23 thg 4, 2018

Thăm Hội quán Ôn Lăng

Đã tới Hội quán Nhị Phủ (chùa Ông Bổn) thì lại thêm tò mò một chút, vì người dân nhị phủ là Chương Châu và Tuyền Châu (nghe nói rằng) đã tách ra để lập nên hai hội quán cho riêng mình, là Hà Chương và Ôn Lăng. Vậy nên tui lại lò dò tới thăm hội quán Ôn Lăng.

Hội quán Ôn Lăng là hội quán do cộng đồng người Hoa sống tại phủ Tuyền Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến di cư sang Việt Nam lập nên. Hiện nay, hội quán tọa lạc tại số 12 đường Lão Tử, phường 11, quận 5.

Về tên gọi và địa điểm của Hội quán Ôn Lăng có những điều thú vị. Nhìn vào cổng hội quán, ta thấy như sau:


Bạn thấy gì lạ không? Có hai tên ghi bằng tiếng Việt là Chùa Ôn Lăng và Chùa Quan Âm, còn 4 chữ Hán là Ôn Lăng Hội quán (5 chữ Hán ở dưới thì tui hổng biết đọc!). Tên chính thức là  Ôn Lăng Hội quán (hay Hội quán Ôn Lăng, đọc theo văn phạm Việt), gọi là chùa Ôn Lăng vì dân ta có thói quen nơi nào thờ cúng thì gọi là chùa (đúng ra chùa là nơi thờ Phật), còn gọi là chùa Quan Âm vì nơi đây có thờ Quan Âm Bồ tát. Ngoài ra còn một tên người dân thường gọi nữa là chùa Ông Lào, tại sao gọi như vậy thì... tui không biết!

Chưa hết, nhìn qua bên kia đường ta thấy cổng và bảng này:



Chú ý rằng địa chỉ là số 5 Lão Tử nhé (Hội quán Ôn Lăng ở số 12 Lão Tử). Nơi đây là một phần của hội quán, người ta xây nên ao cá phóng sinh. Theo một vài tài liệu, xưa kia khuôn viên Hội quán Ôn Lăng là một khối thống nhất, bao gồm phần hội quán và phần sân trước là Ao cá phóng sinh, sau này do mở rộng đường phố, con đường Lão Tử cắt ngang qua chia hội quán thành 2 phần. Tui không biết phải không, chỉ ghi lại thôi.

Về năm xây dựng Hội quán Ôn Lăng cũng không có sự thống nhất. Tài liệu "Hội quán Ôn Lăng - TPHCM" do chính Hội quán Ôn Lăng biên soạn ghi là "Hội quán do người Hoa nhóm ngôn ngữ Phúc Kiến xây dựng vào năm 1740". Tuy nhiên, cổ vật xưa nhất còn lại trong hội quán có ghi niên đại là một chuông đồng, ghi "Đạo Quang Ất Dậu niên", tức là năm 1825. Như vậy chắc hẳn là hội quán có trước năm 1825, còn cụ thể là năm nào thì chưa có gì chứng minh.

Nhìn ở ngoài, kiến trúc hội quán Ôn Lăng không ấn tượng nhiều, nhưng bước vào trong vẻ nguy nga đồ sộ lẫn trang nghiêm làm người ta choáng ngợp. Do không hiểu biết nhiều về tín ngưỡng cùng kiến trúc của người Hoa, nên tui không dám (và không thể) mô tả nhiều, chỉ dùng hình ảnh để ghi lại cảm nhận của mình thôi.

Ngọc Hoàng Thượng đế thờ ở trung điện

Điểm gây chú ý nhất là Hội quán Ôn Lăng thờ rất nhiều vị thần tiên. Trung điện có án thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Chánh điện có án thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, Phúc Đức Chánh thần (Ông Bổn), Chú Sanh nương nương. Thiên tỉnh có án thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Hậu điện có án thờ các vị Thần Tài, Mã tướng quân, Thái Tuế, Văn Xương, Quan Âm Bồ tát, Quan Thánh đế quân, Bao Công, Quảng Trạch tôn vương. Đông lang có án thờ Hoa Quan đại đế, Tề Thiên đại thánh, Tử vi tinh quân, Địa mẫu, Thiên phụ, 18 vị La Hán, Tam bảo Phật tổ. Tây lang có án thờ thành hoàng. Quá nhiều vị khiến kẻ ngoại đạo như tui hoa cả mắt.





Các vị thờ ở hậu điện


Khung cảnh hậu điện




Các vị thờ ở hậu điện






Các vị thờ ở đông lang

Như nhiều cơ sở thờ tự của người Hoa khác, cửa chính của hội quán là những cửa gỗ cao rộng, trên đó có tranh vẽ những vị tướng hộ vệ cho hội quán. Trong ảnh là nữ họa sĩ đang tô vẽ lại các bức tranh này.


Bên ngoài cổng là các hàng quán bán các vật dụng cúng kiếng.


Và bên kia đường, như đã nói, là Ao Cá Phóng Sinh. Khi tui tới đây dường như nơi này đang được sửa chữa nên hơn bề bộn, nhưng chắc rằng khi hoàn chỉnh sẽ rất đẹp mắt, nhất là tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tười mát bên cạnh kiến trúc cổ điển trang nghiêm.



Có thể bạn cũng giống như tui, không phải người Hoa, không am hiểu về tập quán, tín ngưỡng của họ, nhưng khi bước chân đến những chốn như thế này ít nhiều bạn sẽ cảm nhận được bản sắc văn hóa rất độc đáo của họ.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét