15 thg 5, 2022

Bên những dòng kênh đào huyền thoại - Trăm năm “con đường lúa gạo” Xà No

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 100 trục kênh cấp 1, dài 6.500 km cùng hơn 36.000 km kênh cấp 2, 3. Bình quân mỗi kilômét vuông ở miền Tây có khoảng 1,4km kênh đào. Từ một vùng hoang hóa kém phát triển, trong vòng 200 năm (từ năm 1700 đến 1930), nơi này có trên 40 kênh đào lớn, nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công. Các kênh này có vai trò quan trọng là thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng để nâng cao năng suất mùa vụ. Chúng tôi đã có chuyến hành trình dọc theo những dòng kênh lịch sử, từ Bảo Định, kênh đào đầu tiên thời phong kiến ở miền Nam, đến những dòng kênh có vai trò “thủy lộ” như Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo, Dương Văn Dương để kể lại câu chuyện khai hoang, trị thủy của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước.

Bài 3: Trăm năm “con đường lúa gạo” Xà No

121 năm trước, từ một cánh đồng hoang rộng hàng trăm ngàn hécta, người Pháp cho đào kênh xáng Xà No nối Cần Thơ - Kiên Giang. Nhờ có kênh, đất hoang được cải tạo, năng suất lúa tăng, nông sản thuận tiện vận chuyển. Kênh xáng Xà No vì vậy được ví như “con đường lúa gạo” miệt Hậu Giang cho đến ngày nay.

“Thủy lộ” lớn nhất xứ Nam kỳ

Từ khu vực ngã ba sông Cần Thơ (kênh xáng Xà No thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ), chúng tôi hành trình dọc theo dòng kênh xáng huyền thoại bằng con đường nhựa mà xe ôtô có thể di chuyển dễ dàng đến huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy và TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).

Dọc bờ kênh, những ngôi nhà tường, mái ngói khang trang xen lẫn trong vườn xoài, nhãn, khóm đang vào mùa cho trái. Dưới kênh, từng đoàn ghe chở lúa, khóm lẫn sà lan tải trọng vài trăm đến hàng ngàn tấn chở vật liệu xây dựng ngược xuôi như con thoi. Ngoại trừ đoạn qua Cần Thơ 12 km bờ sông còn trong tình trạng nguyên thủy, một số hộ dân dùng cừ tràm, bêtông đề phòng sạt lở, phần lớn bờ kênh thuộc tỉnh Hậu Giang đã được gia cố bằng hệ thống bờ kè chắc chắn.

Kênh Xà No xưa

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang - Trương Minh Kiêm cho biết, nhiều năm qua, tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống bờ kè trên kênh xáng Xà No. “Tỉnh đã đầu tư trên 18 km bờ kè đi qua TP.Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Châu Thành A với tổng kinh phí gần 1.000 tỉ đồng. Sắp tới, tỉnh tiếp tục đầu tư gần 2 km bờ kè giai đoạn 3, tổng kinh phí 200 tỉ đồng tại huyện Châu Thành A” - ông Kiêm nói.

Nhìn dòng kênh dài 45 km nhộn nhịp tàu, thuyền; hai bên bờ, nhà cửa khang trang, khó có thể tưởng tượng được hàng trăm năm trước, khu vực này vẫn còn là cánh đồng hoang, sậy, lác mọc đầy, rộng hàng trăm ngàn hécta làm nhà cho đàn trâu nước, voi rừng đông đến hàng trăm con. Soạn giả Nhâm Hùng, một người con đất Phụng Hiệp nổi tiếng với hàng chục công trình biên khảo về đất và người Hậu Giang, đã miêu tả khu vực này: “Mùa nước nổi xuồng ghe mới di chuyển được, mùa khô đất nhiễm phèn, mặn, không trồng trọt được gì, họa chăng chỉ toàn lúa ma giúp người khẩn hoang vớt vát được vài bữa gạo đi đường”.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ, năm 1901, toàn quyền Đông Dương là De Lanessan đã cho đào kênh xáng nối Cần Thơ - Rạch Giá. De Lanessan hẳn không chỉ nhận ra tiềm năng lớn của cánh đồng hoang này mà còn nhìn xa hơn là tạo ra một đường thủy chiến lược nối liền với sông Cái Lớn ra biển Tây. Từ đó góp phần phá thế cô lập của vùng Rạch Giá với lục tỉnh Nam kỳ. Mặt khác, người Pháp cũng muốn nhân đây kiểm soát được cả về an ninh, quân sự đến vùng bán đảo Cà Mau lẫn vịnh Xiêm La. Để kênh thi công nhanh, Công ty Montvenoux đã điều động 4 chiếc máy xáng, mỗi chiếc 350 mã lực, gàu múc 375 lít, thổi bùn xa đến 60 thước.

Nhà văn Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam đã miêu tả: “Từ xa, chiếc xáng giống như chiếc hạm, máy chạy vang rền suốt năm, ba cây số ngàn, mang theo một số chuyên viên, nhân công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt de bằng củi”.

Tháng 7/1903, kênh hoàn thành, chi phí lên đến 3,6 triệu Franc. Thời điểm này, đây là kênh đào máy đầu tiên lớn nhất miền Tây, sâu 2,5 - 9 m, rộng từ 40 - 60 m. Quy mô kênh đào này có thể so sánh với đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Do điểm đầu của kênh xuất phát từ một con rạch nhỏ phía Cần Thơ chảy qua xóm của người dân Khmer có nhiều cây điên điển mọc hoang, tiếng Khmer gọi là Snor (Xà No) nên được gọi là kênh xáng Xà No. Để dẫn nước tưới, tiêu cho 40.000 ha ruộng đồng, từ kênh chính cách 500 m, người Pháp cho xẻ 1 kênh nhỏ, 1.000 m đào một con kênh lớn hơn theo lối đào “xôm lươn”. Các kênh nhỏ này tiếp tục được nối bằng các kênh sườn khép kín như ô bàn cờ.

Từ khi kênh xáng Xà No được đào xong, người dân tứ xứ cũng nhanh chóng đến cất nhà, buôn bán, hình thành nên “văn minh kênh xáng”:

Kênh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao Quỳnh khó câu.

Lúa gạo trước đây thay vì đi đường biển, nay có kênh đã rút ngắn thời gian. Năm 1899, Nam kỳ xuất được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ.

Từ “con đường lúa gạo” đến cung đường du lịch

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hậu Giang - Lê Minh Dũng thông tin, miệt Hậu Giang không chỉ có lúa gạo và khóm Cầu Đúc (một đặc sản có lịch sử gần 100 năm đã được bảo hộ độc quyền) mà còn giàu tiềm năng du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Hậu Giang gần 500.000 lượt người, sau "bão" Covid-19, lượng khách đã giảm còn phân nửa.

Kênh xáng Xà No được ví như “con đường lúa gạo” miệt Hậu Giang

Để tạo "cú hích" cho du lịch của tỉnh, dự án tàu du lịch trên kênh Xà No vừa được xúc tiến vào giữa tháng 01/2022. Đây là một trong hai sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Tàu nhà hàng có sức chứa 200 khách, ngoài phục vụ ăn uống ban ngày, từ 19 - 21 giờ hàng đêm, tour du lịch trên kênh bắt đầu với hành trình đi về 14km. Khách trên tàu vừa ăn uống, vừa nghe đờn ca tài tử, vừa ngắm nhịp sống trên kênh Xà No về đêm. Dù chỉ mới đưa vào khai thác không lâu nhưng mỗi ngày đêm, tàu tiếp đón bình quân khoảng 100 lượt khách, riêng ngày lễ, cuối tuần, lượng khách tăng gấp đôi. “Lần đầu được thưởng thức đồ ăn ngon, vừa nghe vọng cổ, hít thở khí trời trong lành trên dòng kênh huyền thoại là một trải nghiệm thú vị” - chị Trần Thị Diễm, du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ.


Cách khu vực tàu du lịch neo đậu không xa, dự án bến tàu du lịch với tổng kinh phí 7 tỉ đồng cũng sắp hoàn thành, bao gồm trạm dừng chân cùng hệ thống quầy bán quà lưu niệm.

Trên bộ, cầu Vàm Xáng nối từ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn qua xã Mỹ Khánh đến Quốc lộ 61C (huyện Phong Điền) đi Hậu Giang với tổng mức đầu tư gần 450 tỉ đồng đã hợp long, chỉ chờ hệ thống đường kết nối hoàn thiện để đưa vào sử dụng, nối đôi bờ vui sông Cần Thơ. Dưới nước, từ dự án tàu du lịch Xà No, ngành Du lịch Hậu Giang đang mời gọi nhà đầu tư mở rộng hệ thống các tàu du lịch vệ tinh, kéo dài hành trình đến tận Cần Thơ.

“Chúng tôi cố gắng tái hiện cho du khách cung đường mà tiền nhân hàng trăm năm trước đã đi qua” - ông Dũng nói.

Thanh Nga - Thường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét