24 thg 4, 2018

Nghi lễ và thú chơi Xuân Cố đô xưa

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng nhiều nghi lễ, trò chơi từng bước hé lộ nhiều câu chuyện kỳ thú về đời sống chốn cấm cung nhà Nguyễn (1802 - 1945) - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam,thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá. 

Nghi lễ chốn Cố cung 


Những tưởng chuyện xưa giờ chỉ còn lưu trong sách sử, thế nhưng Tết Mậu Tuất 2018 này du khách đến thăm Đại Nội Huế đã được tận mắt chứng kiến những phong tục lạ trong đời sống hoàng cung xứ Huế thông qua hoạt động phục dựng các nghi lễ mùa xuân như Lễ thướng tiêu, Lễ đổi gác, hoạt động tuần phòng Tử Cấm Thành của đội cấm vệ quân, các nghi lễ múa hát cung đình mừng Tết vua, hoàng hậu và các phi tần nhà Nguyễn…

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời Nguyễn các hoạt động lễ tiết trước và sau Tết Nguyên đán luôn được tổ chức rất trang trọng và chu đáo, khác hẳn với nghi lễ của thường dân bên ngoài, có những nghi lễ do đích thân nhà vua đứng ra điều hành, tổ chức.

Dẫn đầu đội thướng tiêu là hai viên quan bưng ấn tín triều Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa

10 người trong vai lính cấm vệ quân khiêng cây nêu to và dài làm bằng cây tre nguyên cành và lá. Ảnh: Thanh Hòa

Lễ dựng nêu ở điện Long An được tiến hành rất trang trọng. Ảnh: Thanh Hòa

Đội cấm vệ binh nhà Nguyễn trước phiên đổi gác ở Ngọ Môn. Ảnh: Thanh Hòa

Phục dựng hình ảnh Đội cấm vệ quân do quan hộ thành dẫn đầu tiến vào Tử Cấm Thành qua hướng cửa Ngọ Môn. Ảnh: Thanh Hòa 

Trình tường tập khánh, một điệu múa cung đình gồm có 4 nhân vật tượng trưng cho tứ trụ thiên thần

vâng mệnh Ngọc hoàng Thượng Đế xuống chúc thọ nhà vua. Ảnh: Thanh Hòa

Hình ảnh nhạc công đội lễ nhạc cung đình triều Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa

Múa chén, một trong những điệu múa truyền thống nổi tiếng của xứ Huế. Ảnh: Thanh Hòa 

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, tồn tại từ năm 1802 đến năm 1945, tổng cộng 143 năm với 13 đời vua cai trị. Đây là triều đại để lại 5 di sản đã được UNESCO công nhận gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn kiến trúc Cung đình Huế (2016).
Sử cũ chép rằng, theo thông lệ, triều đình nhà Nguyễn nghỉ Tết 12 ngày, từ 25 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng. Trong các ngày ấy, vua nhà Nguyễn thường chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ trong Tử Cấm Thành như Lễ thướng tiêu vào ngày 23 hoặc 30 tháng Chạp. Mùng một và mùng hai Tết có Lễ chầu mừng Tết vua ở điện Thái Hòa, Lễ ban yến cho các quan đại thần, Lễ mừng Tết Thái hậu, Lễ dâng hương cúng tổ tiên ở Thái Miếu, Thế miếu, mừng tuổi cho các thành viên hoàng gia và quan lại, binh lính…

Ngày mùng ba Tết các vua nhà Nguyễn có tục đi thăm thầy dạy. Mùng 5 vua đi du Xuân, thăm viếng lăng tẩm, đền chùa ở bên ngoài kinh thành. Sang ngày mùng 7 thì làm lễ hạ nêu, khai ấn và tổ chức duyệt binh bắt đầu kỳ làm việc của năm mới.

Chuyện cũ cố cung được nhắc lại bằng hình thức phục dựng âu cũng là một cách làm hay của những người làm công tác bảo tồn di tích Huế nhằm giúp du khách có cơ hội được trải nghiệm và khám phá về đời sống nội cung nhà Nguyễn vốn một thời bị bao phủ bởi bức màn bí ẩn về hoàng cung xứ Huế.

Di sản Văn hoá Thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế với điểm nhấn độc đáo là Hoàng Thành Huế. Đây là công trình trọng yếu có chức năng bảo vệ Tử Cấm Thành và tông miếu nhà Nguyễn. Chính tại nơi đây, bức tranh đời sống hoàng cung nhà Nguyễn đã hình thành và còn ẩn chứa nhiều điều bí ấn, vì thế đã để lại cho đời sau nhiều câu chuyện cũng như giai thoại đầy hấp dẫn, thậm chí là ly kì về triều Nguyễn.

Thú tiêu khiển trong triều nội

Mùa Xuân cũng là mùa vui chơi, lễ Tết của người Việt. Tục ấy không chỉ phổ biến trong dân gian mà trong triều đình cũng vậy.Chỉ khác một điều, nếu như dân chúng vui xuân bằng những trò chơi dân gian, bình dân thì trong triều nội vua quan lại có thú tiêu khiển với những trò chơi cung đình được xem là cao quý và tao nhã hơn.

Dịp Tết đến Xuân về trong cung đình triều Nguyễn người ta thường thấy có các trò chơi như: bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, thả thơ, trình diễn thư pháp… Đây đều là những trò chơi mang tính giải trí nhưng cũng đề cao về trí tuệ và việc học hành.

Đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa. Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn và Trạng nguyên.

Khung cảnh ngày Xuân trong Hoàng Thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Đầu hồ là trò tiêu khiển đặc trưng nhất trong cung đình nhà Nguyễn, tương truyền là hai vua Tự Đức và Bảo Đại rất giỏi trò này. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách nước ngoài bất ngờ và thích thú trước cảnh trẻ em chơi trò bài vụ, một trò chơi cung đình thường diễn ra trong cung vua phủ chúa vào dịp Tết. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách khám phá trò chơi đổ xăm hường, một trò chơi cung đình thường được các phi tần mỹ nữ nhà Nguyễn ưa thích vào dịp Tết. Ảnh: Thanh Hòa

Ngoài việc tổ chức các trò chơi cung đình triều Nguyễn xưa, Trung tâm Bảo tồn cũng tổ chức

cho chữ du khách tham quan đầu năm. Người nào thắng cuộc trong các trò chơi sẽ được tặng chữ. Ảnh: Thanh Hòa

Múa rồng vào dịp năm mới thường có ý nghĩa cầu quốc thái dân an và thể hiện sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn. Ảnh: Thanh Hòa

Rất đông du khách trong và ngoài nước theo dõi màn múa lân sư mừng năm mới trên nền điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách nước ngoài thích thú trước hình ảnh đàn cá vàng bơi lội tung tăng trong hồ Thái Dịch
trước sân điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Vẻ đẹp trầm lắng trong chốn cố cung. Ảnh: Thanh Hòa 


Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này vừa mang tính giải trí nhưng cũng có ý nghĩa đề cao việc học hành, khoa cử, vốn là việc rất được coi trọng trong thời phong kiến.Trò chơi này ban đầu từ cung đình nhà Nguyễn sau đó đã được người trong triều đưa ra dân gian và dần trở thành thú tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô, đến nay vẫn còn phổ biến, nhất là trong lớp người cao tuổi.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, năm 2017 Quần thể Di tích Cố đô Huế đã đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, đây là một con số kỷ lục so với nhiều năm trước đó. Riêng trong ba ngày Tết Mậu Tuất 2018, chỉ tính riêng khu vực Hoàng thành Huế đã có hơn 30.000 lượt khách, bởi đây là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cung đình ngày Tết.
Đặc biệt, trò chơi đầu hồ là một trò chơi chỉ dành cho vua quan và giới thượng lưu nhà Nguyễn. Đây là một trò chơi khó, đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật điêu luyện. Theo đó, người chơi cầm một mũi tên dài chừng 5 tấc bằng tre hoặc gỗ phóng vào một cái bục nhỏ bằng gỗ, tục gọi là con ngựa, sao cho mũi tên khi chạm vào bục gỗ sẽ bật lên rơi tiếp vào miệng một chiếc bình có dạng như chiếc hồ lô cao cổ làm bằng pháp lam hoặc gỗ để cách đó một đoạn. Tương truyền vua Tự Đức và Bảo Đại là những xảo thủ trong trò chơi này.

Trò chơi đầu hồ đã thất truyền ở Huế khá lâu, phải đến năm 2006 Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô huế mới cho phục dựng để du khách có thể thử sức với trò chơi khéo léo và công phu này.

Ngay khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho phục dựng lại các trò chơi cung đình và tổ chức ở khu vực sân sau của điện Thái Hòa thì sức hấp dẫn, độc đáo và mới lạ của các trò chơi cung đình không chỉ cuốn hút du khách trong nước mà ngay cả du khách nước ngoài cũng bị những trò chơi này mê hoặc. Nhiều người đã không ngần ngại thử sức để được tận hưởng cái cảm giác lần đầu được tham gia vào những trò chơi “vương quyền” vốn một thời chỉ dành cho con vua cháu chúa.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét