8 thg 5, 2022

Người Biên Hòa viết Tuyệt tình ca

Tuyệt tình ca là tuồng cải lương tuyệt hay mà hầu như người miền Nam trước 75 ai cũng biết và yêu thích. Soạn giả của vở cải lương này là bộ đôi, trong đó một người là soạn giả lừng danh Hoa Phượng. Cái tên Hoa Phượng thường đi chung với tên Hà Triều để tạo thành cặp bài trùng Hà Triều - Hoa Phượng, với vô số tuồng cải lương được khán giả yêu thích, như: Khi hoa anh đào nở, Thái hậu Dương Vân Nga, Con gái chị Hằng, Mưa rừng, Tấm lòng của biển, Sông dài, Nửa đời hương phấn,... Chính vì vậy, khi biết một trong hai soạn giả của Tuyệt tình ca là Hoa Phượng thì người ta dễ dàng suy ra ngay người còn lại là Hà Triều. Trong chương trình Paris by Night số 52 mang tên Giã từ thế kỷ phát hành cuối năm 1999 có trích đoạn Tuyệt tình ca do hai nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên trình diễn, MC gạo cội Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã giới thiệu tuyệt phẩm Tuyệt tình ca là của hai tác giả Hà Triều - Hoa Phượng.


Út Trà Ôn và Út Bạch Lan trong vở cải lương Tuyệt tình ca. Ảnh chụp màn hình

Thế nhưng điều đó không đúng! Tác giả Tuyệt tình ca là Hoa Phượng - Ngọc Điệp.

Sự nhầm lẫn này có lẽ chỉ là do... quán tính, chớ còn như ta thấy đĩa than trước 1975 đã ghi rõ trên bìa đĩa tác giả là Hoa Phượng - Ngọc Điệp.


Băng cassette phát hành sau 1975 cũng vậy.


Vậy Ngọc Điệp là ai?

Ngọc Điệp không nổi tiếng bằng soạn giả Viễn Châu hay Hà Triều - Hoa Phượng, nhưng ông cũng là một tên tuổi lớn trong làng ca kịch miền Nam. Điều đáng nhắc là: Ngọc Điệp là một người con của đất Biên Hòa, ông sinh ra và mất đi đều trên vùng đất này.

Theo Nguyễn Hữu Hạnh, đăng trên trang Ái hữu Biên Hòa ngày 23/2/2017:

Soạn giả Ngọc Điệp tên thật là Nguyễn Hữu Được, sinh năm 1932 (Nhâm Thân) tại Vĩnh Cửu - Bình Đa, Biên Hòa (trước năm 1954 vùng đất từ Tam Hiệp kéo dài vô Bình Đa có tên là Vĩnh Cửu - Bình Đa). Mất vào ngày thứ Năm 07 tháng 6 năm 1990, nhằm ngày rằm tháng 5 Canh Ngọ tại Bình Đa, Biên Hòa.

Thân sinh là một công chức chính phủ thời bấy giờ. Mẹ là bà Bảy Ất, một đông y chuyên trị bệnh đàn bà nổi tiếng từ những năm 1960 - 1970 tại Hãng Dầu (Phước Lư) Biên Hòa. Cháu gọi ông Biện Tình (một võ sư nổi tiếng một thời) bằng cậu. Gia đình có 3 chị em, hiện còn người chị cả ở Bình Đa ( nơi ông yên nghỉ) và một người em gái vẫn còn sống tại căn nhà cũ tại Hảng Dầu.

Thuở nhỏ học trường Vĩnh Cửu (tức Tam Hiệp bây giờ) rồi lên Biên Hòa bạn học cùng thời với ông Đỗ Cao Thanh, lớn lên cùng người chị tham gia kháng chiến chống Pháp trong đội “Thanh Niên Tiền Phong”. Bước chân ông đã qua các vùng Tiền Giang và các tỉnh miền Đông. Trước năm 1963, ông làm việc cho Ty Thông Tin Thủ Dầu Một, bị quản thúc một thời gian tại Sài Gòn (dành cho những người tham gia kháng chiến trở về), sau đó viết văn làm báo và tham gia sân khấu cải lương. Đến năm 1976 ông bị bắt biệt giam hơn 5 năm tại Biên Hòa.

Mộ bia soạn giả Ngọc Điệp. Nguồn: Aihuubienhoa.com

Đóng góp của ông đối với nền cải lương miền Nam được ghi nhận trên Cailuongvietnam.com như sau (bài viết của keomienxa ngày 28/8/2013)

Soạn giả Ngọc Điệp với những tác tuồng nổi tiếng như Gái điếm Vợ hiền, Lan huệ sầu ai, Tuyệt tình ca, Nợ tình, Con ma nhà họ Hứa, May rủi một chồng, Đau lòng khi hội ngộ, Trường tương tư, Sa môn hắc quyết trận, Gió giao mùa, Nhạn về Xóm Liễu. Vở “Thân gái dặm trường” của ông đoạt giải văn học - nghệ thuật năm 1971

Giữa hàng chục, hàng trăm soạn giả vàng, soạn giả Ngọc Điệp không bị lẫn lộn, vẫn nổi lên do có một phong cách sáng tác riêng biệt với các soạn giả khác dù số tác phẩm ông để lại không đồ sộ như Hà Triều, Hoa Phượng, Loan Thảo, Thu An, Nhị Kiều, Yên Lang, Hoàng Khâm... Ông là soạn giả thường trực của các đại ban sân khấu như Kim Chung, Dạ Lý Hương...

Buồn thay, sau 30/4/75 cuộc đời ông rơi vào bế tắc (như nhiều hoàn cảnh khác). Nguyễn Ngọc Hạnh, trên trang Ái hữu Biên Hòa, kể như sau:

Sau 30/4/75 tuồng hát của ông bị cấm, ông rời bỏ Sài Gòn trở về Bình Đa Biên Hòa tá túc với người chị ruột một thời gian, rồi bị bắt biệt giam nhiều năm tại Trung tâm Cải huấn Biên Hòa cũ, sau chuyển ra B5, được thả sau 5 năm nằm ấp. Dù với thân xác bệnh hoạn và ốm đói, ông vẩn tiếp tục sáng tác để làm kế sinh nhai, khai tử tên Ngọc Điệp bằng cách bán rẻ sáng tác cùa mình. Những vở tuồng của ông như “Lan Huệ sầu ai”, “Nhạn về xóm Liễu” được diễn với tên soạn giả là Mộc Linh thay vì Ngọc Điệp.Những tấm lòng còn đến với ông trong những tháng ngày lao đao là nghệ sĩ Bạch Tuyết, nghệ sĩ Minh Phụng và soạn giả Hoài Nhân (*). Nhưng cơn mưa rào không cứu được nắng hạn, ông kéo dài sự sống trong cô đơn và bệnh hoạn. Nếu những tác phẩm của ông đã lấy nhiều nước mắt của khán thính giả hâm mộ cải lương, thì cuộc đời đổi thay đã khiến ông cạn dòng nước mắt. Soạn giả Ngọc Điệp sinh ra từ Bình Đa Vĩnh Cửu, ngày cuối đời ông cũng trở về với Vĩnh Cữu Bình Đa. Ông mất đi vào năm 1990.

(*) Hoài Nhân, nhưng không phải tui. Hiện giờ tui vẫn chưa rõ thông tin về soạn giả này.

Tui góp nhặt thông tin đây đó để kể lại về soạn giả Ngọc Điệp, tự hào và cũng cay đắng về cuộc đời của một người con Biên Hòa, tác phẩm còn sống mãi với thời gian mà tác giả đã dần đi vào quên lãng.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét