22 thg 2, 2018

Cần Đước níu bước lãng du - Trăm năm đồn Rạch Cát

Rời nhà 100 cột ở ấp Trung, xe du khách bon bon trên Đường tỉnh 826B - con đường thực dân Pháp lấy sức dân đào đắp từ năm 1891, trải bao phen “nắng bụi, mưa lầy” đến nay mới được nhựa hóa - đến ấp Long Ninh là thấy cả khối pháo đài bêtông cốt thép cực kỳ kiên cố, sừng sững trấn ải bên cửa sông Soài Rạp, cách thị trấn Cần Đước 14km. Đây là tàn tích của thực dân Pháp với tham vọng ngăn chặn làn sóng các nước khác qua biển Đông tràn vào giành thuộc địa của chúng, đồng thời ngăn chặn cả các nước qua đường biển vào giúp nước ta.

Một trong những khẩu pháo cổ tồn tại ở di tích đồn Rạch Cát

Về mặt kinh tế kết hợp quân sự, đây là nơi giao lưu hàng hóa từ miền Tây lên Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông Nam bộ và ngược lại, đều trong tầm ngắm từ pháo đài này! Được xem là pháo đài quân sự lớn nhất nhì ở Việt Nam, đồn Rạch Cát với “sức đề kháng” có thể chống các loại đạn pháo hạng nặng; lại được trang bị các loại trọng pháo hiện đại nhất ở đầu thế kỷ XX.

Từ thuở toàn vùng cù lao Long Hựu còn hoang vu, bao phủ bởi rừng ngập nước. Năm 1902, thực dân Pháp cho người đến thám sát thực địa, thiết kế lập pháo đài ở đây vì thấy qua pháo đài này kiểm soát được cả 3 con sông lớn là Rạch Cát, Vàm Cỏ và Nhà Bè; khống chế cả khu vực Cần Giờ và Vũng Tàu.

Năm 1903, chúng cho tàu chở vật liệu đến để xây đồn. Ngay sau đó xảy ra trận bão năm 1904 cuốn trôi hết vật liệu ra sông, ra biển. Năm 1905, thực dân Pháp gom dân 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước đến đây chịu cảnh ăn đói mặc rét, ngày đêm lao động khổ sai đào móng đóng cừ, đào nền (diện tích 3.000
m2) sâu hàng chục mét dưới lòng đất để xây 4 tầng ngầm (ngang 100m, dọc 300m). Xung quanh đồn có tường rào kiên cố với chu vi 11.988m; có cầu tàu lắp đường ray dài 50m để xe goòng chuyển hàng từ tàu vào đồn. Việc xây đồn kéo dài suốt 5-6 năm sau mới xong.

Năm 1939, trước nguy cơ phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp vội sửa sang đồn, trang bị thêm súng pháo, nhà ở và các hồ chứa nước cho binh lính. Gần cuối 1945, thực dân Pháp được đế quốc Anh hà hơi tiếp sức quay lại Đông Dương, nhanh chóng chiếm lại đồn Rạch Cát và cho tu bổ nhiều chi tiết bên trong lẫn bên trên và bên ngoài đồn. Khi chiến tranh thế giới II xảy ra, Pháp cho sửa sang đồn, xây thêm các mâm pháo, đặt thêm các loại khẩu pháo và xây thêm nhà ở bên ngoài đồn.

Năm 1940, thực dân Pháp còn đưa vật liệu đến để ngăn sông hòng kiểm soát tàu bè qua lại. Công việc còn đang tiến hành thì Pháp bị phát xít Đức xâm lăng; trong khi đó, ở Đông Dương, Nhật đánh chiếm Việt Nam, nhưng thực dân Pháp ở đồn Rạch Cát vẫn không hay biết (do thiếu thông tin); chúng tiếp tục củng cố đồn và cho lính túc trực, đốn cây ngăn lộ để cản bước đối phương.

Tiếp đến, Nhật đảo chánh Pháp; thực dân Pháp đầu hàng Nhật ở Sài Gòn nhưng ở đồn Rạch Cát cũng không hay biết gì; mãi 3 ngày sau, một viên sĩ quan Nhật mang danh trưởng xưởng đóng tàu (thực dân Pháp có mở xưởng đóng tàu ở chợ Kinh, Long Hựu) mời viên trưởng đồn Pháp ở Rạch Cát đến cho biết tình hình và buộc đơn vị Pháp phải giao đồn cho đơn vị Nhật. Lực lượng của Pháp trong đồn lập tức bị hốt hết xuống tàu chở đi; chừng một tuần sau thì Nhật đưa tàu đến đồn chở hết các loại trọng pháo, súng ống, đạn dược ở đồn Rạch Cát đưa đi nơi khác.

Đến tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh; bọn Nhật chiếm đóng đồn Rạch Cát cũng bỏ đồn, nhanh chân rút chạy. Người dân xã Long Hựu đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh lập Đội Thanh niên Tiền phong, dùng gậy gộc, giáo mác nổi lên giành chính quyền và kéo đến chiếm lấy đồn Rạch Cát. Sau đó, ta cử 2 trung đội chính quy đến trấn giữ đồn này. Sạch bóng thực dân Pháp, phát xít Nhật; qua các thời kỳ chiến tranh tiếp theo rồi đồn Rạch Cát cũng hoàn toàn thuộc về ta.

Một góc nóc đồn

Đến tham quan đồn Rạch Cát hiện hữu, từ trên nóc đồn nhìn về phía mặt trời mọc, sẽ thấy cửa Soài Rạp chảy ra biển Đông mênh mang khói sóng; nhìn hướng Nam thấy sông Vàm Cỏ bao la sóng mắt người thương và hướng Bắc là sông Rạch Cát ngay dưới chân đồn với dải rừng cây chắn sóng ngút ngàn. Công trình pháo đài cổ Rạch Cát có 2 hệ thống nổi và chìm.

Phần nổi là nóc đồn không bằng phẳng mà đầy ngóc ngách hố hầm và ụ pháo gồ ghề đều bằng bêtông cốt thép. Hiện có 4 khẩu đại bác tầm xa và súng máy cùng các đài quan sát cao đến 20-25m. Từ đó ngó ra bao quát bên ngoài bức tường thành đồn là rải rác các lô-cốt đổ ngã, cỏ hoang bao phủ. Các ngăn phòng ở tầng nổi được xây dựng như hầm trú ẩn với nhiều ngõ ngách thoát hiểm, tuy nhiên, dưới sức hủy hoại của thời gian, phần cốt thép hầu hết bị ngấm nước mục gỉ, bong tróc lớp bêtông.

Riêng hệ thống ngầm từ lâu đều bị nước tràn vào ngập hết, không thể tiếp cận được. Đồn Rạch Cát được xếp hạng di tích quốc gia, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật kiến trúc đồn lũy cổ ở châu Âu.

Long Hựu ngày nay được biết đến là cù lao xinh đẹp, ngoài 2 di tích quốc gia Nhà 100 cột và đồn Rạch Cát, còn có một số cơ sở thờ tự cộng đồng; có lối đi Rừng Sác, Cần Giờ, có lối đi ra biển Gò Công (Tiền Giang) - qua sông Vàm Cỏ, và có đường ra biển Đông - qua cửa sông Soài Rạp, lại có kênh Nước Mặn là điểm nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, qua tuyến đường nước kết nối TP.HCM.

Du ký của Quang Hảo

Ghi chú: Trong bài có một số chi tiết dựa theo cuốn Lịch sử truyền thống xã Long Hựu (XB.2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét