27 thg 5, 2023

Làng Sơn Đồng – Tinh hoa mỹ nghệ trăm năm tuổi

Làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với nghề đục, khắc tượng, làm đồ thờ truyền thống cùng với đó là kỹ thuật sơn son, thếp vàng tinh xảo được các khách hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Quang cảnh một xưởng chế tác tượng tại làng Sơn Đồng.

Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng từng bị mai một vào những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp, nhưng sau đó đã được các nghệ nhân Nguyễn Chí Dậu và Nguyễn Đức Cường khôi phục vào năm 1983. Cụ Nguyễn Chí Dậu, nghệ nhân từ thời thuộc Pháp đã quyết định khôi phục nghề truyền thống bằng việc đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài, cốt là để truyền nghề cho con cháu. Hơn 30 học trò ngày đó bây giờ đã trở thành những người thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, nghề truyền thống của làng cứ thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước.



Công đoạn thếp vàng cho sản phẩm.

Để bắt đầu làm ra một bức tượng thì việc chọn gỗ bao giờ cũng là quan trọng nhất. Nguyên liệu để làm tượng Phật phải là gỗ mít bởi đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, nhờ đó tránh được những lỗi trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Nguồn gỗ mít từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… được người dân Sơn Đồng tin dùng nhiều nhất. Gỗ chỉ dùng được phần lõi để chế tác. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công với nhiều công đoạn như sơn lên rồi mài đi, trải qua nhiều lần rồi mới đến thếp bạc, thếp vàng lên tượng theo yêu cầu của khách hàng. Làm tượng là khó nhất, người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn phải có thần, có dáng… Bên cạnh đó là những sản phẩm đồ thờ cúng sơn son, thết vàng cũng vô cùng tinh xảo và đẹp mắt qua bàn tay điêu luyện của người thợ làng Sơn Đồng.






Hiện nay, cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Dưới bàn tay tài hoa những người thợ làng nghề Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có độ tinh xảo cao đậm đà bản sắc dân tộc. Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài bên xưởng gỗ là tiếng thơm, không chỉ vang danh khắp mọi miền mà còn vang xa đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều đặc biệt ở Sơn Đồng là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Bên cạnh đó người Sơn Đồng còn tạc những pho tượng truyền thần dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng, từ đó tạc nên bức tượng chất liệu gỗ giống với ảnh chụp. Để làm được những điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.

Đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng còn lưu dấu ấn tại các công trình văn hóa của Hà Nội như: Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột... Nghề quý trong tay người thợ Sơn Đồng còn lan tỏa đi khắp vùng miền, góp phần phục dựng và bảo tồn rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. Trong những năm gần đây, nhiều lớp thanh niên của làng nghề Sơn Đồng đã đến với các thành phố lớn để mở xưởng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ của làng nghề. Qua đó giúp cho thương hiệu đồ thờ, tượng gỗ, sản phẩm mỹ nghệ của Sơn Đồng vốn đã nổi tiếng nay còn được nhiều người biết đến hơn.

Một gian hàng bày đồ sản phẩm tại làng Sơn Đồng.

Làng nghề Sơn Đồng giờ đây không chỉ là một làng nghề đơn thuần mà đã trở thành một biểu tượng, là nơi tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước và là nét đẹp về văn hóa của Thủ đô.

Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,...

Bài : Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét