22 thg 2, 2018

Cần Đước níu bước lãng du - Làng nghề đóng ghe “Đỏ mũi trảng lườn” và nghề thương hồ Cần Đước

Hơn 20 năm trước, tôi đến làng nghề đóng ghe Tân Chánh (Cần Đước, Long An) với những xưởng nằm dọc bờ sông Rạch Cát.

Sau gần một ngày la cà ở làng nghề ngổn ngang những khúc cây to ngâm dưới sông vớt lên để xẻ gỗ và những bãi phơi ván đóng ghe; tắm mình trong cái hỗn độn của âm thanh cơ giới và thủ công vang khắp làng nghề, tôi cảm nhận đóng ghe là một nghề đòi hỏi phải khéo tay và chính xác đến từng li từng tí.

Đây là làng nghề lâu đời hàng thế kỷ ở Cần Đước, có tính cha truyền con nối; mỗi cơ sở đóng ghe còn có thợ cả là truyền nhân chỉ bảo, dìu dắt lớp thợ con nối nghiệp, cứ thế mà xuôi dòng thời gian tồn tại một làng nghề. Để có ghe tốt, thợ cả phải chọn cây gỗ tốt, chịu ngâm nước, có sức dẻo và bền để dễ uốn mà không gãy hay vỡ khi bị lực va chạm mạnh.

Ghe "đỏ mũi trảng lườn" Cần Đước (trông rất có uy)


Cũng như các thợ cả cất nhà xưa mà không cần bản vẽ, thợ cả đóng ghe chỉ lấy mắt đo và tính nhẩm trong đầu các thông số kỹ thuật rồi giao cho đám thợ con mỗi người làm một phần việc để rồi ráp lại mà thành sản phẩm. Ghe “đỏ mũi trảng lườn” có đặc điểm “nhảy sóng” tốt, nghĩa là gặp sóng lớn, mũi ghe vẫn chẻ sóng, lướt qua như thường, không bị lật. Giới thương hồ ưa chuộng ghe này với mũi ghe nhỏ có mũ cong vút lên trên và có đôi mắt sống động “mắt đảo mèo”.

Ở Tân Chánh còn đóng cả ghe chở hàng và tàu kéo. Xã này có nhiều biệt thự to đẹp, hỏi ra là của các chủ ghe tàu, sà lan chuyên chở thuê hàng hóa, vật liệu xây dựng trên các đường sông, đường biển. Hơn 15 năm trước, có lần, tôi được đi với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão tỉnh kiểm tra tình hình, thấy trên các kênh, rạch ở đây đều có từng cụm ghe câu, ghe cào từ biển, từ sông về neo đậu tránh bão, chĩa mũi đỏ chói và hai mắt nửa trắng - nửa đen tròn xoe lên bờ, rất ấn tượng. Đây đúng là ghe “đỏ mũi trảng lườn” Cần Đước!

Vừa rồi, chúng tôi về làng nghề đóng ghe Phước Đông rải dọc kênh Nước Mặn. Kênh Nước Mặn ngày xưa, bọn thực dân Pháp từng mở hãng đóng và sửa chữa tàu thuyền ở khu vực chợ Kinh. Và nghề sửa chữa, đóng mới ghe tàu của dân bản địa vùng này cũng sớm thịnh hành. Hiện nay, xã Phước Đông có hơn 10 xưởng đóng ghe tàu liền cụm, chưa kể số nằm rải rác tại các khu dân cư.

Thăm Xưởng đóng tàu Hai Cây, tôi say sưa ngắm một anh thợ đang đứng trên giàn giáo, tay cầm lon sơn, tay cầm cọ sơn đi sơn lại cái mũi ghe thanh tú đỏ chói và hai mắt ghe to, tròn, nửa đen - nửa trắng rất sống động, cứ như anh ta thổi hồn vào đó. Cặp ghe vỏ thép đang được hoàn thiện là loại ghe chở hàng khá to, sơn màu xanh lá cây càng làm nổi bật cái “mũi đỏ trảng lườn” sống động hơn! Có hai ông đều trạc tuổi 60 đang ngồi trên sạp gỗ.

Tôi hỏi chuyện, một ông cho biết tên Trà Thanh Đệm, tên thường gọi Út Oanh, thợ cả có trên 35 năm tuổi nghề. “Nghề này cha tui truyền cho. Ở đây, chuyện đóng ghe cha truyền con nối là thường” - ông Út Oanh nói rồi chỉ người ngồi cạnh: “Đây là anh Hai Cây - Nguyễn Văn Hai, chủ Xưởng đóng ghe Hai Cây nổi tiếng ở Phước Đông”.

Ông Hai Cây niềm nở bắt tay tôi và tự giới thiệu: “Xưởng tui mở năm 1992, đến nay 25 năm, chỉ nhận đóng ghe tàu theo đơn đặt hàng; ai đặt thế nào, mình làm thế ấy” - ông Hai Cây nói. Tôi chỉ cặp tàu đang hoàn thiện, hỏi giá thành. Chủ xưởng Hai Cây cho biết, mỗi chiếc hơn 1,5 tỉ đồng. Tôi nói, giá đó không mắc nhưng người giàu mới sắm nổi, còn giới thương hồ thì loại ghe nào? Thợ cả Út Oanh chỉ ra bờ kênh Nước Mặn, nói: “Mấy chiếc ghe nằm ngoài đó đó anh!”. Đó là ghe “đỏ mũi trảng lườn”.

Nghề đóng ghe ở Tân Chánh tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương

Có lần, tôi thấy ở bãi Vích đảo Phú Quốc có chiếc ghe y như vậy với một gia đình gồm hai vợ chồng và đứa con gái trạc 15-16 vừa chèo, vừa rao bán chai, bình nước uống và trái cây. Hỏi, ông chồng cho biết: “Tui là Năm Cần Đước, từ Cần Đước đưa cả nhà ra đây mưu sinh. Gia đình tui quanh năm sống trên ghe thương hồ”. Tôi nói, thương hồ chắc giỏi võ? Ông cười: “Đó là thời xưa, còn “lục lâm thảo khấu” núp bờ, núp bụi chặn ghe thương hồ để cướp. Chớ thời nay, tui đi khắp sông nước miền Tây, vượt biển ra ngoài này, có dùng miếng võ nào đâu?”.

Lại nhớ hồi UBND huyện Cần Đước tổ chức hội thảo chuyên đề đờn ca tài tử và rước linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ đình quận 8 (TP.HCM) về đình Vạn Phước (Mỹ Lệ, Cần Đước), cố nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam đọc tham luận xong liền kéo tôi ra quán. Hôm đó, ông nói nhiều về nghề đóng ghe, nghề đi ghe và nghề thương hồ Cần Đước.

Ông cất giọng hóm hỉnh: “Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em” (ông không nói “đỏ mũi trảng lườn” mà nói “đỏ mũi xanh lườn”. Cái này cần coi lại “xanh” hay “trảng”?). Ông giải thích, Cần Đước xưa thuộc tỉnh Gia Định. Ở vùng sông nước tứ bề nên nghề đóng ghe ở Cần Đước sớm hình thành. Người dân ở đây cũng sớm làm nghề thương hồ, cái nghề “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê” nhưng nhiều người lại khoái vì “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/ Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”.

Ngày xưa, ghe thương hồ cũng có luật. Thí dụ gặp lúc hai ghe suýt đụng nhau thì phải hô “Bát!” để mà tránh. Ghe nào chở nhẹ mà chạy thuận dòng nước, đụng phải ghe chở nặng mà chạy ngược dòng nước là phạm lỗi. Ghe nào bị sự cố thì phải hô “Cạy!” để ghe khác đến cứu giúp.

Du ký của Quang Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét