20 thg 5, 2019

Quán Láng - sông Bàu Ráng, xưa và nay

Cách trung tâm TP.Quảng Ngãi tầm 4 cây số trên tỉnh lộ Quảng Ngãi – Thu Xà có một ngã tư nơi giao nhau với đường cắt ngang liên huyện Phú Thọ - Tư Nghĩa, đó là ngã tư Quán Láng. Cách không xa về phía nam trên tuyến đường liên huyện ấy có sông Bàu Ráng. Cả hai địa danh trải qua bao thay đổi ghi lại sự phát triển của một vùng quê đầy khởi sắc.

Nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, phía đông của trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi có hai nơi thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, đó là Thu Xà (Nghĩa Hòa - Tư Nghĩa) và Phú Thọ (Nghĩa Phú - TP.Quảng Ngãi ngày nay). Ngã tư Quán Láng nằm khoảng giữa tuyến Tỉnh lộ Quảng Ngãi - Thu Xà và tuyến liên xã, nay là liên huyện Phú Thọ - Trung tâm Hành chính huyện Tư Nghĩa. Cho nên nơi đây có vị trí giao thương thuận lợi với các vùng nông thôn lân cận.

Theo người dân địa phương, thì tên Quán Láng có gốc từ vợ chồng ông Láng làm quán bán bánh bèo, một loại bánh làm từ bột gạo xay đổ vào chén, hấp chín, ăn với nhân gồm hỗn hợp thịt, tôm băm, mỡ...

Đời sống nông nghiệp trồng lúa nước, hằng ngày, hay vào vụ mùa tháng ba, tháng tám, món bánh bèo dân dã được người quanh vùng đến mua về hoặc ăn tại quán. Dần dà, ngã tư có vợ chồng ông Láng mở quán bán bánh bèo trở thành tên ngã tư Quán Láng!

Với vị trí là đầu mối giao thương trong vùng, nơi đây đã xuất hiện một chợ nhỏ ven đường, có che một ít lán trại tạm cho những người bán hàng suốt ngày, bán nước chè xanh, còn lại chợ nhóm vào buổi sáng.

Tính chất của chợ là mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản như lúa bắp, rau quả, một ít nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật dụng hàng gia đình như rổ rá, dây dừa... Người làm nghề sông biển thì mang tôm cá, don, ốc hến đến bán và mua về lúa gạo. Người làm nông thì bán nông sản và mua về những thứ cần thiết khác. Rau quả bán ở chợ lúc nào cũng tươi ngon... 

Sông Quán Láng. 

Cách chợ Quán Láng khoảng nửa cây số về phía nam là sông Bàu Ráng, một phần của sông Bàu Giang, dài non cây số từ vũng Cao Thường đến đập Phúc Đường, chảy qua địa phận giáp ranh hai xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) và Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Đây là nguồn nước sông Văn (sông Giăng) từ Nghĩa Hành chảy qua nhiều làng xã.

Những đập nước lớn ngăn dòng phục vụ cho việc tưới ruộng lúa, hoa màu như ở vùng đất Sáu Xã thuộc Hành Nhân (Nghĩa Hành), đập Ba Điện (Ba La - Điện An) thuộc Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), đập Phúc Đường nơi giáp ranh 3 xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), Nghĩa Thương và Nghĩa Hòa thuộc huyện Tư Nghĩa.

Riêng đập Phúc Đường giữ nước tưới cho cánh đồng Bảy Mẫu, xã Nghĩa Hòa và là nguồn nước tát, máy bơm cho ruộng đất hai bên sông. Mùa nước kiệt, đập Phúc Đường góp phần ngăn mặn xâm nhập ruộng đồng và giữ cho sông Bàu Ráng đầy nước. Những tên dân gian bao giờ cũng để lại cho cuộc sống điều lý thú, sông Bàu Ráng là khúc sông thẳng chảy theo hướng đông tây.

Khúc sông này chảy giữa một vùng đồng trũng, xưa kia khi rừng đầu nguồn còn nguyên sơ phủ kín, nguồn nước sông Văn đầy ắp, thì không chỉ sông Bàu Ráng mà vùng trũng hai bên sông cũng đầy ắp nước. Lúc chiều xuống, trước và giữa hoàng hôn, mặt trời chiếu thẳng suốt chiều dài từ đầu đến cuối khúc sông và vùng trũng dọc hai bờ sông, mặt nước phản chiếu hắt lên sáng rực cả một vùng, có khi pha ửng màu ráng đỏ. Bởi thế mà dân gian đã đặt cho khúc sông hiền hòa này cái tên sông Bàu Ráng.

Cứ thế, khu ngã tư Quán Láng lúc thịnh, lúc trầm đến khi Tỉnh lộ Quảng Ngãi - Thu Xà được tu sửa nâng cấp, tuyến đường liên huyện Phú Thọ - Trung tâm Hành chính huyện Tư Nghĩa được thảm nhựa. Chợ Quán Láng được quy hoạch hẳn hoi thành khu mua bán đủ các mặt hàng hóa của một chợ nông thôn. Người ta có thể đến mua sắm thông thường mà không phải đi xa.

Xung quanh ngã tư Quán Láng bán kính nửa cây số trên hai trục đường chính nhiều hộ dân bản xứ hay nơi khác hội tụ về mua đất làm nhà, lập hiệu mua bán, hành nghề dân sinh như hiệu thuốc tây, thuốc bắc, bán vật liệu xây dựng, bán tạp hóa, sửa xe, nghề mộc... kẻ mua, người bán đông đúc.

Mấy chục năm về trước muốn qua sông Bàu Ráng phải đi đò, giờ đây đã có cầu bê tông kiên cố chịu trọng tải lớn bắc ngang. Nhờ vậy, tuyến đường liên huyện từ vùng cửa Đại Cổ Lũy, qua ngã tư Quán Láng, chợ Điện An (xã Nghĩa Thương) lên Trung tâm Hành chính huyện Tư Nghĩa, giáp Quốc lộ 1 luôn tấp nập người đi lại và xe đủ cỡ lưu thông.

Kinh tế cả một vùng phát triển, bên kia sông Bàu Ráng không xa về phía nam là chợ Điện An cũng mua bán không kém phần nhộn nhịp. Khu Quán Láng với cái tên có từ nguồn gốc dân gian ấy ngày nay đông vui, là địa điểm thương mại dịch vụ của một vùng quê, dẫu chợ Quán Láng cần được nâng cấp khang trang hơn để đáp ứng nhu cầu mua bán. Thế đó, nét đổi thay của làng mạc, dân cư và cuộc sống hai bên dòng sông nhuộm ráng nắng chiều giờ càng được nhiều nơi biết đến!

Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét