19 thg 5, 2022

Nơi đây rất phong phú Phong Phú

 Đình Phong Phú, đường đình Phong Phú ở quận 9

Ở quận 9, TPHCM (nói theo trước đây cho dễ hình dung, còn bây giờ thì nơi đây thuộc thành phố Thủ Đức) có một con đường mang tên Đình Phong Phú. Trên đường Đình Phong Phú có một ngôi đình, đó là đình Phong Phú (dĩ nhiên!). Trước kia, nơi này thuộc ấp Phong Phú, xã Tăng Nhơn Phú, còn bây giờ là khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B. Trước nữa, từ cuối thế kỷ 19, nơi đây thuộc thôn Phong Phú, tổng An Thủy, hạt Sài Gòn (phải vậy rồi, vì tên đình phải lấy theo tên thôn mà!).


Đình Phong Phú ở Thủ Đức. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đây là di tích lịch sử – văn hóa cách mạng cấp quốc gia và cũng là ngôi đình cổ của TPHCM, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19.

Đình Phong Phú, đường Phong Phú ở quận 8

Ở quận 8, TPHCM có một con đường tên là đường Phong Phú. Trên đường Phong Phú có một ngôi đình, đó cũng là đình Phong Phú. Tên đình Phong Phú đặt theo tên thôn. Phong Phú là một thôn thuộc tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, theo địa bạ triều Nguyễn lập năm 1836.


Đình Phong Phú ở quận 8. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đình Phong Phú tọa lạc tại số 46 đường Phong Phú, phường 12, quận 8, TPHCM; tên đường Phong Phú được đặt từ thời Pháp thuộc đến nay. Đình Phong Phú được xây dựng sau khi thôn Phong Phú được thành lập. Thôn Phong Phú được thành lập khoảng thời gian từ năm 1816 – 1833. Đình Phong Phú cũng được xây dựng trong thời gian này, tức khoảng gần 200 năm. Vị trí đầu tiên là bên bờ kinh Đôi, dời đến vị trí hiện nay khoảng 1917. Đình Phong Phú là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Xã Phong Phú quận Bình Chánh

Từ đình Phong Phú ở đường Phong Phú quận 8, nếu ta đi ra theo hướng quốc lộ 50 khoảng 6 km thì tới xã Phong Phú, thuộc huyện Bình Chánh.

Thời Pháp, địa bàn xã Phong Phú hiện nay tương ứng với hai làng Phong Đước và An Phú thuộc tổng Tân Phong Hạ, quận Trung Quận (còn được gọi là quận Gò Đen), tỉnh Chợ Lớn. Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Chợ Lớn và sáp nhập phần lớn quận Gò Đen cũ (gồm ba tổng Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung và Tân Phong Hạ) vào tỉnh Gia Định để thành lập quận Bình Chánh, hai xã Phong Đước và An Phú thuộc quận Bình Chánh.

Sau 1975, hai xã Phong Đước và An Phú được sáp nhập thành xã Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xã Phong Phú trên Google Maps

Nhà máy Dệt Phong Phú

Chưa hết, ở khu vực Tăng Nhơn Phú, tức thuộc thôn Phong Phú xưa, có một đơn vị rất nổi tiếng. Đó là Nhà máy Dệt Phong Phú, tọa lạc tại 48 Tăng Nhơn Phú, KP3, P. Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức.

Nơi này xưa kia là Khu Kỹ nghệ Sicovina - Phong Phú trực thuộc Công ty kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Nhà máy Dệt Phong Phú đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngày 14/10/1964 và chính thức đi vào hoạt động năm 1966, do chính quyền Sài Gòn cũ trực tiếp quản lý.


Sau ngày 30/04/1975, nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Dệt Phong Phú. Ngày 11/01/2007, Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp đã ra quyết định số 06/2007/QĐ-BCN thành lập Tổng Công ty Phong Phú trên cơ sở Nhà máy Dệt Phong Phú. Việc cải tiến chuyển đổi cơ cấu tổ chức quản lý Tổng Công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con.

Tổng công ty Phong Phú ngày nay.

Tổng công ty Phong Phú nhiều năm liền nằm trong danh sách VNR500 (Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhât Việt Nam theo mô hình của Fortune 500).

Bạn thấy sao? Đúng là phong phú Phong Phú quá phải không?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét