10 thg 5, 2019

Tên người gắn với nhiều địa danh nhất ở Việt Nam

Ngày nay, tên người được dùng làm tên đường là một sự vinh danh, nhưng không phải hiếm và lạ. Ngày xưa, tên người được đặt cho tên sông, tên núi - mà lại do vua ban tặng nữa - mới thực sự hiếm có và vẻ vang. Có một người đã được hưởng vinh dự ấy, và còn hơn vậy nữa, nhờ công lao của mình: Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại.

Tượng Thoại Ngọc Hầu bên bờ hồ Ông Thoại, phía sau là núi Thoại Sơn. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Năm 1817, Thoại Ngọc Hầu là trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá đều phải đi vòng đường biển thật bất tiện, đồng thời nhận thấy cần phải khơi nguồn để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển. Vì vậy, ông đã nghĩ ngay đến việc phải đào một con kinh.

Phụng mệnh vua, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại cho khởi công đào kinh vào đầu năm 1818, nối rạch Long Xuyên ở Tam Khê với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá, huy động khoảng 1.500 nhân công. Nhờ đào theo lạch nước cũ nên công việc khá thuận lợi, một tháng đã hoàn thành với bề rộng 51,2 m, chiều dài 31,7 km.

Kinh đào xong, ông được vua Gia Long khen ngợi và cho lấy tên ông để đặt tên cho con kinh mới đào là Thoại Hà và ngọn núi ở bên bờ kinh (vốn có tên là núi Sập) là Thoại Sơn. Sự việc này được Nguyễn văn Thoại rất cảm kích, cho soạn một bài văn khắc vào bia đá để... ghi nhớ cái sự sướng này. Bia được dựng năm 1822 bên triền Thoại Sơn và gọi là bia Thoại Sơn, đến nay vẫn còn và là di tích lịch sử cấp quốc gia.


Bia Thoại Sơn hiện đặt tại Đình thần Thoại Ngọc Hầu, thị trấn Núi Sập. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Chưa hết, từ tháng 12 (âm lịch) năm 1819 đến tháng 5 (âm lịch) năm 1824, Nguyễn văn Thoại cùng chỉ huy trực tiếp đào con kinh song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Con kinh này có chiều dài là 87 km, rộng 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m, khi đào xong mang lại lợi ích kinh tế - quốc phòng hết sức to lớn. Lúc bấy giờ vua Gia Long đã qua đời, vua Minh Mạng trị vì, thích quá nên quyết định cho phép lấy tên ông Thoại để đặt tên kinh. Nhưng tên ông Thoại đã được cha của vua Minh Mạng đặt cho kinh Thoại Hà rồi, nên vua nghĩ tới nghĩ lui, bèn cho lấy tên của vợ ông Thoại là bà Châu thị Vĩnh Tế đặt tên cho con kinh. Vậy là ta có kinh Vĩnh Tế (kinh vợ dài và quan trọng hơn kinh chồng!).

Kinh Vĩnh Tế, đoạn chảy qua thị xã Châu Đốc. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Tên núi, tên sông thôi chưa đủ, tên ông Thoại còn được đặt cho một vùng đất. Ở An Giang bây giờ có huyện Thoại Sơn, là nơi có Thoại Sơn tọa lạc. Trong huyện Thoại Sơn lại có xã Thoại Giang.

Vẫn chưa hết, sau nhiều năm người ta khai thác đá ở núi Sập (Thoại Sơn) khiến bên chân núi bị khuyết sâu xuống thành hồ nước lớn. Việc khai thác đá bị dừng lại, nơi này được biến thành khu du lịch, và hồ nước bên chân núi được gọi là hồ Ông Thoại.

Ở An Giang còn có cầu Thoại Giang, cầu Thoại Hà. Các địa điểm di tích mang tên ông thì rất nhiều, như: Lăng Thoại Ngọc Hầu (khu lăng mộ ông ở chân núi Sam), đình Thoại Ngọc Hầu (Châu Thành, An Giang - sau này bị chính quyền đổi tên thành đình Cần Đăng),Thoại Sơn Thần miếu và Thoại Sơn tự (ở triền núi Sập), đền thờ Thoại Ngọc Hầu (ở thị trấn Núi Sập).

Đường phố, và nhất là trường học, mang tên ông rất nhiều, dưới dạng là Nguyễn văn Thoại hoặc Thoại Ngọc Hầu. Ở Sài Gòn - Gia Định có tới 2 con đường mang tên ông, đó là đường Nguyễn văn Thoại (nối dài từ đường Hồng Bàng đến Ngã 4 Bảy Hiền) và đường Thoại Ngọc Hầu (thuộc tỉnh Gia Định). Nhưng mà ở TPHCM thì lại không có con đường nào mang tên ông (hic!), đường Nguyễn văn Thoại ngày xưa bây giờ là Lý Thường Kiệt (quận 10), còn đường Thoại Ngọc Hầu nay là đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình).

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét