hỏi cưới cô gái làm vợ.

Hai bên gia đình đọc gia phả để tránh việc lấy cùng người trong dòng họ. Khi không có trở ngại gì, nhà gái hỏi ý kiến con gái mình trước mặt hai bên gia đình. Nếu cô gái ưng thuận, lễ vật của nhà trai sẽ được nhận. Lúc này, cha mẹ cô gái sẽ lấy chén máu gà pha với rượu bôi lên cột nhà chính để khấn thần linh báo cáo về việc kết hôn của con cái trong gia đình. Hai bên gia đình uống rượu cần và bàn về việc tổ chức lễ ăn hỏi. 

Các nghi thức diễn ra trước sự chứng kiến của hai bên gia đình và cộng đồng 

Sau thời gian đã định, chàng trai và cô gái vẫn khẳng định yêu nhau thì hai bên gia đình sẽ tiến hành lễ ăn hỏi. Mọi nghi thức trong lễ này đều nhằm mục đích mong muốn cho đôi trai gái được đến với nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là một trong những ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc trong lễ cưới của người M’nông.

Giá trị nhân văn ở đây là giá trị vì con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể để hướng tới sự phát triển và hoàn thiện con người. Vì vậy, trong lễ này, một lần nữa hai bên gia đình hỏi lại ý kiến của đôi trai gái có gì thay đổi không trước khi chính thức tiến hành nhận lễ vật.

Lễ vật mà nhà trai mang đến gồm heo, gà, ché rượu, gạo trắng, con dao, chiếc lao, chiếc lược chải tóc bằng sừng trâu… Khi đoàn nhà trai ra khỏi cửa hoặc cổng làng, người dẫn đầu (bà mối hoặc bố chàng trai) sẽ đọc lời khấn cầu các vị thần linh phù hộ cho cặp vợ chồng trẻ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, con cái trưởng thành giỏi giang…

Trên đường đi hỏi vợ, nếu gặp những dấu hiệu không lành như vượn kêu, quạ kêu, chim ó bay ngang đường, rắn bò ngang đường… thì đoàn hỏi vợ phải quay về đợi đến hôm sau khởi hành. Sự hiểu biết, tôn trọng thiên nhiên và khát vọng chinh phục, chế ngự, giải thích thiên nhiên hiển hiện trong đời sống tâm linh của người M’nông. Đây cũng là một trong những khía cạnh thể hiện tính nhân văn trong lễ cưới cũng như một số nghi lễ khác của người M’nông. 

Nghi thức trùm chăn trong lễ cưới M'nông 

Lễ ăn hỏi còn có các nghi thức đặc biệt như hát đối đáp giữa bà mối và bố cô gái; nhà gái nhận lễ vật nhà trai trao; nhà gái làm lễ cúng thần linh, tổ tiên; chàng trai cô gái mời rượu hai bên gia đình, họ hàng; nhà gái bàn bạc tính công nuôi dưỡng cô dâu để thách đố lễ vật đối với nhà trai xin làm lễ cưới; hai bên giao ước về lễ cưới; nhà gái đáp lễ và tiễn nhà trai ra về…

Người M’nông có tập tục làm lễ cưới liền với lễ ăn hỏi. Các nghi thức trong lễ cưới có nhiều nét tương đồng với lễ ăn hỏi. Nhà trai sẽ mang lễ vật đến nhà gái. Nhà gái cử người đại diện kiểm tra số lễ vật mang đến, nếu đủ sẽ lấy xà gạc gõ vào đầu chú heo để xác nhận. Nhà gái tiến hành làm lễ cúng thần linh. Già làng cùng bố cô dâu khấn các vị thần linh bên ché rượu cần, cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc lâu dài.

Nghi thức uống rượu cần của những người có mặt chứng kiến trong niềm vui hân hoan của đôi vợ chồng trẻ. Tục trùm chăn diễn ra sau đó cũng để chúc phúc và chính thức công nhận đôi vợ chồng mới trong cộng đồng. Lễ ăn gà trong ngày cưới là nghi lễ hai vợ chồng đút cơm cho nhau, thể hiện tình cảm gắn bó của hai vợ chồng. Họ phải ăn hết bát cơm, không được bỏ dở để thể hiện sự trân trọng từng hạt gạo làm ra cũng như mong muốn mọi điều trong cuộc sống đều được trọn vẹn.

Tiếp đến, đôi vợ chồng sẽ đút thịt, mời rượu và tặng quà (xâu cườm, vòng đồng, váy, khố…) cho mọi người tham dự buổi lễ để bày tỏ sự sẻ chia, lòng tôn kính và biết ơn. Lễ vật từ đôi bàn tay cần cù làm ra mà nhà trai mang đến như heo, gà, gạo… trong lễ ăn hỏi hay lễ cưới đều được gia chủ đem chia cho các gia đình người M’nông trong bon làng, kể cả những người không đến tham gia được.

Tính nhân văn một lần nữa được thể hiện rõ trong suy nghĩ, lối hành xử của mỗi thành viên đối với cộng đồng người M’nông. Hai bên gia đình còn giao kết về những trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống của đôi vợ chồng sau này. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm, mọi người cùng nhau vui hát đối đáp, nhảy múa điệu chúc mừng. 

Cô dâu chú rể mời cơm, rượu và tặng quà cho họ hàng hai bên gia đình 

Người M’nông đã biết tích lũy kinh nghiệm sống và phát triển chúng để trở thành bản sắc văn hóa đặc sắc. Các nghi thức, cư xử trong lễ cưới thể hiện rất sinh động, biện chứng trong quan niệm nhân sinh, đồng thời, nó cũng thể hiện cả những yếu tố tâm linh của người M’nông và sự ứng xử giàu tính nhân văn trong cuộc sống cộng đồng từ thuở xa xưa. Tất cả dựa trên sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và giúp nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: H’Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét