4 thg 3, 2023

5 đặc sản nức tiếng ở Lạng Sơn

Vùng núi cao xứ Lạng nổi tiếng với những món ăn độc đáo khiến bất kì dù khách nào khi đến đây cũng muốn thử.

Khâu nhục

Lạng Sơn phần lớn là dân tộc Tày, Nùng sinh sống nên món ăn truyền thống này của họ trở nên rất phổ biến. Khâu nhục có nghĩa là món thịt được nấu nhừ. Thịt để làm khâu nhục là thịt lợn đen, được ướp kĩ càng, chế biến cầu kì. Thịt đem chiên giòn và cắt thành miếng rồi ướp gia vị. Sau đó, xếp thịt vào bát sao cho phần da ở phía dưới đáy rồi đem kho trong 4 - 6 tiếng đến khi mềm rục. Khâu nhục có màu đỏ nâu óng ánh, thơm mùi tiêu, hồi... khi ăn thì có vị béo ngậy, đậm đà, mềm tan trong miệng, có thể ăn cùng cơm hoặc xôi cẩm.

Khâu nhục có cách chế biến cầu kì. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn.

Xôi cẩm

Nguyên liệu để làm xôi cẩm là lá cẩm giã nát trộn với tro nếp, rồi đổ nước vào lọc bỏ bã, sau đó cho gạo nếp vào ngâm khoảng 6 tiếng. Lúc này, gạo sẽ chuyển thành màu đậu biếc vô cùng đẹp mắt. Sau đó, bỏ gạo vào chõ và đồ trong khoảng gần 1 tiếng. Xôi chín sẽ giữ nguyên màu xanh đậu biếc, thơm lừng mùi nếp, dẻo ngon từng hạt. Xôi cẩm được ăn cùng muối lạc, thịt gà hoặc khâu nhục. Bằng cách tạo màu khác biệt, xôi cẩm được rất nhiều du khách yêu thích, thậm chí học hỏi bí quyết nấu xôi này của người địa phương.

Xôi cẩm thơm, có màu sắc bắt mắt. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen được làm từ gạo nếp nữa của bà con dân tộc ở Lạng Sơn, là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết của người dân ở đây. Sở dĩ gọi là bánh chưng đen vì gạo nếp được ngâm với nước tro rơm nếp, tạo thành màu đen, mang hương vị thơm ngon lạ miệng. Nhân bánh là đỗ xanh, thịt lợn đen, thảo quả, tất cả được gói lại bằng lá dong tẻ, thành hình tròn dài như bánh tét của người miền Nam. Thông thường, bánh được đem luộc chín hoặc du khách có thể lựa chọn thưởng thức bánh chưng đen nướng. 

Bánh chưng đen dẻo, có nhân đậm đà, thơm mùi thảo quả. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn.

Bánh bí đỏ

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột nếp và bí đỏ. Bí đỏ nạo vỏ, hấp chín, nghiền nát rồi trộn với bột nếp, nhào thật lâu để cho bột dẻo. Sau đó lấy một nắm vừa tay, gói lại bằng lá dong hoặc lá chuối rồi đem hấp chín. Ngoài ra, tùy mỗi nơi bánh có thể được thêm nhân đậu xanh hoặc nhân thịt. Bánh bí đỏ Lạng Sơn không chỉ hấp dẫn với vẻ ngoài vàng rộm bắt mắt mà còn rất thơm ngon với vị ngọt mát của bí đỏ, vị bùi béo của đậu xanh.

Bánh bí đỏ vàng ruộm, nóng hổi hương vị núi cao xứ Lạng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn.

Ốc đá

Ốc đá chỉ có trên núi, vào mùa mưa, từ khoảng tháng 4 đến tháng 8. Ốc ăn lá cây, rêu hay thảo dược, nên ốc đá rất thơm và giàu dinh dưỡng. Ốc đá có hình dạng như ốc bươu nhưng mình dẹt hơn, to, vỏ bóng, có sọc màu nâu nhạt đến đậm. Ốc đá có thể chế biến thành nhiều món ăn như hấp gừng sả, xào lá lốt, xào măng, nấu canh... nhưng hấp gừng sả vẫn là món được du khách và người bản địa ưa thích nhất. Thịt ốc dày, giòn dai, có hương vị đặc trưng, lại giàu dinh dưỡng chấm với nước mắm ớt gừng, khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa.

Ốc đá ăn cả thảo mộc nên có hương vị rất riêng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn.

Vân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét