10 thg 3, 2023

Chuyện về mộ ba ông Tướng họ Lý dưới chân núi Tùng

Theo thần tích về tiểu sử, sự nghiệp của ba ông tướng họ Lý cho biết: Ở thôn Bồ Điền, huyện Thuần Lộc, phủ Hà Trung có gia đình lớn họ Lý (chồng tên Phục, vợ tên Đào Thị Vĩ) là cặp vợ chồng có hiểu biết, hiếu đễ giữ nếp nhà nhưng mãi đến 40 tuổi mà hai vợ chồng vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, hai vợ chồng nhặt được một bé trai mang về nuôi, đặt tên Công Thành. Hai vợ chồng càng chăm làm điều thiện, tu nhân tích đức, sau một thời gian mang thai, đến ngày 17 tháng 8 năm Bính Ngọ, người vợ sinh đôi đều là con trai, tướng mạo khác thường. Ông bà đặt tên người anh là Công Mỹ, người em là Công Hoằng.

Nhân dân và du khách đến dâng hương tại Khu mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Từ năm 14 tuổi trở đi, hai anh em chăm chỉ luyện tập võ nghệ, đam mê đọc sách. Đến năm 21 tuổi, hai anh em đã nổi tiếng trong vùng là người văn võ toàn tài. Mọi người trong vùng đều cho hai ông là hào kiệt trong đời, là Thiên thánh giáng trần. Đúng dịp đó, nghe tin Triệu Trinh Nương là nữ anh hùng trí lược hơn người, ra hịch khởi nghĩa chiêu mộ tướng sĩ đánh giặc Ngô xâm lược, hai anh em Lý Công Mỹ, Lý Công Hoằng và người con nuôi Lý Công Thành đều muốn tham gia khởi nghĩa. Ba anh em thưa với song thân “Nay chúng con làm người là nhờ vào sự nghiệp tạo dựng công danh của các bậc hiền tài xưa. Nếu chúng con không làm được như thế, thì thà ra chiến trường chiến đấu, khi chết lấy da ngựa bọc thây mà trở về”.

Được song thân đồng thuận, ba anh em đã thu thập vài chục người làm cho gia thần thủ túc cùng đến đồn của Triệu Trinh Nương. Khi Triệu Trinh Nương trông thấy binh ngũ nghiêm trang, vũ khí, áp giáp tinh nhuệ thì lấy làm vui mừng lắm. Khi ra trận, Triệu Trinh Nương cưỡi voi trắng, tay cầm cờ chiến cùng với ba anh em họ Lý tiến đánh quân thù. Mới trận đầu đã khiến quân giặc chết hơn một nửa, nên phải rút quân. Sau đó, Triệu Trinh Nương cùng ba ông tướng họ Lý đưa quân trở về trang ấp của ba ông (tức trang Bồ Điền), chọn đất trong vùng, chia làm 7 khu, lập 7 đồn sở và đưa toàn bộ đại quân đến đây đồn trú. Khi Lục Dân đem đại quân tiến đánh vùng Bồ Điền, trong vòng nhiều tháng, đã diễn ra hơn 30 trận chiến lớn nhỏ. Sau đó, do chênh lệch lực lượng, nghĩa quân gặp nhiều tổn thất, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh vào ngày 22 tháng 2 âm lịch Mậu Thìn 248. Sau khi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của chủ tướng, ba ông bàn nhau cùng hy sinh để tránh rơi vào tay giặc, cả ba ông hóa cùng ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Mậu Thìn 248. Tương truyền, ba ngôi mộ dưới chân núi Tùng được mối bao thành khu mộ thiêng (hiện tượng mộ kết trong dân gian). Mỗi khi có việc cần phải cầu đảo rất linh ứng, cả ba ông tướng luôn hiển linh phù hộ, bảo vệ Nhân dân và giúp các vương triều phong kiến chống lại giặc ngoại xâm, tiêu trừ tai ương, ngăn ngừa dịch bệnh.

... Đến thăm khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu dịp này, cùng với việc tham quan, vãn cảnh và hòa mình vào không khí lễ hội, lớp lớp du khách thập phương còn được trải nghiệm không gian linh thiêng, thắp nén hương thơm, bày tỏ lòng ngưỡng vọng đối với các bậc tiền nhân đã có công giữ gìn bờ cõi. Ở khu vực Trung Đường tại đền Bà Triệu dưới chân núi Gai có bức đại tự treo cao khắc ghi: “Thánh cung vạn tuế” nghĩa là: “Cúi đầu lạy đức thánh muôn tuổi”. Ở trên cao nhất là bàn thờ Bà Triệu, phía dưới là thờ Triệu Quốc Đạt và thờ 3 vị tướng họ Lý (Lý Công Thành, Lý Công Hoằng, Lý Công Mỹ), 2 bên là hội đồng quan văn và quan võ. Tại trung đường có bức phù điêu bằng gỗ mô phỏng hình ảnh Bà Triệu khi xuất quân ra trận. Bà thường mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà và cưỡi voi trắng một ngà.

Cách đền Bà Triệu khoảng 500 m về phía Tây, là khu mộ ba ông tướng họ Lý tại núi Tùng. Dừng chân tại khuôn viên khu mộ, du khách sẽ cảm nhận rõ không gian linh thiêng, trầm mặc. Những ngày tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của Vua Bà, đông đảo Nhân dân và du khách đến dâng hương tại đây không thể không đến thắp hương khu mộ ba ông tướng họ Lý bên những hàng cây xà cừ cổ thụ rợp bóng.

Thành tâm sắp lễ, thắp nén hương thơm lên khu mộ ba ông tướng họ Lý, bà Trịnh Thị Thái, năm nay 65 tuổi, người làng Phú Điền cho biết, năm nào vào dịp giỗ Vua Bà, không chỉ riêng bà mà người dân trong làng, trong xã đều dành thời gian, thành tâm thắp nén hương thơm, ghi nhớ công ơn Vua Bà cùng các nghĩa quân trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Còn bà Nguyễn Thị Kẹo, năm nay đã 70 tuổi, người làng Sơn Thượng lại tình nguyện trông coi, hương khói hàng ngày tại khu mộ ba ông tướng họ Lý. Khi biết du khách đến thăm, dâng hương tại khu mộ, bà Kẹo nhiệt tình giúp đỡ, sửa soạn đồ lễ và giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ba ông tướng họ Lý gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu mà bà được các cụ cao niên trong vùng kể lại.

Khu mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, cổng mộ được cấu trúc theo kiểu tứ trụ bằng đá xanh nguyên khối, lồng đèn chạm nổi hình tứ linh, đỉnh cột gắn tượng chim phượng lật và nghê chầu. Mộ ba ông tướng họ Lý được phân bố thành một hàng ngang. Ngôi mộ giữa nằm trên trục thần đạo, được thiết kế kiểu đế mộ hình vuông, giật cấp gồm 3 bậc, đỉnh mộ hình tròn. Ngôi mộ này được đặt về phía trước và cao hơn so với hai mộ bên. Hai mộ bên tả - hữu cũng có cấu trúc đế mộ hình vuông, giật 3 cấp, đỉnh mộ tròn và có kích thước bằng nhau. Ở phía trước ngôi mộ giữa nằm trên trục thần đạo, đặt một bàn thờ đá hình chữ nhật dùng để đặt đồ lễ. Phía sau là nhà bia vuông bốn mặt, trên mái dán ngói mũi. Phía trong là “Kỷ niệm bia chí”, tấm bia được dựng năm 1928, có nội dung ca ngợi công đức của Bà Triệu. Phía trước cổng hai trục thần đạo, đặt hai tượng voi chầu bằng đá. Khuôn viên hệ thống cây xanh cổ thụ rợp mát, có đôi voi chầu. Cùng nằm trong hệ thống cảnh quan, gắn liền với lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, khu mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng đã tạo nên không gian linh thiêng, đẹp và tĩnh lặng. Cụm di tích lăng mộ Bà Triệu và mộ ba ông tướng họ Lý là điểm đến không thể bỏ qua của Nhân dân, du khách đến dâng hương, chiêm bái, tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các vị thần linh ở vùng đất Bồ Điền xưa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

*Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn "Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu" của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa năm 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét