7 thg 2, 2018

Làng đúc tượng táo quân vào xuân

Càng gần đến cuối năm, những người thợ ở làng nghề Nam Diêu (P. Thanh Hà, TP. Hội An) nỗ lực chạy đua với thời gian để sản xuất những mẻ tượng táo quân cung ứng cho thị trường tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh thành ở khu vực miền Trung.


Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo đã có hàng trăm năm nay. Trước đây, có nhiều người theo nghề nhưng “làm quanh năm chỉ bán được dịp tết” nên hiện nay ở Thanh Hà chỉ còn vài hộ nổi lửa làm tượng.

Bắt đầu từ giữa tháng chạp, xưởng đúc tượng ông Công, ông Táo của gia đình ông Nguyễn Văn Chín (tổ 14, khối phố Nam Diêu, p. Thanh Hà, Tp. Hội An) - 4 đời làm tượng - bận rộn với mớ công việc đóng thùng gửi "ông Táo" cho bạn hàng khắp Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam; làm thêm tượng ông Táo cho kịp đơn hàng mới…

Dù làng nghề Thanh Hà bây giờ nổi tiếng với nghề làm gốm trang trí, xây dựng, tò he, lợn đất... nhưng gia đình ông Chín vẫn chung thủy với nghề. “Tính đến nay, tôi theo nghề đã 40 năm, mỗi ngày nặn được 200 – 300 ông Táo. Từ đầu tháng giêng, gia đình tôi và 5 thợ nữa làm đến giờ vẫn không kịp giao cho khách. Có thương lái từ Huế vào đây đặt vài chục nghìn ông Táo với giá cao hơn nhưng tôi từ chối vì thời tiết cận tết không thuận lợi, sợ không đủ hàng để cung cấp” – ông Chín chia sẻ.

Mỗi tượng ông Táo, ông Chín nhập cho bạn hàng giá 1.500 đồng/bộ ba ông Táo, bán ra thị trường xê dịch ở mức 4- 5 ngàn đồng. Mỗi năm có khoảng 30- 40 ngàn ông Táo từ xưởng nhà ông đưa ra thị trường, bình quân thu về 50 – 60 triệu đồng/năm.

Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. Trước Tết Nguyên đán vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ đưa ông Táo về trời. Và đi kèm với đó sẽ là bộ ba tượng ông Táo mới được thay lên bếp. 

TRÂM NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét