17 thg 4, 2018

Ngôi chùa làng cổ xưa, tuyệt đẹp của xứ Huế

Chùa Giác Lương có lịch sử hình thành từ thế kỷ 16. Chùa mang những nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho một ngôi chùa làng ở xứ Huế xưa. 

Nằm tại làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chùa Giác Lương được coi là một trong những ngôi chùa làng tiêu biểu nhất của xứ Huế
 
Chùa được xây dựng vào thời Lê trung hưng (thế kỷ 16), do bà Hoàng Thị Phiếu - người Bắc di cư vào – cùng tộc trưởng các dòng họ trong làng Hiền Lương lập ra

Ban đầu, chùa thuộc xóm Cồn Bệ - trung tâm của làng Hiền Lương. Nhưng về sau dân làng với lý do tránh sự tranh chấp đất đai đã dời chùa sang khu đất tiếp giáp với làng Phú Lễ

Chùa nằm trong khuôn viên rộng 4.360m², đã được trùng tu vào các năm 1806, 1924, 1969, 1987. Tam quan chùa có kiến trúc đồ sộ, gồm hai tầng

Chính điện của chùa có hai gian bốn chái. Hai chái sau khá rộng, là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ, hai chái trước đặt giá treo chuông đồng và trống theo nguyên tắc "tả chung hữu cổ".

Chùa thờ Phật, các thánh Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và 12 vị thủy tổ các dòng họ có công lập làng

Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo

Một nét nghệ thuật đặc sắc của chùa Giác Lương là các mảng trang trí bằng mảnh sành sứ rất sinh động

Họa tiết trang trí trên mái chùa.

Bộ cửa gỗ của chính điện được chạm khắc tinh xảo.

Chùa hiện lưu giữ một quả chuông lớn đúc năm 1819, 7 pho tượng cổ mà bà Hoàng Thị Phiếu cung tiến và có 17 bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn cho những người có công khai canh, khai khẩn làng

Sân trước chính điện có cây sứ cổ trên dưới 200 năm tuổi

Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang

Các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá, chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong tổng thể bức tranh kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Ngôi chùa cổ này đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét