11 thg 5, 2023

Hấp dẫn Phụng Hoàng Sơn

Khi lồng ghép tổ chức giữa biểu diễn dù lượn, máy bay mô hình quen thuộc với thả diều nghệ thuật, giới thiệu các gian hàng đặc sản thì lợi thế Phụng Hoàng Sơn và đồi Tà Pạ càng thêm được phát huy. Tri Tôn trở nên thu hút khách du lịch (DL) cũng nhờ những cách làm sáng tạo.


Trải nghiệm mô hình mới

Đối diện cổng chào Khu Thể thao- Du lịch Tà Pạ - Soài Chek (xã Núi Tô) là quảng trường Thái Quốc Hùng (khóm 4, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn). Đây là sự kết nối liên tục từ trung tâm huyện Tri Tôn ngang qua đồi Tà Pạ, dẫn vào hồ Soài Chek, nơi thuận tiện tổ chức các loại hình thể thao hàng không cùng “đặc sản” không thể thiếu là đua bò Bảy Núi.

Với vị thế nằm ngay “ngã ba DL” Soài So - Soài Chek - Tức Dụp, khu vực hồ Soài Chek có nhiều tiềm năng phát triển DL đa dạng, hấp dẫn. Do vậy, UBND huyện Tri Tôn thường xuyên kết hợp tổ chức nhiều loại hình biểu diễn thể thao hàng không, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, ẩm thực… nhằm hình thành suy nghĩ quen thuộc cho du khách theo kiểu “Đi Đắk Lắk ghé Buôn Đôn/ Đến Tri Tôn, vô Soài Chek”.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, huyện Tri Tôn đem đến bất ngờ thú vị với Lễ hội diều nghệ thuật. Mặc dù là dân TP. Cần Thơ, đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước, nhưng với nghệ nhân Phạm Văn Tâm, đây là lần đầu tiên ông mang diều nghệ thuật biểu diễn ở miền Tây, qua lời mời của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm. Như vậy, sau dù lượn có động cơ và không động cơ, diều lượn có động cơ, máy bay mô hình và khinh khí cầu, Tri Tôn lại “mở hàng” sân chơi diều nghệ thuật cho vùng ĐBSCL.

Trong giới chơi diều nghệ thuật, nghệ nhân Phạm Văn Tâm được biết đến như là một kỷ lục gia khi cùng một lúc có thể thả nhiều con diều nghệ thuật cỡ lớn, có khả năng điều khiển diều xếp đội hình theo ý muốn. Trong hành trình đến Tri Tôn, con diều nghệ thuật hình rắn hổ mang dài 120m cũng đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Trong 2 ngày 30/4 và 1/5/2023, khu vực quảng trường Thái Quốc Hùng trở nên sôi động khi ông Phạm Văn Tâm cùng các nghệ nhân, kỹ thuật viên của Công ty TNHH MTV Diều thể thao Việt Nam mang đến biểu diễn khoảng 30 con diều cỡ lớn và 70 con diều nhỏ hơn với tạo hình các loài linh vật đủ màu sắc, nhiều chủng loại khác nhau, có kích thước từ vài mét đến vài chục mét.

Dưới chân đồi Tà Pạ và ngôi chùa Tà Pạ với vẻ đẹp đặc sắc Khmer, những con diều nghệ thuật như tô điểm bầu trời Tri Tôn thêm quyến rũ. Các nghệ nhân còn mang đến niềm vui cho trẻ em nơi đây, khi dạy các cháu ráp diều và ghi ước mơ lên đuôi con diều không lồ rồi thả lên bầu trời. “Chúng tôi muốn mang đến niềm vui bất ngờ, thú vị cho người dân vùng Bảy Núi và du khách đến đây trong kỳ nghỉ lễ này” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Diều thể thao Việt Nam Phạm Xuân Ngọc nhấn mạnh.

Tạo sân chơi hấp dẫn

Gần khu vực thả diều nghệ thuật, cũng trên khuôn viên của Quảng trường Thái Quốc Hùng, chương trình ẩm thực “Hương vị đặc sắc Tri Tôn”, do UBND huyện Tri Tôn phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức từ ngày 30/4 - 3/5/2023, thu hút khá đông người dân và du khách.

Tại đây, những món ăn nổi tiếng, mang đậm hương vị ẩm thực Khmer và vùng đất Bảy Núi, như: Cháo bò, bún cá, bò nướng, bò kho, gà đốt Ô Thum, bánh canh bột xắt truyền thống, ếch nướng, bánh bò thốt nốt, bánh phồng mì Ba Chúc, bánh Kà Tum, bánh mì nghệ thuật… luôn kích thích vị giác khách tham quan.

Cùng với đó là những gian hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trưng bày các sản phẩm đặc trưng của huyện Tri Tôn, như: Mật thốt nốt Palmania (sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh An Giang), tinh dầu chúc, mật nho, rượu nho, rượu gạo, rượu đinh lăng, xoài Bến Bà Chi, chuối xuất khẩu… cùng các quầy hàng lưu niệm.

Trong số các món ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, bánh Kà Tum để lại ấn tượng đặc biệt với du khách bởi vẻ đẹp cầu kỳ bên ngoài và vị thơm ngon, ngọt, béo của nếp, dừa, đậu... bên trong. Những ngày tham gia chương trình ẩm thực “Hương vị đặc sắc Tri Tôn”, nghệ nhân Néang Phương, người gói bánh Kà Tum nổi tiếng ở xã Ô Lâm, mỗi ngày gói và mang hơn 200 chiếc bánh Kà Tum phục vụ du khách. Bà cùng những người phụ nữ Khmer ở xã Ô Lâm còn thực hiện những chùm vỏ bánh Kà Tum (không có nhân bên trong) để khách mua làm quà lưu niệm.

“Vỏ bánh Kà Tum phải sử dụng loại lá thốt nốt non, vừa dẻo, vừa mềm. Chiếc bánh Kà Tum có kích thước nhỏ, hơi vuông tròn và có hoa trên đầu, hình dáng gần giống như quả lựu. Món bánh này rất “kén” người làm bởi đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn thận hơn các loại bánh khác. Bù lại, du khách rất thích và đây cũng là niềm tự hào của ẩm thực Khmer” - nghệ nhân Néang Phương chia sẻ.

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5) năm nay, Tri Tôn trở thành một trong những địa chỉ tham quan, DL thú vị của người dân An Giang và vùng ĐBSCL. Với sự đầu tư bài bản, lâu dài, huyện Tri Tôn được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân lý tưởng trên “cung đường DL An Giang” (Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn - Long Xuyên).

“Trước đây, mỗi năm Tri Tôn đón chưa tới 500.000 khách. Nhờ đầu tư mạnh vào hạ tầng DL, kết nối giao thông và phát triển nhiều loại hình mới, năm 2022, Tri Tôn thu hút hơn 900.000 khách; riêng quý I/2023, đã thu hút 331.050 lượt khách đến tham quan DL, tăng gần 18% (59.550 lượt khách) so cùng kỳ 2022. Với tinh thần cầu thị và đổi mới, khuyến khích đầu tư vào DL, chúng tôi kỳ vọng số du khách sẽ ngày càng tăng lên” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét