8 thg 5, 2023

Bên trong toà nhà UBND TP.HCM hơn 110 năm tuổi

Hình ảnh trụ sở UBND TP.HCM hơn 110 năm tuổi ở đường Lê Thánh Tôn (quận 1) ngày đầu mở cửa đón khách tham quan.

Trong hai ngày 29-30/4, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tham quan miễn phí dành cho cựu chiến binh và thanh niên, thiếu nhi thành phố. Nhân dịp này, nhiều đoàn du khách lần đầu tiên được tham quan trụ sở hơn 110 tuổi của UBND TP.HCM trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM.

Chương trình tham quan là một trong những hoạt động để thành phố giới thiệu các khu di tích quốc gia. Công trình trụ sở UBND TP.HCM do Kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế và xây dựng từ năm 1889 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên là Hôtel de ville (hay còn gọi là Dinh xã Tây), đến năm 1954 đổi tên thành Tòa đô chánh Sài Gòn và kể từ sau năm 1975 được mang tên như hiện nay. 

Các khu vực được tham quan bao gồm bên trong trụ sở UBND TP.HCM gồm: sảnh chính tầng trệt, sảnh tầng một, các phòng tiếp khách, phòng họp, cầu thang, ban công nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ. 

Nội thất tòa nhà được trang trí phong phú khi các bức tường và trần nhà có rất nhiều biểu trưng của hoa, vòng hoa, tranh kính nhiều màu sắc hay những bức họa trên trần… rất thời thượng lúc bấy giờ. Qua hơn 110 năm tồn tại, dáng vẻ bên ngoài công trình vẫn luôn được bảo tồn nguyên nét ban đầu. Riêng bên trong có vài cải tạo, thay đổi nhỏ.

Các bức tường và trần nhà vẽ trang trí bằng những bức tranh nhiều mắc sắc với chủ đề về những thiên thần, vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng...

Nổi bật ở bên trong toà nhà là các phù điêu được trang trí khắp cầu thang, cột, trần... và vẫn giữ được nét tinh xảo sau hơn 110 năm tồn tại. 

Trụ sở UBND TP.HCM là một công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ 20, xứng đáng là nơi làm việc của cơ quan đứng đầu thành phố, là nơi họp HĐND và đón tiếp các phái đoàn ngoại giao quốc tế.

"Ngay khi thành phố có thông tin mở cửa tôi đã đăng ký cho cả gia đình. Tuy sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nhưng đây mới là lần đầu tôi được vào trong tòa nhà. Kiến trúc ở đây rất là đẹp, đúng là biểu tượng của Hòn ngọc Viễn Đông ngày nay", chị Trương Thị Thanh Nga (quận Phú Nhuận) chia sẻ.

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận tòa nhà này là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nguyễn Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét