22 thg 5, 2023

Làng Vĩnh An

Mái đình hoài cổ mang hồn cốt của làng Vĩnh An, là nơi mọi người tụ họp thành tâm cúng bái những bậc tiền nhân có công khai khẩn xóm làng...

Sáng cuối tuần, Trưởng thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) Nguyễn Văn Tây đón tôi tại ngôi đình làng. Trong mắt anh lấp lánh niềm vui. Giọng anh Tây chậm rãi kể về ngôi đình làng vừa được xây dựng lại trên nền đất xưa.

Nơi gắn kết dân làng

Chừng 300 năm trước, người dân nơi đây chung tay xây dựng ngôi đình thờ cúng những bậc tiền nhân có công khai khẩn xóm làng. Qua bao thăng trầm, đình bị hư hại nên chỉ còn nền đất cao hơn khu vực xung quanh. Dẫu vậy, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cư dân trong làng góp tiền cùng sản vật địa phương lo sửa soạn mâm cỗ và thành tâm cúng bái. Khói hương vờn bay trong gió xuân thổi qua xóm làng. Họ khấn nguyện, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà êm ấm, xóm làng yên vui.

Đình Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) vừa được xây dựng trên nền đất cũ. Ảnh: Trang Thy

Kháng chiến chống Mỹ, làng Vĩnh An là nơi giao tranh ác liệt. Bom đạn gây bao đau thương cho người dân quê chất phác. Những con người yêu tự do anh dũng đứng lên cầm súng đánh đuổi quân thù giày xéo quê hương. Giữa ta và địch đều tôn trọng luật lệ thấm đẫm nhân văn. Đó là khi bên nào có người tử trận thì khiêng đến đặt trên sân đình trước khi đưa về mai táng, bên kia không được gây khó dễ.


Bom đạn Mỹ bắn phá nhà cửa nát tan nhưng khu đất ở đình vẫn bình yên vô sự. Người dân trong làng dựng che để ép mía nấu đường thủ công trên sân đình. Đêm tối, 2 người đàn ông khỏe mạnh thay sức trâu, bò đẩy thanh gỗ lớn cho che quay tròn. Vài người ngồi đưa mía vào che để ép lấy nước. Lò đường thủ công bập bùng ánh lửa trong đêm. Những mẻ đường chín tỏa hương thơm ngào ngạt lan trong gió vờn quanh khắp làng. Họ làm việc và hát hố với những câu đối đáp dí dỏm đem đến tiếng cười sảng khoái, làm vơi đi mỏi mệt. Nhiều người dân trong làng cũng tụ họp chung nhau làm việc và hát. Cuộc vui tưởng chừng như vô tận.

Quê hương thanh bình, người làng cùng nhau mở hội bài chòi nơi sân đình vui xuân. Họ dựng những căn chòi thơm hương rơm vàng ươm vừa gặt từ đồng làng. Sau hồi trống chầu, âm thanh nhiều loại nhạc cụ ngân vang thúc giục mọi người vào cuộc vui. Giọng hát của anh hiệu (người hô thai) hòa cùng tiếng cười nói của bao người. Cạnh chòi, nam thanh nữ tú buông lời tán tỉnh và đong đưa ánh mắt trao tình, lòng rạo rực xuân tươi phơi phới. Trẻ thơ tung tăng khoe áo mới trong nắng xuân hanh vàng. Lời ca chợt ngừng khi tiếng mõ tre vang lên liên hồi báo hiệu có người thắng trong cuộc chơi với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Người thắng hân hoan nhận thưởng với lời hát chúc mừng của anh hiệu hòa cùng tràng vỗ tay vang dậy, khích lệ tinh thần người chơi. Mọi người tiếp tục mua thẻ bài và cuộc chơi kéo dài đến tận đêm khuya.

Dựng lại đình làng

Trong khuôn viên đình có 3 cây gạo khá cao lớn, với đường kính thân cỡ 2 người ôm. Theo nhiều bậc cao niên, những cây gạo này được trồng từ hàng trăm năm trước. Cây vẫn hiên ngang đứng vững sau bao nhiêu mưa gió dập vùi, bom rơi đạn nổ, bồi đắp thêm hồn cốt của làng và làm bâng khuâng cõi lòng những người con xa xứ. Mùa xuân, từng chùm hoa gạo nở đỏ rực như những đốm lửa giữa trời xanh. Hạ về, bầy chim dồng dộc cần mẫn đan tổ nối với cây lá phất phơ trước gió. Lũ chim bay lượn ríu rít hót ca như thả những thanh âm trong trẻo hòa cùng tiếng gió xào xạc nơi làng quê. "Lúc thấy chim dồng dộc làm tổ, lũ trẻ chúng tôi thích lắm nhưng không đứa nào dám bắt. Bởi vì nghe người lớn nói đình rất linh thiêng nên sợ bị quở phạt, chỉ dám bắt chim làm tổ trên cây bên ngoài về nuôi thôi", anh Tây nhớ lại.

Trưởng thôn Vĩnh An Nguyễn Văn Tây dâng hương trong đền thờ của đình Vĩnh An. Ảnh: Trang Thy

Xây dựng lại đình xưa là ước nguyện của nhân dân Vĩnh An và những người con xa quê. Bởi vậy, khi chính quyền xã Phổ Khánh cùng thôn Vĩnh An vận động, họ nhất tề ủng hộ đóng góp kinh phí xây dựng. Người dân nơi đây tuy nghèo nhưng giàu lòng yêu quê hương nên dù ít dù nhiều, ai cũng tham gia. Ở tuổi 63, bà Đặng Thị Sinh hăng hái đóng góp 500 nghìn đồng để xây dựng lại đình. Bà còn điện thoại vận động các con và người thân sinh sống phương xa gửi tiền về quê đóng góp. "Vào dịp Tết, tôi thường mua hoa quả mang tới cúng ở đình. Của ít lòng nhiều, chủ yếu là ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân khai khẩn xóm làng cho mình có được cuộc sống như ngày hôm nay", bà Sinh tâm sự.

"Trước giờ tôi luôn sống ở quê. Lúc còn nhỏ tôi học tại ngôi trường trên thửa đất đình làng nên có tình cảm sâu đậm lắm. Khi nghe thôn, xã vận động tôi liền đóng góp và điện thoại cho các con bảo góp thêm".

Anh NGUYỄN NGỌC ÂN, bộc bạch.

Một người con Vĩnh An hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh (xin được giấu tên) vì quá yêu quê mình nên đã vận động bạn bè ở những nơi khác góp sức xây dựng. Nghe anh kể chuyện quê nhà và ngôi đình làng hàng trăm năm tuổi đã bị hư hại trong nỗi xót xa. Nhiều người mở lòng đóng góp tiền của để xây đình thờ, nhà thờ Bác Hồ và Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng anh hùng liệt sĩ, nhà hội họp, tường rào, cổng ngõ... Sau nhiều lần xây dựng, nâng cấp và tặng quà cho gia đình chính sách cùng người nghèo với số tiền đã lên hơn 8 tỷ đồng. Bên trong đình, gian giữa thờ tượng Quan Thánh Đế Quân do một người con quê hương sinh sống phương xa hiến tặng. Hai bên tả hữu thờ tiền hiền và hậu hiền, những người có công khai khẩn, giúp dân ổn định cuộc sống trên vùng đất mới thuở xa xưa. "Tôi ở phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà. Vậy nên trong lòng luôn đau đáu khi chưa xây dựng được ngôi đình để thờ cúng tiền nhân. Nghe tôi ngỏ lời, anh em và bạn bè sẵn lòng đóng góp, hỗ trợ xây dựng. Thiệt mừng hết sức", người con làng Vĩnh An giàu lòng yêu quê hương tâm sự.

Bây giờ, đình làng khá khang trang, tọa lạc giữa vùng quê yên bình, nằm cách Quốc lộ 1 chừng vài trăm mét. Đường giao thông vào đình đã được bê tông phẳng lì nên rất thuật lợi cho việc thăm viếng. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của dân làng và những người con sinh sống phương xa trở về quê hương. Du khách có thể viếng thăm đình Vĩnh An sau khi đến bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường) rồi xuôi về phía nam để tham quan đầm An Khê và những điểm di tích gắn liền với nền Văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Đấy là hành trình đầy thú vị khi đến với những miền quê yên bình, gặp gỡ những người dân chân chất và giàu lòng hiếu khách.

TRANG THY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét