15 thg 5, 2022

Quê hương Long An trong ca dao

Long An nằm ở cửa ngõ nối liền miền Đông Nam bộ với vùng đất chín rồng. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trù phú với những cánh rừng tràm bạt ngàn, đồng ruộng tươi tốt, những vườn cây trái xum xuê, những dòng sông uốn lượn. Cùng với thiên nhiên đa dạng, con người Long An cũng thật hồn hậu, chân tình, anh dũng, kiên trung, mến khách. Vẻ đẹp của đất và người Long An từ lâu đã đi vào những câu ca dao ngọt ngào, trữ tình, thông qua đó, người dân Long An từ xa xưa đã bày tỏ niềm mến yêu sâu sắc đối với quê hương, niềm tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của người Long An xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Bằng cảm hứng ngợi ca và cách nói dung dị, các tác giả dân gian vô cùng khéo léo khi đưa những địa điểm nổi tiếng, những cái tên gợi nhớ đến Long An anh hùng vào ca dao. Đó là dòng sông Vàm Cỏ chảy xuôi cùng lịch sử: Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ. Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành hay địa danh Tầm Vu, Thủ Thừa qua câu ca dao: Gái Tầm Vu đồng xu ba đứa. Trai Thủ Thừa cưỡi ngựa xuống mua... Mỗi câu ca dao, địa danh được nhắc đến với một đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ vùng đất nào khác, mỗi địa danh như một sợi chỉ quý giá thêu dệt nên bức tranh Long An muôn màu muôn vẻ, đa dạng, phong phú.

Đôi dòng Vàm Cỏ huyền thoại với vẻ đẹp tuyệt vời gắn liền với mảnh đất Long An anh hùng đã khơi nguồn bất tận cho văn thơ, nhạc, họa. Bên cạnh bài thơ Vàm Cỏ Đông (Hoài Vũ), bài tân cổ ngọt ngào Dòng sông quê em (thơ: Hoài Vũ, tân nhạc: Trương Quang Lục, vọng cổ: Huyền Nhung), ca dao còn có câu: Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy. Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng. Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang. Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa hay Sông Vàm Cỏ lưới bỏ trôi xuôi. Thúy Kiều xa Kim Trọng như tôi xa mình. Đi vào ca dao, con sông ấy lúc nào cũng mang vẻ đẹp mỹ miều, uốn lượn, trong xanh, tựa như vẻ đẹp của người thiếu nữ Long An nghiêng mình đón khách. Đôi dòng Vàm Cỏ đã sống trong tâm thức của bao người, trở thành một hình tượng đẹp trong văn chương, một biểu tượng thiên nhiên của Long An.

Đôi dòng Vàm Cỏ - dòng sông huyền thoại với vẻ đẹp tuyệt vời gắn liền với mảnh đất Long An anh hùng đã khơi nguồn bất tận cho văn, thơ, nhạc, họa

Nhắc đến Long An không thể bỏ qua những đặc sản nổi tiếng từ thiên nhiên hoặc được tạo thành từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người nông dân trong cuộc sống lao động bình dị. Có thể kể đến rượu đế Gò Đen - loại rượu trắng nổi tiếng được sản xuất theo phương pháp truyền thống tại quê hương Gò Đen, Bến Lức. Ca dao có câu: Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức Gò Đen. Qua ca dao, tiếng tăm của loại rượu trứ danh Long An sẽ càng lan xa hơn. Đó là một trong những cách thức độc đáo để người lao động quảng bá đặc sản quê nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch vùng đất này.

Cũng như những miền đất khác, Long An là quê hương của nhiều lễ hội đặc sắc. Một trong những lễ hội nổi tiếng ở huyện Châu Thành được duy trì qua nhiều năm là Lễ hội Làm Chay: Dù ai buôn bán bộn bề. Làm Chay - mười sáu, nhớ về Tầm Vu. Lễ hội này thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần gìn giữ và bảo tồn những bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, những người có công khai hoang mở cõi. Năm 2014, Lễ hội Làm Chay được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hình ảnh con người Long An hiện lên thật độc đáo trong ca dao. Mỗi câu ca dao là một phác họa về ngoại hình hoặc tính cách, phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. Để ngợi ca sự vui vẻ, hồn hậu, nồng nhiệt của con người trong cuộc sống vất vả, ca dao đặc biệt chú ý đến nụ cười Mỹ An (một xã thuộc huyện Thủ Thừa) - dấu ấn sâu đậm trong lòng người xa xứ: Anh đi anh nhớ Tháp Mười. Nhớ canh bông súng, nhớ nụ cười Mỹ An.

Trong những phẩm chất của người Long An, sự thủy chung, bền chặt trong tình yêu lứa đôi là phẩm chất vô cùng đáng quý. Với cách nói vô cùng thông minh kết hợp với việc lồng ghép những hình ảnh quen thuộc ở Long An vào lời lẽ trữ tình, câu ca dao sau đã nói lên khát vọng được gắn bó trọn đời với người yêu của chàng trai Long An hào hiệp: Anh muốn về Long An, Vàm Cỏ. Mấy lời em to nhỏ, anh bỏ sao đành. Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành. Núi kia hết đá, anh mới đành xa em.

Thông qua những bài ca dao trên, vẻ đẹp của đất và người Long An được thể hiện rất nghệ thuật, sinh động. Từ những bài ca dao đó, mỗi người (không chỉ riêng người Long An) sẽ đem lòng yêu mến thiết tha mảnh đất và con người nơi đây, cũng như khát khao một lần được trải nghiệm Long An để cảm nhận vẻ đẹp riêng của vùng đất cửa ngõ miền Tây xinh đẹp.

Hoàng Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét