3 thg 5, 2023

Nhà tù có phòng biệt giam kiểu nhà sàn ở Hòa Bình

Từng là điểm giam cầm và đàn áp, Nhà tù Hòa Bình trở thành nơi bồi dưỡng rèn luyện tinh thần kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản.

Di tích Nhà tù Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Minh Nguyễn

Những ngày cuối tháng 4.2023, phóng viên báo Lao Đông có dịp ghé thăm di tích Nhà tù Hòa Bình. Đã nhiều năm trôi qua, gian nhà tù duy nhất nay nằm gọn dưới những tán lá cây. Khuôn viên còn có một tấm bia lớn ghi rõ lịch sử hình thành và hoạt động của nhà tù.

Nhà tù Hòa Bình được xây dựng năm 1896 tại phố Đúng, thị xã Hòa Bình, nay thuộc phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình. Trên diện tích mặt bằng khoảng 1.500m2, nhà tù này ban đầu là nơi giam giữ các tội phạm hình sự như giết người, cướp của, trộm cắp.

Nhà tù Hòa Bình đã trở thành nhà tù chính trị của thực dân Pháp.

Đầu năm 1940, dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lên cao. Thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở khắp mọi nơi, bắt rất nhiều cán bộ quần chúng cách mạng.

Đến tháng 3.1943, thực dân Pháp chuyển hơn 200 tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm từ các nhà tù về giam giữ tại Nhà tù Hoà Bình. Từ đó, thực dân Pháp biến nơi đây thành nơi giam giữ tù chính trị.

Biết thông tin đó, Chi bộ nhà tù Sơn La quyết định tách chi bộ làm 2 và cử đồng chí Lê Đức Thọ là Bí thư Chi bộ Nhà tù Hòa Bình. Chi bộ nhanh chóng đi vào hoạt động, tích cực tuyên truyền phát triển lực lượng cách mạng trong và ngoài nhà tù.

Không những thế, Chi bộ Nhà tù Hòa Bình còn ra một tờ báo viết tay lấy tên là báo "Bình Minh”. Mỗi tháng một kỳ nhằm nâng cao hoạt động tuyên truyền cách mạng đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chi bộ nhà tù với sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng cách mạng tỉnh đã tổ chức thành công kế hoạch vượt ngục cho 5 cán bộ cốt cán của Đảng. Sau đó, nhiều cuộc đấu tranh ở khu vực thị xã, trong Nhà tù Hòa Bình liên tiếp nổ ra và giành thắng lợi lớn.

Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp tháng 3.1945, Chi bộ nhà tù Hòa Bình tổ chức thành công cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chỉ trong vòng một tuần, phần lớn tù chính trị được thả tự do và trở về liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Nhiều chiến sĩ cộng sản bị giam cầm tại nhà tù sau này đã trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong đó có các đồng chí Lê Đức Thọ, Vũ Dương, Bình Huấn, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch.

Trong phòng giam đặc biệt, có thiết kế có 2 sàn, tương tự như nhà sàn của người Mường. Vào phòng giam, hơi lạnh từ nền xi măng và 4 bức tường khiến những vị khách cảm thấy sự lạnh lẽo, khổ cực mà hàng trăm chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm và đàn áp tại đây phải gánh chịu.

Phòng giam có thiết kế tương tự như nhà sàn ở Hòa Bình.

Ông Nguyễn Thái Hòa - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin TP Hòa Bình cho biết: "Nhà tù Hòa Bình là nơi lưu giữ ý nghĩa về lịch sử cách mạng nên có nhiều đơn vị đến tham quan và học tập".

Cũng theo ông Hòa, thời gian tới, để phát triển và thu hút du khách đến với di tích, đơn vị sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý và vận hàng của các di tích nhà tù khác, đồng thời đầu tư khu trưng bày hiện vật, xây dựng tượng sáp tái hiện chân thực các hoạt động của nhà tù trong thời kỳ chống Pháp.

Tấm bia đá ghi lại hoạt động của nhà tù.

Năm 2000, di tích Nhà tù Hòa Bình đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà tù là di chứng công cụ đàn áp, nói lên tội ác của thực dân Pháp, là nơi giam giữ, tra tấn các chiến sĩ Cách mạng.

Minh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét