12 thg 2, 2018

Nghề mõ xứ Thần Kinh

Lẫn trong tiếng mưa rơi nặng hạt trên mái tôn là tiếng đục đẽo và thi thoảng là tiếng mõ cốc cốc đều đều vọng lên giữa không gian thanh vắng của khu xóm nhỏ nằm khá hẻo lánh trên một vùng đồi thuộc tổ 11, khu vực 6, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Và chính những thanh âm kỳ lạ ấy cho thấy sự tồn tại của một làng nghề độc nhất vô nhị đất Thần Kinh (tên gọi khác của Huế), đó là nghề đục mõ. 

Huế mùa mưa thật buồn. Trời đất, đường sá, cỏ cây đâu đâu cũng ủ dột một màu xám xịt, dầm dề, ướt át. Định bụng chẳng đi đâu nhưng rồi nghĩ ngợi thế nào tôi lại khoác áo mưa, dắt xe máy vượt qua cầu Trường Tiền, lên đường Điện Biên Phủ, rồi quẹo phải sang đường Lê Ngô Cát hướng lên phía lăng Tự Đức. Loanh quanh một chặp, vượt qua mấy cái dốc, mấy khu vườn mênh mông vắng ngắt sùi sụt mưa rơi, cuối cùng tôi cũng đến cái xóm làm mõ của phường Thủy Xuân.

Xóm đã vắng gặp hôm mưa dầm càng thêm quạnh quẽ, đường sá tịnh không bóng người. Đang loay hoay chưa biết hỏi ai thì chợt nghe có tiếng đục đẽo, rồi tiếng mõ lốc cốc vọng ra. Tôi đưa mắt ngó quanh thì phát hiện ra một cái xưởng nhỏ làm mõ nằm khuất trong khu vườn xanh um lá. Tôi dắt xe vào ngõ, gặp đám thợ 4-5 người đang cắm cúi ngồi làm, hỏi thăm mới biết đây là nhà cụ Phạm Ngọc Dư, nhà có ba đời làm mõ nổi tiếng ở Huế.

Gỗ mít, đặc biệt là mít trồng ở Huế là thứ gỗ hảo hạng dùng để làm mõ. Ảnh: Thanh Hòa


Để tạo nên hình hài ban đầu cho chiếc mõ đại có đường kính hơn 1m, Phạm Ngọc Đức (cháu nội cụ Phạm Ngọc Dư) phải dùng đến cưa xích, loại cưa thường dùng để đốn hạ cây của cánh thợ sơn tràng. Ảnh: Thanh Hòa

Dùi đục, người Huế gọi là dùi cui, một dụng cụ đơn giản nhưng không thể thiếu của người làm mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Bộ dụng cụ bén như dao cạo của những người làm mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Chiếc đục dài có hình dáng đặc biệt này chính là công cụ tạo nên âm thanh kỳ diệu của mỗi chiếc mõ. Ảnh: Thanh Hòa 

Đoán chừng là sắp vào dịp Tết nên hàng họ nhiều, ai cũng mải miết làm, trong nhà ngoài hiên các loại mõ lớn nhỏ bày la liệt, mùn cưa, dăm bào vương vãi ở khắp nơi. Không muốn làm gián đoạn công việc của mọi người, sau khi chào hỏi và xin phép gia chủ, tôi lặng lẽ quan sát, tìm hiểu. Và càng tìm hiểu tôi càng phát hiện ra nhiều điều thú vị về cái nghề độc đáo mà lần đầu tiên mình được tận mắt thấy này.

Phạm Ngọc Phúc, chàng trai vừa tròn 30 tuổi, cháu nội cụ Phạm Ngọc Dư, cho biết nghề đục mỏ ở Thủy Xuân có lâu lắm rồi, chẳng biết tự bao giờ. Riêng ở nhà anh, ngày xưa ông nội làm nghề rồi truyền lại cho cha, sau cha truyền lại cho 3 anh em Phúc. Cũng theo lời Phúc, cái nghề này rất lạ, ít khi truyền ra ngoài, mà có truyền cũng ít người học được, thành ra quanh đi quẩn lại chỉ có 3 anh em và thêm mấy người bà con trong họ tộc bảo ban nhau cùng làm.

Xưa nay không mấy ai giàu có nhờ nghề làm mõ nhưng cũng chẳng có ai nghèo, nhìn chung là đủ sống. Huế là đất Phật nên nhiều chùa chiền và hầu như nhà nào cũng có bàn thờ Phật, nhờ đó mà nghề làm mõ cũng được biệt đãi ít nhiều. Ngày nay, mõ của Thủy Xuân được cả nước biết đến, nhiều chùa trong Nam ngoài Bắc nghe tiếng đều đến đặt hàng, thậm chí thỉnh thoảng còn xuất được sang một số nước có đạo Phật như Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, xa hơn nữa thì có kiều bào Phật giáo sống ở các nước Châu Âu về đặt.

Nghề làm mõ nhìn qua tưởng đơn giản nhưng kỳ thực rất khó, bởi nó có những bí quyết, ngón nghề riêng. Ngay việc chọn gỗ cũng có nét đặc biệt, bởi trong hàng trăm thứ gỗ dường như chỉ có gỗ mít mới làm được mõ. Người ta bảo gỗ mít làm mõ cho tiếng hay lại có màu vàng rất hợp duyên với màu của nhà Phật.

Để làm được một chiếc mõ có dáng đẹp và âm hay, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn gỗ, đục thô tạo dáng, chạm trổ, sơn sấy… và quan trọng nhất là khâu đục bầu âm (hộp cộng hưởng âm), đây được xem là bí quyết riêng của mỗi người nghệ nhân và của mỗi gia đình.

Phạm Ngọc Phúc cho biết, xưa nay không có bất cứ sách vở nào dạy về mẹo mực đục mõ, tất cả đều dựa vào bàn tay và kinh nghiệm của người thợ. Để đục bầu âm người thợ thường dùng một chiếc đục vũm hình lòng máng dài, có khi dài tới cả mét, rồi đục mò từng tí một vào sâu trong lòng khối gỗ. Do phải đục mò không nhìn thấy rõ bên trong nên tất cả phụ thuộc vào tài năng và kinh nghiệm của người thợ. Người thợ phải áng chừng được độ nông sâu, dày mỏng, cứng mềm của gỗ, thậm chí phải dựa vào âm thanh, cảm giác ở bàn tay qua từng nhát đục mà cân nhắc, tính toán cho thật chuẩn. Tất cả không theo một quy chuẩn hay khuôn mẫu nào nhưng đòi hỏi phải vô cùng chuẩn xác và hoàn hảo, bởi nếu đục chưa tới, thành mõ dày khi gõ sẽ không thành tiếng, còn mỏng quá thì tiếng sẽ lộp bộp nghe rất chướng tai.

Do kỹ thuật đục bầu âm quá phức tạp nên xem ra số người làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng thế mà ngày nay nhiều cơ sở sản xuất mõ bằng máy cắt CNC dù có thể tạo ra được phôi mõ rất nhanh, đều và đẹp nhưng đến khâu đục bầu âm thì đành chịu chết, nên lại phải đem đến nhờ xưởng của những nghệ nhân cao tay như gia đình cụ Phạm Ngọc Dư để thuê gia công phần việc quan trọng nhất, bởi suy cho cùng mõ có đẹp đến đâu mà tiếng chẳng hay thì cũng chẳng để làm gì.

Các phôi mõ được đẽo bằng tay nhưng có kích thước và hình dạng khá đồng đều và tròn trịa... Ảnh: Thanh Hòa

...và được làm bằng loại gỗ mít hảo hạng có màu vàng ươm pha sắc nâu đỏ. Ảnh: Thanh Hòa

Do mõ có kích thước không giống nhau nên mọi đường nét hoa văn trang trí trên thân mõ đều được vẽ trực tiếp bằng tay rồi chạm trổ chứ không theo một khuôn mẫu cố định nào. Ảnh: Thanh Hòa

Do chiếc mõ có hình tròn dễ lăn nên tư thế quen thuộc của người thợ khi chạm trổ là khoanh chân ôm tròn lấy thân mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Phạm Ngọc Rô đã có tay nghề rất vững trong kỹ thuật chạm trổ trang trí mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Vẻ đẹp của một chiếc mõ phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người chạm trổ. Ảnh: Thanh Hòa

Phạm Ngọc Phúc (cháu nội cụ Phạm Ngọc Dư) đo đạc, tính toán cẩn thận vị trí đường xẻ bầu âm của từng chiếc mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Độ rộng hẹp trong kỹ thuật xẻ bầu âm quyết định rất lớn đến việc tạo âm của mõ. Ảnh: Thanh Hòa

Trong quá trình đục bầu âm, chiếc đèn nhỏ và tia sáng yếu ớt chính là thứ ánh sáng duy nhất có thể
giúp Phạm Ngọc Thanh Hải (cháu nội cụ Phạm ngọc Dư) nhìn được phần nào bên trong lòng mõ tối đen như mực qua một lỗ nhỏ có đường kính chỉ vài cm, và để nhìn được Hải chỉ còn mỗi cách là phải rút hẳn lưỡi đục ra ngoài. Ảnh: Thanh Hòa

Trong văn hóa Phật giáo, chuông và mõ là hai nhạc khí chính dùng để giữ nhịp cho người tụng kinh,
tụng nhanh thì nhịp mõ nhanh, tụng chậm thì nhịp mõ chậm. Ảnh: Thanh Hòa 

Như để khách thấy được cái công phu của nghề làm mõ, Phúc dẫn tôi vào gian thờ Phật bài trí ở giữa nhà lấy ra một cái mõ vừa làm xong rồi cầm dùi gõ thử. Và thêm một lần nữa trong ngày tôi lại được nghe cái thanh âm kỳ lạ của tiếng mõ âm trầm hòa lẫn trong tiếng mưa rơi vang vọng giữa đất trời. Cái thanh âm trầm buồn nhưng bình an ấy như nhắc nhở cho người ta biết rằng đất Huế vẫn còn đó một làng nghề trầm lặng nhưng mang nặng tâm tình của Huế yêu thương.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét