20 thg 2, 2018

Nhà sàn đá, điểm dừng chân hút khách ở thác Bản Giốc

Trong quần thể khu du lịch thác Bản Giốc, mô hình du lịch cộng đồng “homestay” tại các nhà sàn đá là một trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng có đường biên giới dài 66 km, tiếp giáp với thành phố Tịnh Tây và huyện Đại Tân, Trung Quốc. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Vùng biên giới này, nhiều bản làng còn đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; Đặc biệt, thắng cảnh nổi tiếng thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao là danh thắng cấp Quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Đây là cơ hội để Trùng Khánh khai thác tiềm năng phát triển du lịch. 


Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

Năm qua, thành công Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính, Trùng Khánh đã thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách đến với khu du lịch Thác Bản Giốc, nhưng con số này vẫn rất khiêm nhường so với tiềm năng du lịch của địa phương.

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng cũng là một trong những thế mạnh của địa phương đang hướng tới. Trải nghiệm “homestay” tại làng bản của đồng bào là một sự thú vị đối với du khách. Được thưởng thức những sản phẩm địa phương và hòa vào cuộc sống dân giã hòa trong khung cảnh non nước mà ít nơi có được là một món quà không gì tuyệt vời hơn trong một chuyến du lịch non cao.

Cách đây gần 2 năm, tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam phối hợp với huyện Trùng Khánh hỗ trợ dự án "Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng". Dự án hiện đang được triển khai tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh là một loại hình du lịch hứa hẹn thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài. 

Nhà sàn đá của đồng bào dân tộc Tày, xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, khả năng hướng phát triển du lịch homestay ở quần thể Khu du lịch Bản Giốc cũng rất tốt. Tuy nhiên, mắc khó khăn là người dân nhận thức vẫn còn trông chờ nhà nước mà để hỗ trợ đồng đều là khó. Trước mắt, địa phương đang xây dựng một đề án đề nghị tỉnh, huyện dành một nguồn vốn nhất định để đầu tư hỗ trợ cho một số điểm làm mẫu để người dân thấy lợi ích, sau đó mới nhân rộng”.

Đỗ Thị Thúy, một cô gái trẻ đẹp người vùng biển tự nhận bị mê hoặc trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của non nước Cao Bằng. Yêu vùng cao nên chị quyết định ở lại làm du lịch.

Dẫn chúng tôi tới thăm xóm Lũng Niếc nằm ngay sát chân thác Bản Giốc – nơi các hộ gia đình bà con dân tộc Tày sinh sống, chị Thúy cho biết: có 3 hộ dân được chọn hỗ trợ kinh xây nhà sàn đá làm mô hình phát triển nhà cộng đồng “homestay”. Tuy nhiên, hiện một hộ chưa thực hiện được do gia đình có việc mà theo truyền thống họ phải kiêng cữ trong 3 năm. 

Anh Khánh (bên trái) đang cùng tốp thợ xây khu bếp và nhà vệ sinh. 

Ngôi nhà sàn đá của vợ chồng anh Nông Đình Khánh và vợ Hoàng Thị Kiều cơ bản đã hoàn thiện xong. Anh Khánh đang cùng với tốp thợ xây hoàn thiện khu bếp và vệ sinh. Anh Khánh dự kiến ra Tết có thể đón những vị khách đầu tiên. Theo Khánh, vật liệu bằng đá tự nhiên như trước nay cũng khó kiếm nên một số hạng mục phải “bê tông” nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên giá trị của nhà truyền thống.

Theo chị Thúy, mô hình nhà ở cộng đồng đang hứa hẹn giúp mang lại nguồn lợi cho người dân làm du lịch cộng đồng. Ở huyện Quảng Uyên người dân cũng dựng nhà và đang đón khách du lịch thu nhập hơn 100 triệu/năm. “Hy vọng mô hình nhà cộng động thành công để bà con thấy có thu nhập làm theo, góp phần mang lại đời sống tươi sáng của người dân nơi đây”- chị Thúy nói.

Nhà sàn đối với người Tày ở Trùng Khánh là nơi cất giữ nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đồng bào Tày ở đây có tín ngưỡng thờ đá. Trong tâm thức người Tày, “Thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại. 

Bên trong nhà sàn tường đá, sàn gỗ mô hình homestay của gia đình anh Nông Đình Khánh ở xóm Lũng Niếc. 

Đá được sử dụng trong các sinh hoạt thường ngày. Nhà được xây bằng đá, vách đá, móng được làm bằng đá hộc, chân tảng cũng làm bằng đá và được đục đẽo thủ công. Đồng bào Tày nơi đây cũng sử dụng đá trong các công trình làm hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò…

Khi dựng nhà, người Tày chọn nơi cao ráo, lưng tựa núi, hướng mặt nhà cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.

Nhà sàn xây dựng theo kết cấu khung cột kết hợp với tường đá dày, điển hình kiểu không gian ba tầng. Dưới đất là nơi nhốt súc vật, gia cầm. Tầng sàn là nơi ngủ và sinh hoạt của gia đình. Tầng gác chứa dụng cụ, nông phẩm.

Ngôi nhà thường sử dụng gỗ, tre làm kết cấu mái gồm cột, xà ngang, xà dọc, mái. Nhà sàn có hai mái dốc lợp bằng ngói âm dương. Chân các cột nhà được kê đá nhưng bao giờ cũng để lại một cột tiếp đất, theo quan niệm để hòa hợp âm dương. Bốn vách tường nhà đều được xây bằng đá. Những viên đá có nhiều kích cỡ, nhiều góc cạnh được xếp khéo léo, vữa kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn với cát và nước.

Bàn thờ tổ tiên được đặt ở trên cao trang trọng. Không gian sinh hoạt của các thành viên gia đình được phân biệt rõ ràng. Cầu thang lên xuống, sân, tất cả đều được làm bằng đá.

Bước chân vào trong nhà sàn đá có thể cảm nhận được sự ấm áp vào ngày lạnh,mát mẻ vào ngày nóng, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo tinh tế của đồng bào Tày trong việc xây dựng nhà cửa.

Đ.Hưng- V.Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét