18 thg 4, 2018

Kỳ bí bầu vú, cầu thang và các báu vật của nhà dài

Nhà dài của dân tộc Ê Đê luôn có cầu thang đực và cầu thang cái. Ai vinh dự được mời đi cầu thang cái thì nên 'biết điều' nắm hai bầu vú khắc trên cầu thang.

Một ngôi nhà của dân tộc Ê Đê 

Sờ vú là… tôn trọng phụ nữ?
Một nhà dài của dân tộc Ê Đê được phục dựng trong khu du lịch Đray Sáp, thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ấn tượng đầu tiên của du khách là hai chiếc cầu thang phía trước nhà dài. Cầu thang bên phải khắc hai bầu vú phụ nữ cân xứng, phía trên là hình mặt trăng khuyết. Cầu thang bên trái khắc hình con rùa và phía trên là hình mặt trời. Anh Đậu Bá Quý, Trưởng phòng kinh doanh khu du lịch Đray Sáp, cho biết cầu thang bên phải là cầu thang cái, cầu thang bên trái là cầu thang đực. Hình tượng hai bầu vú rất phồn thực trong cầu thang cái thể hiện uy quyền người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ. Còn hình mặt trăng là thể hiện tính âm. Trong khi đó, cầu thang đực có hình rùa tượng trưng cho sự vững chải của người đàn ông, hình mặt trời thể hiện tính dương. 

Cầu thang nhà dài của người Ê Đê thường có 5 hoặc 7 bậc, là những con số thể hiện sự sinh sôi nảy nở, may mắn. Làm cầu thang với con số lẻ như vậy sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự sung túc.

Theo “luật” của người Ê Đê, đàn ông trong gia đình bắt buộc phải đi cầu thang đực, còn cầu thang cái thì dành riêng cho phụ nữ. Theo anh Y Tưi ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông thì ngày xưa đàn ông Ê Đê trong nhà chỉ cần đặt chân lên cầu thang cái là bị buôn phạt vạ về tội không tôn trọng phụ nữ. Tùy theo mức độ lỗi như thế nào mà buôn làng phạt tiền hay gà, heo… và còn có thể mất thêm gà hoặc heo cúng cầu thang nữa. Nhưng cũng có những ngày ngoại lệ, đàn ông hoặc khách quý được mời đi lên nhà dài bằng cầu thang cái. Đó là những ngày buôn làng có việc lớn hay lễ tết.

“Điều đặc biệt là nếu đàn ông trong buôn làng hay khách quý có được đặc ân bước lên cầu thang cái thì đừng bỏ lỡ cơ hội sờ bầu vú trên cầu thang. Vì hành động “sờ” như vậy không những không bị phạt mà còn được đồng bào “ưng cái bụng”, bởi người đó chứng tỏ họ am hiểu văn hóa và biết tôn trọng phụ nữ Ê Đê”, anh Đậu Bá Quý tiết lộ. 

Cận cảnh hai cầu thang đực và cái 

Được mời đi cầu thang cái nhớ... "sờ vú" 

Cúng thần linh để làm cầu thang
Dân tộc Ê Đê tín ngưỡng đa thần và quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Vì thế, khi làm bất cứ việc gì nói chung hay làm cầu thang họ đều cúng Giàng để xin đấng bề trên cho phép và che chở để công việc diễn ra suôn sẻ. Chủ nhà sẽ sắm lễ cúng Giàng, thần linh tại nhà trước khi vào rừng tìm cây gỗ lâu năm để làm cầu thang. 

Chưa hết, phải cúng “tập 2” khi đã tìm được cây gỗ ưng ý. Thường các lễ cúng này là một con gà và một ché rượu. Nhưng đưa gỗ về nhà thì cúng cúng “tập 3”. Lúc này, người phụ nữ chủ nhà đã thể hiện uy quyền của mình bằng cách chính họ là người bổ nhát búa đầu tiên “động gỗ” rồi mới giao cho thợ. Thợ được chọn làm cầu thang là những nghệ nhân có kinh nghiệm và giỏi nhất của buôn làng. Khó nhất là khâu chạm khắc “núi đôi", đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao để có thể “đặc tả” được hai bầu vú cân xứng, căng tròn của người phụ nữ tràn trề ước vọng phồn sinh. Điều đó cũng thể hiện sự tôn trọng phái đẹp, những người đang nắm giữ vai trò quyết định trong cộng đồng người Ê Đê.

Chưa hết, thợ làm cầu thang cũng kiêng cữ rất nghiêm ngặt. Suốt thời gian khoảng trên dưới một tuần làm cầu thang, các thợ không được đùa giỡn, nói tục hay xúc phạm đến phụ nữ. Khi cầu thang đã hoàn chỉnh, chủ nhà một lần nữa làm lễ cúng Giàng “báo cáo” chiếc cầu thang đã hoàn tất để xin phép Giàng được đưa vào sử dụng.

Kỳ bí trống H’gơr, ghế K’pan
Trong nhà dài, ghế K’pan và trống H’gơr được coi là báu vật thiêng liêng của người Ê Đê. Anh Đậu Bá Quý thuyết minh: “Trống H’gơr được làm từ nguyên thân cây gỗ tốt như gỗ sao hoặc gỗ lim. Để có được hai mặt trống, người Ê Đê phải giết cả trâu đực và trâu cái để lấy da bịt vào hai đầu đoạn gỗ đã khoét rỗng gọi là mặt đực và mặt cái”. 

Trống H’gơr 

Tôi thắc mắc tại sao lại phải bịt hai mặt trống bằng da trâu khác “giới tính” như vậy, anh Quý giải thích đó là văn hóa tín ngưỡng của người Ê Đê. Khi có sự kiện vui họ sẽ đánh lên 3 hồi, mỗi hồi 5 tiếng từ mặt bịt da trâu cái. Khi có chuyện buồn họ đánh 3 hồi, mỗi hồi 3 tiếng bên mặt bịt da trâu đực. Mà chẳng hiểu tại sao, bao giờ âm thanh bên phía mặt cái luôn âm vang hơn bên mặt đực. Các công đoạn làm trống còn kỳ bí lạ lùng. Ban đầu phải cúng xin thần linh để xin hạ cây. Khi trống chưa hoàn thành, vào ban đêm phải thường xuyên gõ vào thân cây để xua đuổi tà ma làm hại đến chủ chiếc trống. Thời điểm tiến hành bịt mặt trống bắt buộc phải là lúc mặt trời mọc. Trống được hoàn thiện tại rừng và người Ê Đê tiến hành lễ cúng thổi hồn cho trống mới đưa về nhà rồi đặt tên cho nó bằng tên của người phụ nữ lớn tuổi, có uy tín của dòng họ đã qua đời. Khi muốn đưa trống ra khỏi nhà, phải làm một lễ cúng xin phép thần linh.

Ghế K’pan trong nhà dài được người Ê Đê coi là chiếc ghế thiêng liêng, quyền lực. Sự thần bí của chiếc ghế cũng khiến nhiều người kinh ngạc. Đồng bào Ê Đê ở buôn AKô Đhông, thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết trước khi quyết định làm ghế K’pan phải bàn bạc với gia đình bên vợ. Nếu gia đình bên vợ đồng ý thì vào rừng đẽo một miếng nhỏ cây định hạ để đem về làm lễ cúng thần linh. Đi chặt cây bắt buộc đi vào sáng sớm tinh mơ để thanh sạch.
Theo nhóm thợ vào rừng chặt cây làm ghế là ba nam và ba nữ trong buôn trẻ trung xinh đẹp, mặc trang phục truyền thống để “biểu diễn” các điệu múa quanh cây chuẩn bị đốn. Sau màn biểu diễn sẽ cúng thần linh một lần nữa rồi mới tiến hành chặt cây. Trong suốt quá trình chặt cây, làm ghế, cho đến khi hoàn thiện còn nhiều nghi lễ cúng tế, làm phép, hiến sinh, chiêu đãi buôn làng… luôn đậm màu sắc thần bí đến mức khó tin. Nhưng tất cả đó là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Ê Đê trên vùng đất Tây nguyên mà càng khám phá, chúng ta càng cảm thấy luôn luôn thú vị.

Quang Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét