8 thg 5, 2023

Độc đáo ngôi nhà được xây từ 300 vỏ bom, đạn ở Quảng Trị

Chiến tranh đã khiến ông Chức mất 6 anh chị em. Nỗi đau ấy trong ông chưa bao giờ nguôi. Hai mươi năm qua, ông đi sưu tầm kỉ vật chiến tranh để dựng nên ngôi nhà bằng vỏ bom gần nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

Dịp lễ 30/4 năm nay, du khách đến Quảng Trị có thể ghé thăm một điểm đến khá đặc biệt, đó là ngôi nhà làm bằng vỏ bom mang tên “Ký ức Trường Sơn” nằm trên đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh). 

Ngôi nhà 3 gian làm bằng vỏ bom – "Ký ức Trường Sơn" của ông Trần Công Chức thu hút đông đảo người dân đến tham quan vào dịp 30/4.

Chủ nhân của ngôi nhà độc lạ này là ông Trần Công Chức (SN 1969, trú tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh).

Ông Chức cho biết, bản thân ông sinh ra trong một gia đình gánh chịu nhiều mất mát của chiến tranh. Năm 1967, gia đình ông đã mất đi 6 người. 

18 cái cột với 70 vỏ bom to, nhỏ làm thành khung cột của ngôi nhà độc đáo

Ông Trần Công Chức đang sắp xếp lại các kỉ vật để trưng bày trong ngôi nhà.

“Từ những mất mát, đau thương đó, khi còn nhỏ tôi đã ấp ủ ước mơ xây một bảo tàng trưng bày các kỉ vật chiến tranh để các cựu binh có thể đến tham quan, ôn lại về thời quá khứ gian khổ mà hào hùng. Và tôi cũng mong muốn đây là điểm đến của các thế hệ trẻ để tìm hiểu về sự mất mát, khốc liệt của chiến tranh của các cha ông đi trước”, ông Chức tâm sự.

Nói là làm, hơn 20 năm qua, ông Chức đã lặn lội khắp nơi sưu tầm khoảng 1.000 kỉ vật chiến tranh về để quanh vườn và trưng bày khắp ngôi nhà của mình. 

Nhiều cựu chiến binh ghé thăm bảo tàng kỉ vật chiến tranh

Đến thăm ngôi nhà làm bằng vỏ bom, các cựu binh như sống lại thời quá khứ hào hùng của mình

Đến đầu năm 2023, ông Chức bắt tay vào xây dựng ngôi nhà bằng vỏ bom. Đến nay, công trình ngôi nhà xây dựng bằng vỏ bom mới hoàn thiện khoảng 60%.

Ông Chức chia sẻ, gần 300 vỏ bom được ông sử dụng trong công trình này. Trong đó, khoảng 70 vỏ bom với nhiều kích cỡ được dùng để làm thành 18 cột nhà kiên cố của ngôi nhà 3 gian.

Hàng ngày "ngôi nhà bom" tiếp đón hàng chục người đến tham quan

Cựu bộ đội Trường Sơn Nguyễn Văn Diên (SN 1949) xúc động khi thấy những kỉ vật vô giá thời chiến trưng bày tại đây

Số vỏ bom còn lại được ông trưng bày quanh ngôi nhà và dự kiến, sắp tới ông sẽ làm hàng rào xung quanh ngôi nhà bằng vỏ bom. Sau khi ngôi nhà hoàn thiện, ông sẽ đưa toàn bộ gia tài kỉ vật vô giá mà ông đã dày công thu thập hơn 20 năm qua vào trưng bày.

Nhiều người đến tham quan ngôi nhà đều trầm trồ khi nhận thấy toàn bộ các cột của ngôi nhà được làm từ vỏ bom được hàn cố định lại với nhau tạo thành các cột to, nhỏ của ngôi nhà. Ở dưới là các vỏ bom tấn, tạ. Càng lên cao, kích thước vỏ bom càng nhỏ dần. Phía trên, mái nhà được lợp bằng lá cọ vừa mộc mạc vừa mát mẻ.


Người dân tò mò ghé thăm ngôi nhà vỏ bom trên đường Hồ Chí Minh lịch sử

Xung quanh nhà bom có nhiều bếp cơm không khói Hoàng Cầm, có suối nhân tạo thoai thoải chảy từ trên triền núi xuống và các hố bom y như thời chiến. Quanh ngôi nhà bom còn có 5 cây đoác được trồng để lấy rượu và nhiều cây cọ tỏa bóng mát.

Trong ngôi nhà này sẽ trưng bày gần 1.000 hiện vật chiến tranh được ông Chức sưu tầm hơn 20 năm qua

Dự kiến, ngôi nhà bom sẽ được khánh thành và hoàn thiện vào dịp 27/7 sắp tới để phục vụ du khách tham quan. Chủ nhân của ngôi nhà tiết lộ, kinh phí để hoàn thiện ngôi nhà này vào khoảng gần 3 tỷ đồng.

Khi đến tham quan ngôi nhà làm bằng vỏ bom, được nhìn thấy nhiều kỉ vật quý từ thời chiến, cựu binh Nguyễn Văn Diên (SN 1949) và vợ là bà Phạm Hồng Thắng (SN 1954, cựu dân quân du kích) đã không giấu nổi xúc động và dành nhiều lời khen cho ngôi nhà "Ký ức Trường Sơn" của ông Chức.

Vừa đi thăm quan kỉ vật, các cựu binh vừa trò chuyện, ôn lại kỉ niệm cùng đồng đội

Bếp cơm không khói Hoàng Cầm trong khuôn viên ngôi nhà bằng vỏ bom

Bà Thắng chia sẻ: “Ông nhà tôi có hơn 32 năm tham gia chiến đấu. Hôm nay, sau khi thắp hương cho đồng đội thì ghé qua tìm hiểu về ngôi nhà kỉ vật này, trong lòng chúng tôi thấy rất bồi hồi, xúc động. Chúng tôi càng thấy nhớ và thương đồng đội của mình nhiều hơn.”

Hương Lài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét