20 thg 4, 2018

Từ Biên Hòa tới Chợ Lớn, từ 7 còn 2

Hi hi, đặt cái tựa như vậy để câu view thôi, chớ không có gì ghê gớm đâu!

Chuyện là vầy:

Ở Cù lao Phố, Biên Hòa có ngôi miếu cổ là Thất Phủ Miếu (dân gian gọi là chùa Ông, và bây giờ miếu đã cổ rồi nên còn gọi là Thất Phủ cổ miếu). Ở Chợ Lớn có ngôi miếu cổ là Nhị Phủ Miếu (dân gian gọi là chùa Ông Bổn). Vậy là... từ Biên Hòa tới Chợ Lớn, từ 7 còn 2.

Cuối thế kỷ 17, di dân người Hoa đến lập nghiệp miền Nam nước ta. Để tương trợ lẫn nhau và để có nơi thờ tự đáp ứng nhu cầu tâm linh, họ lập ra những hội quán và đồng thời là miếuThất Phủ Miếu ở Biên Hòa ra đời năm 1684 trong hoàn cảnh ấy, và là ngôi miếu thờ - hội quán đầu tiên của người Hoa ở Nam bộ.

Miếu Nhị phủ

Khi Tây Sơn tàn phá Cù lao Phố (nhằm hủy diệt cơ sở kinh tài hỗ trợ chúa Nguyễn) năm 1776, người Hoa nơi đây kéo về vùng sau này là Chợ Lớn, từ đó họ xây dựng nền kinh tế vững mạnh nơi đây, song song đó là xây dựng nên những cơ sở làm chỗ dựa tâm linh và tương trợ nhau giữa những người đồng hương. Các miếu thờ - hội quán được tạo nên ở Chợ Lớn từ đây. Hiện giờ khó xác định chính xác năm thành lập của các hội quán người hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng hầu hết được ước lượng khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, trong đó Miếu Nhị Phủ hay Hội quán Nhị phủ được xem như ngôi miếu - hội quán tạo dựng đầu tiên.

Cổng Nhị Phủ miếu

Nếu Thất Phủ Miếu ở Biên Hòa là nơi thờ cúng và gặp gỡ của người Hoa 7 phủ thì Nhị Phủ Miếu ở Chợ Lớn là nơi thờ cúng và gặp gỡ của người Hoa 2 phủ: Tuyền Châu và Chương Châu (thuộc tỉnh Phúc Kiến). Dù sau đó không lâu cư dân 2 phủ này lại tách ra xây dựng riêng cho mình thành Hội quán Ôn Lăng (nhóm Tuyền Châu) và Hội quán Hà Chương (nhóm Chương Châu) nhưng Hội quán Nhị Phủ vẫn tồn tại mãi đến ngày nay.





Khung cảnh bên trong miếu

Nếu Thất Phủ Miếu ở Biên Hòa còn gọi là Chùa Ông vì là nơi thờ Quan Công thì Nhị Phủ Miếu ở Chợ Lớn cũng là Chùa Ông, nhưng là Ông Bổn. Ông Bổn được tôn xưng là Phước Đức Chánh thần, cũng là vị thần đất đai. Trong tiếng Hoa, bổn là gốc - Ông Bổn được xem như vị thần bổn xứ, chớ không nhất thiết là ai. Tuy nhiên, với từng bang hội, phủ của người Hoa, ông Bổn lại tương ứng với một nhân vật tiếng tăm có thật nào đó. Thí dụ trong trường hợp Chùa Ông Bổn mà ta đang nói ở đây thì ông Bổn là Châu Đạt Quan. Châu Đạt Quan (1266–1346) là một nhà ngoại giao Trung Quốc dưới thời Nguyên Thành Tông. Ông nổi tiếng nhất nhờ các ghi chép của ông về các phong tục của Cao Miên và các ngôi đền Angkor trong chuyến thăm của ông tại đó. Trong khi đó cụ Vương Hồng Sển thì lại cho rằng Ông Bổn là Thái giám Trịnh Hòa đời nhà Minh (thế kỷ 15), cụ viết: Trịnh Hòa tỏ ra vừa nhà thám hiểm, du lịch, khảo cứu địa dư, ngoại giao, ngôn ngữ học, mỗi mỗi đều tài tình. Đi đến đâu, ông thi nhân bố đức, và đưa người Tàu đến lập nghiệp đến đó, hoặc chỗ nào có người Trung Hoa ở sẵn thì ông chỉnh đốn sắp đặt cho có thêm trật tự. Sau nầy ông mất, dân ngoại kiều cảm đức sâu, thờ làm phúc thần, vua sắc phong "Tam Bửu Công", cũng gọi "Bổn Đầu Công" (đọc theo tiếng Quảng là Pủn Thầu Cúng) gọi tắt là "Ông Bổn".

Một nghiên cứu tổng hợp (Hạ Trúc, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương) cho rằng ông Bổn là ai tùy theo cư dân và vùng cư trú: người Hoa (Phúc Kiến) ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa là Châu Đạt Quan - một vị quan đời Nguyên; người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa - người đời Minh; người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng Quân Mã Viện; người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa…

Dù nhiều Ông Bổn như vậy, nhưng ở ngay tại Miếu Nhị Phủ thì người ta xác định rằng ông Bổn là Châu Đạt Quan. Vậy tới đây xin chớ nói khác nhé!






Miếu Nhị Phủ (chùa Ông Bổn) là một Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia, được công nhận từ năm 1998, các bài viết về di tích này rất nhiều, tui xin phép không lặp lại, chỉ nghĩ gì nói đó và thấy gì chụp đó như trên đây thôi. Các bạn có thể tìm hiểu thêm tại:

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét