24 thg 3, 2023

“Bông ô môi rơi đầy trước ngõ…”

Chẳng biết tự bao giờ, cây ô môi gần gũi với dân quê và trở thành ký ức của đám con nít chân đất, đầu trần. Đi qua thời gian, ô môi vẫn còn đâu đó giữa cuộc sống hối hả, như níu giữ một chút hồn quê nhẹ nhàng, bình dị mà sâu lắng.

Mùa ô môi ký ức

Những ngày giữa tháng 3, trời chuyển dần vào hạ. Cái nóng gay gắt của mặt trời nên mọi thứ co mình lại. Duy chỉ có ô môi lại chọn thời điểm khắc nghiệt nhất của thiên nhiên làm mùa đẹp nhất cho mình. Loài cây ấy, quanh năm lặng lẽ, bỗng chốc trơ trụi lá, rồi nhú ra hàng trăm, hàng ngàn chùm bông hồng tươi rực rỡ.

Mùa thả diều cũng đúng thời điểm ô môi nở rộ. Đám con nít cứ chiều chiều chân không ra ruộng, thơ thẩn dưới gốc ô môi chỉ còn bông với trái. Cánh diều từ ấy bay lên, lẫn trong cái mùi hăng hăng của rơm rạ tháng 3. Bóng ô môi trải dài trên chân ruộng, hòa lẫn trong những cánh diều sôi nổi. Diều căng gió, bay lượn như chở những ước mơ. Đám con trai lúc ấy rỗi việc, sực nhớ tới tán ô môi đầy bông. Chẳng ai rủ ai, cùng trèo lên bẻ cả nhánh cây dài hàng mét. Có lẽ ô môi “hào phóng”, nên chẳng ảnh hưởng gì đến sự sống của cây.

Bông ô môi bẻ xuống mang cho mấy cô bạn gái. Những ánh mắt ngây thơ chìm đắm trong sắc hồng dân dã. Những nụ cười hồng tươi, non trong như cánh hoa ô môi đầu mùa. Con nít hồi ấy nào biết đến điện thoại thông minh, chỉ quanh quẩn với những thứ sẵn có ở quê. Bông ô môi giắt lên mái nhà chòi liu xiu cất bằng cây sậy, cũng trở thành đèn hoa. Nền nhà chòi lót bằng manh bao, để từ đó nhìn ra cánh đồng thênh thênh diều lượn, với những gốc rạ chơ vơ trong ánh nắng chiều.


Trong các loài cây hoang dại, hiếm có loại nào hữu dụng với đám con nít như ô môi. Bông ô môi dùng để trang trí nhà chòi, trái ô môi có thể ăn được. Ngặt nỗi, muốn ăn phải tốn công bẻ xuống rồi dùng dao rựa rọc 2 bên thân trái. Gọi là trái ô môi, nhưng nó cứng chẳng kém nhánh cây bao nhiêu. Đứa nào háu ăn, nhai ẩu thì chảy máu răng như chơi. Thịt trái ô môi thơm nhè nhẹ, ngòn ngọt vị phù sa. Nếu chịu khó ngồi nhai cũng là món ngon dân dã. Cách đây chừng 20 năm, có được trái ô môi ngồi ăn những lúc thả diều đã là “sang” lắm, vì quà bánh thời đó rất xa xỉ với đám trẻ quê.

Sa mưa xuống, bông ô môi cũng dần nhạt màu trên những tán cây già cỗi. Những tán lá non phủ kín cành gầy trơ xương sau những ngày nắng gắt. Lúc ấy, ô môi tràn đầy sức sống, tỏa bóng mát xuống bến nước ven sông, hay làm nơi tránh nắng cho nông dân ra ruộng. Cứ thế, mùa bông ô môi đến rồi đi theo sự lớn lên của bao thế hệ dân quê. Chúng trở thành một phần ký ức của những ai đã gắn bó tuổi thơ bên những cánh đồng nắng cháy.

Ô môi ra phố

Đã có một thời, cây ô môi lui về tận chốn đồng xa, khi con người không còn cần đến chúng. Lúc ấy, muốn thấy bông ô môi nở, phải lặn lội đến những nơi mà sự hối hả của cuộc sống hiện đại chưa về đến. Dọc theo những con đường ở vùng biên giới Tịnh Biên, thi thoảng vẫn thấy ô môi rực hồng bên bến sông yên ả. Đã có lần, tôi ngồi với anh bạn dưới gốc ô môi cằn cỗi dấu thời gian bên bờ kênh Vĩnh Tế.

Bạn chia sẻ: “Hồi tui còn nhỏ thì cây ô môi này đã cao lớn lắm rồi. Mấy tháng nước lên, trèo lên cây rồi nhảy ùm xuống là chuyện thường. Mùa bông qua rồi mùa trái tới, tui cũng leo lên hái xuống ăn chơi. Giờ đi kiếm chắc cũng hiếm khi thấy cây ô môi lớn tuổi cỡ này”.

Thế nhưng, đã có những nơi ô môi ra phố vì vẻ đẹp rực rỡ, mộng mơ của nó. Người ta xếp ô môi thành cây đô thị, với những hàng dài thẳng tắp. Cứ mỗi dịp đi ngang, không ít người phải tặc lưỡi, ngắm nhìn con đường ô môi đẹp nhẹ nhàng, bình dị và cuốn hút. Với những người đam mê chụp ảnh, những hàng ô môi sẽ mang đến khoảnh khắc tuyệt vời về “hoa đào miền Nam”. Cảm giác nhìn những cánh ô môi chi chít trên cành, rồi theo gió rơi lả tả xuống ven đường khiến những người mơ mộng cảm thấy bâng khuâng.

Với tôi, bông ô môi vẫn là nơi đi về giữa ký ức và hiện tại. Theo những chuyến đi xuôi ngược, đã nhiều lần tôi bắt gặp những tán ô môi như thắp lửa giữa đồng xa. Có khi, ô môi vẫn hiện hữu cạnh cuộc sống con người và trái được bày bán ven đường. Họ bó thành từng bó lớn, hoặc bán lẻ theo nhu cầu người mua. Khá nhiều người mua đem về thưởng thức. Có lẽ, họ cũng lớn lên trong cái thời ô môi là quà vặt của thiên nhiên, nên cũng thèm cái vị ngọt bình dân đó.

Hiện nay, ô môi đã xuất hiện trong hoạt động trồng cây của nhiều ngành, nhiều địa phương. Có thể trong tương lai, loài cây dân dã này sẽ quay lại trong ánh mắt của mọi người, với những mùa hoa rực rỡ. Khi đó, người ta sẽ có dịp tìm lại ký ức của mình trong những cánh bông ô môi lả tả rơi theo gió.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét