15 thg 5, 2022

Bên những dòng kênh đào huyền thoại - Bảo Định - Kênh đào đầu tiên ở đất phương Nam

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 100 trục kênh cấp 1, dài 6.500 km cùng hơn 36.000 km kênh cấp 2, 3. Bình quân mỗi kilômét vuông ở miền Tây có khoảng 1,4 km kênh đào. Từ một vùng hoang hóa kém phát triển, trong vòng 200 năm (từ năm 1700 đến 1930), nơi này có trên 40 kênh đào lớn, nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công. Các kênh này có vai trò quan trọng là thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng để nâng cao năng suất mùa vụ. Chúng tôi đã có chuyến hành trình dọc theo những dòng kênh lịch sử, từ Bảo Định, kênh đào đầu tiên thời phong kiến ở miền Nam, đến những dòng kênh có vai trò “thủy lộ” như Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo, Dương Văn Dương để kể lại câu chuyện khai hoang, trị thủy của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước.

Bảo Định - Kênh đào đầu tiên ở đất phương Nam

Bảo Định là dòng kênh được đào đầu tiên ở Tây Nam bộ, gắn với thời kỳ người Việt đến khẩn hoang vùng đất này. Đây từng là tuyến giao thông trọng yếu giữa miền Đông và Tây Nam bộ. Sau thời gian dài bị “bỏ quên”, dòng kênh này đang được “đánh thức” trở lại để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch,...

Dòng kênh hơn 300 năm tuổi

Bảo Định là kênh đào quy mô lớn đầu tiên ở Nam bộ, một trong những con kênh có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của TP.Tân An, tỉnh Long An và TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo sách sử ghi chép lại, Nguyễn Cửu Vân chính là vị quan có công khai mở dòng kênh Bảo Định, giúp việc thông thương đi lại từ Vàm Cỏ Tây tới Tiền Giang được thuận lợi hơn. Trên dòng kênh đó có đoạn giáp nước, lênh đênh lơ lửng, nước không thể chảy mạnh, thuận tiện cho thuyền, ghe khách thương hồ nghỉ lại. Dựa trên lợi thế đó, khu vực Vũng Gù (Tân An xưa) dần phát triển.

Cửa sông Bảo Định đổ ra sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn TP.Tân An

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trong phần Sơn xuyên chí có ghi về Bảo Định hà như sau: "Bảo Định hà (tục gọi kinh Vũng Gù)... cửa sông gối vào sông Hưng Hòa (tức sông Vàm Cỏ Tây), cách phía Đông Bắc trấn lỵ 47 dặm rưỡi. Trước đây, phía Đông Bắc, sông nhỏ Vũng Gù chảy đến quán Thị Cai là hết; phía Tây, sông nhỏ Mỹ Tho chảy đến chợ Lương Phú (tục gọi Bến Tranh, đất thôn Lương Phú) là hết; khoảng giữa là ruộng đất liên tiếp từ Nam đến Bắc".

Năm 1705, Chính Thống Vân Trường Hầu đi đánh Cao Miên, để ngăn quân địch quấy rối, ông cho đắp lũy, đào chỗ đầu cùng của hai khúc rạch Vũng Gù và Mỹ Tho cho thông nhau. Sau đó, ông lại cho đào sâu thêm thành đường ghe, thuyền đi lại. Trong Tân An xưa có ghi: “Sông Bảo Định nối liền Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang tại tỉnh lỵ Mỹ Tho".

Thời xưa, sông này là hai khúc rạch nhỏ nhờ Vân Trường Hầu là Nguyễn Cửu Vân nối liền cả hai làm một, thông thương từ Vũng Gù qua sông Mỹ Tho. Đến năm 1819, vua sai đào thêm và nới rộng, đặt tên là Bảo Định hà; ghe, tàu đi lại thuận tiện từ Tân An qua Mỹ Tho và các tỉnh miền Hậu Giang. Kể từ khi hoàn thành, kênh Bảo Định luôn giữ vai trò quan trọng về các mặt: Quân sự, thủy lợi, giao thông và cung cấp một phần nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng.

Thành phố bên dòng Bảo Định

Trong ký ức của những người dân xưa, dòng Bảo Định cùng với Vàm Cỏ Tây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân TP.Tân An. Dòng sông bồi đắp phù sa, hội tụ thương hồ, trù phú một thời. Dòng sông hẹn hò của tao nhân mặc khách, nhân tài hào kiệt,... Hơn 300 năm qua, kênh Bảo Định vẫn chở nặng những giá trị về kinh tế, lịch sử, văn hóa để bồi đắp và kiến tạo cho đôi bờ từ TP. Tân An đến TP. Mỹ Tho.

Liên thông thủy lưu hai dòng sông mẹ là sông Tiền và Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định xả phèn, biến vùng đất ngập trũng của các xã thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một số địa phương tỉnh Long An thành đất trồng lúa. Và bây giờ ở những khu vực này đang thành vùng đất vườn trồng được nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Dòng sông mang nặng ân tình như dòng sữa mát thơm cho Tây Nam bộ.

Kênh Dương Văn Dương dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất cho huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

Hiện tại, do nhu cầu thay đổi nên sông Bảo Định không còn giá trị giao thông toàn tuyến Cửu Long như xưa nữa. Trên tuyến sông này, chính quyền TP.Tân An từng bước xây cầu Bảo Định, kè kiên cố với cảnh quan hai bên bờ sông thông thoáng, xinh đẹp. Gần đây nhất, TP.Tân An tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn từ kênh Vành đai đến đường Võ Văn Môn (song song đường Nguyễn Cửu Vân). Đường Nguyễn Cửu Vân chạy dọc theo bờ kênh Bảo Định như một lời tri ân về bậc tiền nhân có công gầy dựng nên vùng đất Vũng Gù đông đúc để về sau trở thành TP.Tân An như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, dự án Kè sông Bảo Định là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Tân An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng kè và công viên sau kè, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Công trình sau khi hoàn thành góp phần chỉnh trang đô thị, chống sạt lở bờ sông Bảo Định, tạo trục cảnh quan xanh, sạch, đẹp ven 2 bên bờ sông Bảo Định, góp phần cho thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại.

Tại Long An, ngoài dòng kênh Bảo Định, còn có kênh Dương Văn Dương. Đây là con kênh lớn nhất, chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh. Trước đó, dòng kênh dài gần xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười có tên tiếng Pháp. Sau khi Dương Văn Dương hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong ông hàm Thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này. Kênh Dương Văn Dương nối liền các kênh Đông Điền, kênh Nguyễn Văn Tiếp, tỉnh Đồng Tháp và kênh Bắc Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Từ dòng kênh này, nước có thể tỏa đi khắp nơi trong huyện, thông qua hệ thống các con rạch chằng chịt, liên thông nhau. Đây cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng nhất Tân Thạnh, song song với Đường tỉnh 837. Dòng kênh này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Tân Thạnh khi dẫn nước ngọt từ sông Tiền về phục vụ sinh hoạt và sản xuất của huyện.


Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét: Kênh không chỉ giúp ghe thuyền đi từ biển tới Cần Thơ dễ dàng mà còn đồng thời giúp cho hàng ngàn ngôi nhà mọc lên ven hai bên bờ. Nhưng không chỉ có những dòng kênh đi mở cõi, cách đây chừng hơn 30 năm, hàng trăm tuyến kênh ở vùng sâu hơn, xa hơn của biên giới Đồng Tháp Mười cũng được đào và đắp, hệ thống lại. Chính những dòng kênh này đã góp phần biến cả dải đất hoang vu Đồng Tháp Mười thành một vựa lúa lớn nhất cả nước và đó cũng là cột mốc biến Việt Nam từ nước thường xuyên thiếu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới cho tới tận ngày nay.

Thanh Nga - Thường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét