27 thg 5, 2022

Hội An – thành phố di sản hấp dẫn đặc biệt


Cổ kính như Lệ Giang của Trung Hoa, lãng mạn như Venice của Ý và êm đềm như Giethoorn của Hà Lan... đó là những cảm nhận của hầu hết du khách khi đến với phố cổ Hội An của Quảng Nam, nơi được mệnh danh là “thành phố của những danh hiệu”. Vì thế chẳng gì ngạc nhiên khi lượng du khách trong và ngoài nước quay trở lại với Hội An tăng nhanh ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động du lịch sau thời gian dài đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thành phố không thể lãng quên

Di sản thế giới phố cổ Hội An từng nhiều lần được bình chọn là thành phố cổ quyến rũ, lãng mạn nhất thế giới, là điểm chụp ảnh ấn tượng hàng đầu của du khách... Đặc biệt, hơn hai năm qua, bất chấp cơn bão COVID-19 càn quét khiến cho mọi hoạt động du lịch, đời sống trên toàn cầu bị ngưng trệ nhưng cái tên Hội An không vì thế bị lãng quên mà vẫn được cộng đồng du lịch quốc tế quan tâm nhắc đến.





Trong hai năm đại dịch truyền thông và nhiều giải thưởng quốc tế danh giá vẫn thường xuyên xướng tên tôn vinh di sản độc đáo này như: top 25 thành phố du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2020 (Travel & Leisure), top 15 thành phố tuyệt nhất châu Á 2021 (Travel & Leisure), điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á 2021 (World Travel Awards)... Và mới đây nhất là top 10 những thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022 của giải thưởng Traveller Review Award, và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới năm 2022 do tạp chí danh tiếng Time Out của Anh bình chọn... Điều đó cho thấy Hội An có sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách và giới làm du lịch toàn cầu.

Du khách trải nghiệm đi thuyền trên sông Hoài. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Bên con sông Hoài thơ mộng xuôi mình ra biển, phố cổ Hội An hơn 400 năm tuổi luôn ấn tượng nhờ vẻ đẹp êm đềm, cổ kính với hình ảnh những dãy nhà cổ mái ngói rêu phong, tường quét vôi vàng đầy mê hoặc. Trải qua hàng trăm năm sương gió phôi pha, Hội An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hình bóng của một thương cảng cổ sầm uất trên bến dưới thuyền cùng với hơn 1.000 di tích tuyệt đẹp từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… cho đến cả những con hẻm nhỏ, các món ăn truyền thống, cùng phong cách giao tiếp bặt thiệp và lối sống thân thiện, mến khách của người dân xứ này.




Hội An là một hình mẫu đặc trưng và điển hình về loại hình đô thị cổ và thương cảng ven biển của vùng Á Đông, bởi ngay từ cuối thế kỉ 16 nơi đây đã sớm có sự giao thoa đầy thú vị giữa nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế ngoài dấu ấn đậm nét văn hóa bản địa của người Việt người ta còn thấy có sự hiện diện của sắc màu văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, và của các nước phương Tây do có sự lui tới giao thương của các đội tàu buôn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp... từ nhiều thế kỉ trước.

Những hàng quán ở Hội An đã mở được đón du khách. Ảnh: Bảo Uyên

Tuy được quản lí chặt chẽ theo mô hình di sản đặc biệt nhưng phố cổ Hội An ngày nay không bị “đóng băng” như một bảo tàng mà nó tồn tại sinh động đúng nghĩa là một đô thị cổ. Ở đó mọi hoạt động đời sống thường nhật của người dân vẫn diễn ra bình thường. Người dân sở hữu di sản, sống cùng với di sản và bảo vệ di sản, ngày lại ngày gắn bó chặt chẽ với không gian văn hóa đô thị cổ này như nó vốn có từ hàng trăm năm qua. Vì vậy, ở Hội An du khách luôn dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đời thường đầy ấn tượng và thú vị như trên một phim trường cổ trang mà hiếm nơi nào có được như cảnh người dân làm ăn sinh sống, buôn bán, vui chơi, hội hè, cảnh chợ búa, ghe thuyền, hàng quán diễn ra song hành cùng với các hoạt động kinh doanh, du lịch khác.

Những cung bậc sắc màu, thanh âm và nhịp sống ấy hòa quyện vào nhau tạo nên một Hội An ấm cúng, thân thiện, gần gũi, bình an và lãng mạn riêng có. Hãng tin BBC của Anh đã từng mô tả phố Hội là “một thị trấn nhuộm vàng đầy mê hoặc” (A bewitching town drenched in yellow). Hay ngôi sao truyền hình ẩm thực của CNN Anthony Bourdain đã phải thốt lên khi lần đầu tiên nếm thử món bánh mì bình dân của phố Hội rằng: “Đây thực sự là một bản giao hưởng của bánh mì!”. Nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã ví Hội An như một “Venice thu nhỏ của Châu Á”, một điểm đến quyến rũ và lãng mạn nhất thế giới...




Tất cả những điều đó đã làm nên một Hội An đầy sức hấp dẫn và quyến rũ, một thành phố cổ tuyệt đẹp không thể lãng quên, nơi luôn để lại nhiều tình yêu và nỗi nhớ trong lòng du khách cho dù có phải trải qua những tháng ngày dài đầy khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão dịch COVID-19 như thời gian qua.

Thành phố thôi thúc ngày trở lại

Năm 2022 du lịch Việt Nam khởi sắc trở lại bắt đầu từ việc ngành hàng không mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế từ ngày 15/2. Đặc biệt, việc Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn trở lại các hoạt động du lịch từ ngày 15/3 và cùng với đó là sự kiện Quảng Nam đăng cai Năm du lịch Quốc gia 2022 với hơn 60 hoạt động hấp dẫn, sôi động suốt cả năm hứa hẹn sẽ là tiền đề đảm bảo cho du lịch Hội An hồi phục mạnh mẽ ngay trong năm nay.

Vũ điệu chào mừng Năm du lịch Quốc gia 2022 của người xứ Quảng. Ảnh: Thanh Hòa/VNP

Đến nay, khoảng 70% khách sạn trên địa bàn đã mở cửa hoạt động trở lại, thậm chí một số khách sạn tỉ lệ đặt phòng vào những ngày cuối tuần đã đạt đến 80 - 90%. Ngay đầu tháng 4 vừa qua, tức chỉ khoảng mươi ngày sau khi Quảng Nam tổ chức thành công đêm khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh", ngoài lượng khách nội địa tăng mạnh Hội An còn đón được đoàn 126 du khách người Mỹ và đoàn 50 du khách Đức đến thăm. Trước đó, nhiều đoàn famtrip, presstrip đại diện cho các hãng lữ hành, báo chí và blogger của Hàn Quốc, Thái Lan… cũng đã đến tham quan, khảo sát tìm kiếm tour du lịch trên địa bàn. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy du lịch Hội An sẽ sớm bình thường trở lại.

Đoàn khách Mỹ và cũng là đoàn khách quốc tế đầu tiên đến thăm Hội An ngay sau khi Việt Nam mở cửa du lịch. Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An



Đến với Hội An hôm nay, ngoài việc tận hưởng vẻ đẹp lãng mạn của một “Venice thu nhỏ của Châu Á” thì trong vòng bán kính chỉ chừng hơn chục cây số quanh đô thị cổ này du khách còn có cơ hội được khám phá thêm nhiều điểm đến hấp dẫn và độc đáo khác như: rừng dừa nước Cẩm Thanh được ví như một miền Tây Nam bộ thu nhỏ ở Hội An, làng Trà Quế có nghề trồng rau hàng trăm năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng gốm cổ Thanh Hà hơn 500 tuổi, làng mộc Kim Bồng có từ thế kỉ 16, hay xa hơn một chút là Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, nơi được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng như Ăngko của Campuchia, Pagan của Myanmar hay Borobudur của Indonesia...

Sự nổi trội về các giá trị cảnh quan, văn hóa, môi trường, dịch vụ... là tiêu chí giúp Hội An được giới chuyên gia đánh giá cao là điểm đến có đủ điều kiện để đáp ứng mô hình du lịch đa trải nghiệm tích hợp nhiều tiện ích văn hoá - sinh thái - giải trí được cho là sẽ lên ngôi trong thời “hậu đại dịch”. Vì vậy, hơn bất cứ nơi nào, Hội An - thành phố di sản có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách quốc tế - sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho hành trình khám phá thỏa mãn mọi cảm xúc của du khách sau những tháng ngày dài bị “giam cầm” bởi đại dịch COVID-19.


Bài: Thanh Hòa
Ảnh: Bảo Uyên, Thanh Hòa, Hoàng Hà, Tất Sơn và Tư liệu Trung tâm VH-TT&TT-TH
Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét