4 thg 5, 2022

Cung leo núi hiểm trở nhất Tây Bắc

Đường đến Nam Kang Ho Tao đầy thách thức với dân leo núi bởi nhiều dốc cao gắt, suối lớn chảy xiết và các vách đá dựng đứng.


Đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881 m thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đỉnh thuộc tiểu khu 303 A, núi Hoàng Tha Thầu ở thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa. Đây là một trong những điểm đến mơ ước của các phượt thủ ưa mạo hiểm vì độ khó và vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.

Từ năm 2017 Nam Kang Ho Tao được dân phượt biết tới và ngay lập tức vượt Pusilung để trở thành ngọn núi khó chinh phục nhất Tây Bắc vì quãng đường dài, nhiều vách đá dựng đứng và suối lớn dữ dằn.


Vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi theo chân các chuyên gia và kiểm lâm của vườn quốc gia đi khảo sát đỉnh Nam Kang Ho Tao để đánh giá tiềm năng và đưa vào khai thác cung leo một cách chính thức và an toàn cho du khách.

Chuyến khảo sát kéo dài 3 ngày 2 đêm, đi và về theo hướng xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với tổng chiều dài 32 km. Trước đó, những du khách chinh phục Nam Kang Ho Tao thường leo tự phát. Người leo núi thường theo hướng qua bản Thào A, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu rồi về đường cũ (50 km) hoặc đi hướng Lai Châu và về đường Tả Van (44 km).


Khởi hành từ Sa Pa, chúng tôi đi ôtô khoảng 30 km nhưng tốn 2 tiếng để đến xã Bản Hồ do trời mù sương, đường đi nhỏ và xấu. Sau khi gặp gỡ những người gùi đồ địa phương (porter), đoàn bắt đầu hành trình chinh phục Nam Kang Ho Tao lúc 8h30, muộn hơn kế hoạch 2 tiếng.

Đường từ Bản Hồ lên trên con suối Đá khá dài, khoảng 4 km có dốc thoai thoải qua nhiều khu vực sinh sống của người dân và rừng thưa. Chỉ có một đoạn đi vất vả là dốc dựng đứng phía trên gần con suối Đá.

Cây pơ mu 300 tuổi trên đường leo Nam Kang Ho Tao. Ảnh: Dũng Khuất


Sau gần 3 tiếng vừa leo vừa nghỉ, chúng tôi đến suối Đá - con suối lớn bậc nhất ở Tây Bắc. Lòng suối rộng, nước chảy xiết. Đoàn được các cán bộ viên kiểm lâm và porter hướng dẫn vượt suối bằng cách đi giày mau khô và lội nước, không đi chân trần vì rất dễ ngã trên các phiến đá trơn trượt.

Sau đó, chúng tôi đi tiếp khoảng một tiếng nữa đến lán nhỏ được người dân dựng lên cạnh suối và nghỉ ăn trưa. Thực đơn gồm xôi, bánh chưng đen của người Thái, ăn cùng với giò lụa và tráng miệng dưa hấu.

Các con dốc dài và dựng đứng cùng các vách đá hiểm trở là thử thách cho người leo núi.

Sau khi nghỉ ăn trưa, đoàn đi tiếp từ 13h30, qua hai thác to trong đó có thác Bay để đến với con dốc dài và gắt nhất cung leo. Dốc dài như vô tận nên ai cũng phải bò, bám bằng hai tay để leo lên. Thật may là thời tiết hôm đó khá mát mẻ và đi toàn bộ dưới tán cây của rừng nguyên sinh nên mọi người chỉ mất khoảng 2 tiếng để vượt qua con dốc.


Trên đường đi chúng tôi tiếp tục vượt nhiều cung suối lớn nhỏ đổ từ trên đỉnh xuống. Có tổng cộng 14-15 cung suối trên toàn bộ hành trình.

Nhóm đầu tiên của đoàn đến lán nghỉ lúc 16h, nơi mọi người định nghỉ đêm đầu tiên. Sau khi bàn tính, chúng tôi tiếp tục đi tới lán nghỉ 2 ở gần đỉnh hơn. Đường đi từ đây liên tục vắt qua và vắt lại một con suối lớn, rất dễ lạc nhau nên phải bám sát nhau đi. Chúng tôi đến lán 2 nằm ở khu đất giữa hai thác nhỏ lúc 17h30.


Trong khi các porter chuẩn bị bữa tối, chúng tôi cùng nhau dựng lều để nghỉ đêm do lán nghỉ khá nhỏ chỉ chứa được khoảng 10 người. Tắm suối sau một ngày leo vất vả là không thể thiếu đối với người leo núi. Nước suối lạnh sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, cũng là nguồn nước chủ yếu cho đoàn uống trong suốt 3 ngày.

Bữa tối lúc 19h30, ăn xong thì ai cũng nhanh chóng đi ngủ để dành sức cho ngày hôm sau lên đỉnh.

Hôm sau, chúng tôi lên đường lúc 7h. Cơn mưa to suốt đêm khiến đoàn xuất phát muộn hơn dự định khoảng một tiếng. Đường từ đây lên đỉnh vẫn phải vượt vài suối lớn. Đường trơn trượt khiến hầu như ai cũng bị ngã vài lần và 4 người phải bỏ cuộc quay lại lán
.


Từ lán lên đỉnh phải đi qua hai vách núi nguy hiểm. Theo chị Trần Thị Thanh, Trưởng phòng Phát triển Du lịch của Vườn quốc gia Hoàng Liên, Nam Kang Ho Tao là một cung leo rất khó, chỉ dành cho những người có kinh nghiệm, thể lực rất tốt.

“Cung leo có nhiều chỗ đi qua các vách núi và suối lớn nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu. Chúng tôi sẽ cùng người dân địa phương tìm lối đi mới thay thế hoặc lắp bậc, cầu thang gỗ để đảm bảo an toàn cho du khách”, chị Thanh.


9h sáng chúng tôi đến được đỉnh Yên Ngựa - ngã 3 chia đường đi về Lào Cai, Lai Châu và lên đỉnh Nam Kang Ho Tao. Sau khi vượt qua các con dốc gắt và lên xuống liên tục, nhóm đầu tiên của đoàn chạm tay được vào chóp inox trên đỉnh lúc 10h30, tức hơn 3 tiếng leo từ lán.

Chúng tôi chụp ảnh check-in và cùng nhau ăn trưa trước khi xuống núi lúc 12h30. Mọi người về tới lán dọn đồ, sau đó di chuyển xuống lán 1 ngay do sợ trời đổ mưa, có thể kẹt lại vì nước suối dâng cao. Mùa mưa năm nay đến sớm, đêm nào trời cũng mưa to còn ban ngày trời nắng.

17h những người cuối cùng trong đoàn về lán 1 rồi ăn tối và nghỉ đêm tại đây để sáng hôm sau lên đường xuống núi.


Đường từ Yên Ngựa lên đỉnh Nam Kang Ho Tao đi dưới rừng lá phong và đỗ quyên cổ thụ. Mùa hoa đỗ quyên đã gần hết, cánh hoa rụng khắp mặt đất.


Cơn mưa đêm khiến cho đường đi vất vả hơn do trơn trượt. Nước ở tất cả các con suối dâng cao và chảy xiết. Khi trở lại suối Đá, chúng tôi không thể đi qua lối cũ đã đi trước đó hai hôm. Các porter phải đi ngược lên trên để dẫn đoàn đi qua một thân cây đổ nằm vắt qua dòng suối to chảy xiết. Nếu không có cây này, chúng tôi sẽ bị kẹt lại và phải đợi ít nhất 1-2 ngày khi nước suối rút đi. Cả đoàn về tới xã Bản Hồ lúc 13h30 để từ đó di chuyển bằng ôtô về Sa Pa, kết thúc hành trình.

Nguyễn Đức Hùng - Ảnh: Đức Hùng, Dũng Khuất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét