9 thg 5, 2022

Về Cần Giuộc, nhớ người nông dân nghĩa sĩ

Cần Giuộc là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước. Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tinh thần bất khuất, sự hy sinh anh dũng của 27 nghĩa quân (có tài liệu ghi 15 người) trong trận công đồn Tây Dương đêm 16/12/1861 đã hun đúc tinh thần yêu nước của quân và dân Cần Giuộc. Đây là “chất liệu sống” để nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết nên áng văn bất hủ - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Trận đánh đưa người nông dân vào văn học

Trở về với những năm tháng bi hùng trong phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi thành Gia Định và sau đó đại đồn Chí Hòa cũng thất thủ (tháng 02/1861), Pháp thừa thắng đánh lan ra và chiếm một số vùng xung quanh. Ở Long An, một mặt trận chống giặc hình thành rộng khắp từ Bến Lức qua Cần Đước, Cần Giuộc đến Tân An,... do các thủ lĩnh nghĩa quân: Nguyễn Trung Trực, Bùi Quang Diệu, Phạm Tiến, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị,... chỉ huy dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được đặt cạnh trục đường Quốc lộ 50

Chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc lúc bấy giờ là Bùi Quang Diệu. Một tuần sau khi ngọn “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhấn chìm tàu Pháp trên dòng Nhựt Tảo vào ngày 10/12/1861 làm bừng lên khí thế đánh giặc khắp Gia Định. Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16/12/1861), Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính mã tà, ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn.

Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh trong trận đánh này theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang.

Vượt lên trên tính chất của một bài văn tế thông thường, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành một tác phẩm văn học, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam bộ, khích lệ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân ta trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược lúc bấy giờ. Từ trận đánh lịch sử, hình ảnh người nông dân lần đầu tiên đi vào văn học Việt Nam như người anh hùng qua áng văn bất hủ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen. Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Hình ảnh nghĩa quân nông dân được tái hiện bên trong tượng đài

“Nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã trở thành tượng đài bi tráng, tiêu biểu cho lòng yêu nước, sự hy sinh và khí phách anh hùng của nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhân dân Long An, đó là sự khởi đầu oanh liệt của truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, là niềm tin, động lực trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Vùng đất anh hùng “thay áo mới”

Từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giờ đây, nhịp sống đang bắt đầu trở lại với người dân thị trấn Cần Giuộc. Giữa dòng người tấp nập qua lại trên Quốc lộ 50, Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc vẫn sừng sững, hiên ngang như nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước nồng nàn, về sự chiến đấu hy sinh của người nông dân.

Theo quyền Bí thư Đoàn thị trấn Cần Giuộc - Phạm Nguyễn Minh Mẫn, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, tuổi trẻ thị trấn tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên, thanh niên. Trong đó, Đoàn Thanh niên tổ chức những chuyến du khảo Về nguồn, tham quan, dâng hương, dọn vệ sinh tại các di tích, địa chỉ đỏ, trong đó có tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, trao học bổng,… tại Công viên Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Từ đó, giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Ngày nay, thị trấn Cần Giuộc được khoác lên mình "chiếc áo mới". Kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Sau khi sáp nhập và điều chỉnh địa giới hành chính, thị trấn Cần Giuộc có diện tích tự nhiên 21,05 km² với hơn 60.000 dân; giáp ranh TP.HCM, có khu công nghiệp, thu hút đông công nhân, lao động.

Kết cấu hạ tầng đô thị được các cấp, các ngành đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình thiết yếu như hệ thống giao thông, chiếu sáng, giáo dục, y tế, thông tin, văn hóa - thể thao và các công trình phúc lợi khác. Thời gian qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn thị trấn được cải tạo, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất như đường Nguyễn An Ninh, Long Phú, Trường Bình - Phước Lâm,… Hệ thống cây xanh trên địa bàn thị trấn cũng thường xuyên được chăm sóc, hầu hết tuyến đường đều có hệ thống cống thoát nước. Chất lượng nước phục vụ sinh hoạt ngày càng được quan tâm nâng chất.

Tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên tại Công viên Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc (Ảnh tư liệu)

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc - Lê Thị Mộng Cầm cho biết: Địa phương được Bộ Xây dựng công nhận đạt đô thị loại IV vào ngày 27/4/2015, hiện tiếp tục nâng chất các tiêu chí. Đến nay, 100% đường trong hẻm được bêtông hóa, trải đá xanh và có điện chiếu sáng. Thông qua mô hình ánh sáng - an ninh - đô thị, địa phương cũng phát động người dân chỉnh trang, lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở các hẻm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Đồng thời, các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn được lát gạch vỉa hè, góp phần tăng vẻ mỹ quan, kiến trúc đô thị.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm, thực hiện bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ vay vốn, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, chống tái nghèo và giảm nghèo một cách bền vững. Đến nay, thị trấn còn 58 hộ nghèo, chiếm 0,62%.

Qua giai đoạn gian khó, vùng đất anh hùng ngày trước đang chuyển mình đổi mới. Tiếp nối truyền thống hào hùng, huyện Cần Giuộc tiếp tục phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Thanh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét