28 thg 5, 2019

Nhà thờ 'ông tổ truyền nghề nuôi tằm, dệt vải' xứ Nghệ

Nhà thờ họ Nguyễn Văn được xây dựng năm 1849 dưới triều Vua Tự Đức, nằm ở trung tâm vùng Rí Châu - nơi cụ thủy tổ dòng họ Nguyễn Văn từ Bắc vào khai khẩn đất hoang, lập nên làng Dinh Chu ở tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, nay là xã Thuận Sơn (Đô Lương). Thủy tổ Nguyễn Văn Mận được xem là người truyền nghề nuôi tằm, dệt vải ở xứ Nghệ. 

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Văn, sinh thời thủy tổ Nguyễn Văn Mận chính là người có công khai khẩn đất 2 bên bờ sông Lam, đi đến đâu ông cũng truyền dạy cho bà con nhân dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Suốt 27 năm ròng rã, từ năm 1470 - 1497 (niên hiệu Hồng Đức), dấu chân ông dường như rải bước dọc khắp 2 bên bờ sông Lam. Từ một dòng sông với bãi bồi cát trắng hoang vu, ông đã góp nhiều công sức để dạy bà con trồng dâu, biến 2 bên dòng sông trở thành những bãi dâu trải dài xanh ngút ngát. Người dân suy tôn ông chính là người đã đem lại nhiều lợi lộc cho bà con từ nghề trồng dâu nuôi tằm, canh cửi tơ lụa.

Mặt trước nhà thờ họ Nguyễn Văn với hình tượng hổ chắn giữa lối đi. Ảnh: Ngọc Phương 


Xuất phát từ suy nghĩ: Người xưa đã có công như vậy, há lẽ con cháu hậu duệ của tổ tiên lại chẳng bỏ chút công lao khêu tỏ ngọn đèn công đức ấy. Do vậy, nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn Văn đại tôn được lập nên vào năm 1849.

Nhà thờ hiện nay nằm trên khuôn viên có diện tích trên 800
m2, có nơi thờ tự gồm: bái đường, hậu cung; sân vườn đẹp, thoáng đãng. Kiến trúc nhà thờ cổ kính theo kiểu tam oai bẩy chuyền, chạm trổ nghệ thuật đẹp, nhiều đồ tế khí quý hiếm được con cháu và nhân dân giữ gìn như: biển, kiệu, long ngai, câu đối, đặc biệt là còn 3 đạo sắc và bia đá 2 mặt ghi công lao Hậu thần. 

Chính điện nhà thờ họ Nguyễn Văn Đại tôn. Ảnh: Ngọc Phương 

Nhà thờ Nguyễn Văn ngoài việc thờ thủy tổ Nguyễn Văn Mẫn còn thờ ông Nguyễn Văn Kính và Nguyễn Văn Duân. Ông Nguyễn Văn Kính là người nhân đức, khoan hòa, luôn được mọi người kính trọng. Năm 1762, ông được Vua Lê Hiển Tông sắc phong giữ chức “Thiêm sự Viện thiêm sự”. Cũng năm đó, ông cùng 2 bà chánh thất, á thất được nhân dân Rí Châu bầu làm Hậu thần của bản thôn vì những đóng góp của ông trong việc giúp đỡ bà con xóm làng những lúc mất mùa đói kém. Ông còn dạy học cho trẻ em nghèo, cúng tiến tiền của, ruộng, đồ tế khí cho bản thôn.
Trong bia đá của thôn Rí Châu xưa lập nên để tôn vinh ông đã viết: “Trời ban cho ông bà đức lớn giúp người thì mọi người phải lo đền báo. Ai nấy đều nghĩ phải nên kết cỏ ngậm vành, mà bảo với nhau rằng: Tặng cho ta quả mộng đào, ta phải lo đền báo ngọc quỳnh dao. Do vậy mọi người cùng nhau tôn bầu Cựu xã trưởng kiêm viêm mục Thiêm sự Kính Vũ bá cùng 2 bà chánh thất, á thất làm Hậu thần của bản thôn”. Năm Vua Khải Định thứ 9 (1924), ông được ban sắc tôn làm: Linh phù Dực bảo Trung hưng, Bản cảnh Phúc thần.

Riêng ông Nguyễn Văn Duân là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Văn. Ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, thuở nhỏ ông có sức khỏe phi thường. Năm Vua Tự Đức thứ 21, ông đã thi trúng võ cử khoa Mậu Thìn (1868), sau đó ông được thừa bổ làm Cơ thập đội Thí sai ở tỉnh Hải Dương. Đến năm Tự Đức thứ 23 (1870), vua ban sắc cho ông và phê chuẩn làm đội trưởng đội 10 cơ ở xứ Hải Dương. Ông có tinh thần yêu nước chống lại giặc Pháp và sau đó bị xử chém tại Vinh. 

Nhà thờ hiện còn giữ nguyên vẹn nhiều đồ tế khí. Ảnh: Ngọc Phương 

Trầm mặc theo thời gian, nhà thờ họ Nguyễn Văn đã chứng kiến một thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt, nhà thờ là nơi làm kho quân khí, hội họp của các ban, ngành.

Năm 2010, nhà thờ họ Nguyễn Văn Đại tôn được cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Ngọc Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét