22 thg 5, 2023

Tháp Chánh Lộ qua hình ảnh khảo cổ

Các nhà nhiếp ảnh, nhà khảo cổ đã chụp nhiều bức ảnh, bộ ảnh tư liệu quý hiếm về di tích kiến trúc Chăm pa, trong đó có khu tháp Chánh Lộ ở Quảng Ngãi. Những hình ảnh này đang được lưu trữ ở Thư viện Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Nhật ký qua ảnh

Theo các nhà nghiên cứu, vùng đất Quảng Ngãi cũng là nơi hình thành, tồn tại những trung tâm văn hóa, thương mại quan trọng của người Chăm pa như Cổ Lũy, Châu Sa. Các dấu tích Chăm pa được tìm thấy ở núi Phú Thọ và khu vực lân cận. Quanh các khu vực này có rất nhiều đền tháp. Đặc biệt, tháp Chánh Lộ là tháp Chăm có quy mô lớn nhất được biết đến ở vùng nam châu Amaravati của vương quốc Chăm, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ngôi tháp này được xây dựng vào thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Trải qua thời gian, tháp Chánh Lộ bị hủy hoại, hầu như bị mất dấu vết hoàn toàn.


Năm 1904, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier tiến hành khai quật tháp Chánh Lộ. Điều đáng lưu ý là, cũng trong thời gian đó, nhà khảo cổ nổi tiếng này cùng với Charles Carpeaux thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) cũng vừa khai quật khảo cổ ở khu đền tháp Mỹ Sơn và Đồng Dương ở Quảng Nam.

Cùng với ghi chép, khảo tả chi tiết bằng văn bản, bản vẽ, các nhà khảo cổ còn chụp nhiều bức ảnh về các nhóm tháp, các ngôi tháp, các bức tượng, phù điêu, chi tiết hoa văn và cảnh quan ở xung quanh khu tháp. Với các nhà khảo cổ, bộ ảnh khai quật khảo cổ học di tích như là nhật ký, ghi chép bằng ảnh chứa đựng nhiều thông tin khoa học bổ ích và thú vị. Các nhà khảo cổ kiêm nhiếp ảnh ghi lại số hiện vật, vị trí của nó ở các hố khai quật, đặc tả từng loại hình hiện vật. Bức ảnh tư liệu nổi bật nhất là bức ghi lại các mảnh tượng được sắp xếp thành hàng, chia thành 4 bậc ở chân tháp. Background (phông) của bức ảnh là nền tháp bằng gạch khá đồ sộ. Tuy đổ nát nhưng còn lại dấu vết khá quy mô của một khu tháp cổ. Đây là bức ảnh “đinh” thể hiện kết quả khai quật, sự phong phú và đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc ở khu di tích.

Tái hiện phong cách nghệ thuật độc đáo

Qua ảnh có thể thấy rõ, ở ảnh đầu, có các hình thủy quái Macara (có vòi như vòi con voi), có các đầu chim thần Garuda (có mỏ dài), các Kinnara (những thiên thần có cánh). Ở giữa là hình nữ thần Sarasvati (vợ của thần Brahma). Ở cuối là tượng nữ thần (có thể là Lakshmi, vợ của Visnu), các tượng còn lại là các thiên nhân (gandharva). Một bức ảnh khác chụp 7 bức tượng xếp thành hàng ngang, còn khá nguyên vẹn, trong đó có thể thấy rõ tượng vũ nữ tiên thiên. Một bức ảnh chụp tượng nữ thần Sarasvati, vợ của thần sáng tạo Brahma, khá sắc nét.

Trong số các bức ảnh tư liệu khảo cổ, gây chú ý nhất là ảnh chụp 2 mi cửa (Lintel), một bức bị vỡ, một bức còn nguyên vẹn. Đây là hai hiện vật phát hiện ở khu vực tháp trung tâm hình bát giác ở tháp Chánh Lộ. Bức phù điêu ở mi cửa (Lintel), tượng vũ nữ tiên thiên, tượng nữ thần Sarasvati còn lành lặn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Theo các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học H. Parmentier từng so sánh sự tương đồng của Lintel Chánh Lộ với Lintel của Mỹ Sơn E4. Lintel Chánh Lộ cũng được nhắc đến trong cuốn Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture, với nhận định đây có thể là buổi lễ của vua trước hoặc sau chiến trận. Có nhà nghiên cứu cho rằng, phù điêu khắc họa trên Lintel Mỹ Sơn E4, Lintel Chánh Lộ là hoạt cảnh thể hiện điệu múa cung đình, vua và các nhân vật trong bức phù điêu thể hiện tâm trạng hân hoan. Nhà vua đội vương miện ngồi ở vị trí trung tâm, trên bệ, tay cầm kiếm. Hai bên có 2 người hầu cầm lọng che, kế đến là người hầu cầm quạt, tiếp đó là 2 nhóm vũ nữ múa và các nhạc công đánh trống, thổi kèn.

Một số bức ảnh ghi lại công trường khai quật khảo cổ. Qua ảnh cho thấy quang cảnh tấp nập, lao công đông đúc (mặc quần ống dài, áo dài tay, đội nón lá), với người cầm cuốc xẻng đào bới, người gánh đất... dưới sự giám sát, chỉ dẫn của các nhà khảo cổ và có cả lính lệ canh gác.

Những bức ảnh tư liệu quý giá về khu đền tháp Chánh Lộ đã giúp tái hiện diện mạo di tích, phế tích ẩn dấu dưới nền móng của nó qua một thời gian dài. Mặc dù công trình kiến trúc đã bị hủy hoại nhưng qua ảnh tư liệu và các hiện vật, kiệt tác được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, có thể thấy được diện mạo, quy mô, giá trị của một khu di tích kiến trúc Chăm pa, từng được J.Boisselier và nhiều nhà nghiên cứu gọi là "Phong cách Chánh Lộ" - một phong cách nghệ thuật độc đáo với những đường nét trau chuốt cổ điển.

TẤN VỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét