27 thg 2, 2018

Rừng quý trên đỉnh Thiên Ấn

Tạm rời xa không khí náo nhiệt, ồn ào của ngày Tết nơi phố thị, du khách có thể “đổi vị” với chuyến du xuân lên núi Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi) vãn cảnh Thiên Ấn tự và hòa mình vào khu rừng xanh... 

Chỉ với hơn 10ha, nhưng rừng Thiên Ấn là nơi quy tụ hàng trăm loại cây gỗ quý, cùng sự đa dạng của thảm thực vật. Từ trắc, cẩm lai, lim đến sao, dầu rái, xà cừ hay long não... Đặc biệt, rừng Thiên Ấn cũng là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự có mặt của kim giao, loại cây có tác dụng phát hiện độc dược, nên xưa kia từng được dùng để làm đũa cho vua chúa sử dụng. Hay cây long não có tác dụng thanh lọc không khí, làm sạch môi trường...


Rừng Thiên Ấn là nơi quy tụ các loại cây gỗ quý, hệ thực vật đa dạng. Ảnh: HOA TRẦN 


Tiến sĩ lâm nghiệp Trần Cứu - Nguyên Phó Trung tâm Kỹ thuật nông lâm nghiệp và Khuyến nông Quảng Ngãi, người có công gây dựng nên rừng Thiên Ấn nhớ lại, sau khi chia tách tỉnh, đặc trưng của lĩnh vực lâm nghiệp Quảng Ngãi là khai thác, chưa chú trọng đến việc trồng, vì không xác định được các loại cây phù hợp với điều kiện của địa phương. Vì vậy, rừng Thiên Ấn là nơi mở đầu phong trào trồng rừng, cũng là địa điểm phục vụ nghiên cứu, khảo sát và tuyển chọn những loài cây gỗ lớn, phù hợp với điều kiện, khí hậu Quảng Ngãi.


"Rừng Thiên Ấn là nơi mở đầu phong trào trồng rừng, cũng là địa điểm phục vụ nghiên cứu, khảo sát và tuyển chọn những loài cây gỗ lớn phù hợp với điều kiện, khí hậu Quảng Ngãi".

TS.TRẦN CỨU- Nguyên Phó Trung tâm Kỹ thuật nông lâm nghiệp và Khuyến nông Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, thời điểm ấy trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận không có nhiều giống các loại cây gỗ quý như trắc, cẩm lai, lim, kim giao hay long não... Vì vậy, ông Cứu và một số cán bộ của ngành nông nghiệp đã lặn lội đến Vườn Quốc gia Cúc Phương để tham khảo, học hỏi và xin giống các loại cây trên để về trồng thử nghiệm tại núi Thiên Ấn. 

“Đường sá đi lại khó khăn. Việc trồng và chăm sóc cây rất gian nan, trong khi mỗi loại chỉ xin được vài ba cây giống. Chính vì vậy, cán bộ và nhân viên đơn vị phải phân công thành các tổ, đội rồi ngày ngày cần mẫn gánh từng thùng nước, bao phân chuồng để chăm bón cho cây”, ông Cứu nhớ lại.

Thấm thoắt đã gần 20 năm, các loại cây gỗ quý ấy giờ đã phân tầng, chia nhánh. Cây lớn nhất cao gần chục mét, thân to đến cả vòng tay người lớn ôm. Trong rừng còn có các loại cây gỗ tạp, thảm thực vật cũng đua nhau sinh chồi nảy lộc. Tất cả đã tạo nên sắc thái rất riêng cho rừng Thiên Ấn.

Không chỉ là nơi quy tụ của các loại cây gỗ quý, hệ thực vật đa dạng mà rừng Thiên Ấn còn giữ vai trò như một tiểu khí hậu, bởi không khí mát mẻ, ôn hòa. Vì vậy, qua bao năm tháng, khu rừng vẫn được người dân và cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông lâm nghiệp và Khuyến nông Quảng Ngãi (nay là Trung tâm Giống Quảng Ngãi) gìn giữ cẩn thận. Sự tồn tại của nó như một minh chứng về ý nghĩa của phong trào trồng và bảo vệ rừng, cũng như thể hiện giá trị của rừng đối với cuộc sống con người.

Khu rừng nằm dọc con đường dẫn lên chùa Thiên Ấn đã tạo vẻ đẹp nên thơ không chỉ đối với người dân nơi đây, mà cho bất cứ ai yêu thiên nhiên mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.

Đứng ở mép rừng Thiên Ấn, du khách có thể quan sát cả không gian bao la, rộng lớn xung quanh; đặc biệt là dòng sông Trà Khúc hiền hòa, thơ mộng. Và, sau khi tận hưởng khí trời mát mẻ, ôn hòa và cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ hữu tình của khu rừng, du khách có thể vãn cảnh chùa Thiên Ấn, với cảm giác bình yên, ấm áp trong những ngày đầu xuân.


HOA TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét