26 thg 12, 2018

Thành cổ Diên Khánh - tòa thành cổ thời nhà Nguyễn nguyên vẹn nhất

Thành cổ Diên Khánh ở Khánh Hòa là tòa thành kiểu Vauban thứ hai được xây ở Việt Nam. Đây là tòa thành nguyên vẹn nhất của nhà Nguyễn bên ngoài Cố đô Huế còn được gìn giữ đến nay.

Nằm ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), cách TP. Nha Trang chừng 10 km về phía Nam, thành cổ Diên Khánh được coi là tòa thành nguyên vẹn nhất của nhà Nguyễn bên ngoài Cố đô Huế còn được gìn giữ đến nay. 
 
Theo các sử liệu, năm 1793 chúa Nguyễn Ánh đem quân chiếm vùng đất Diên Khánh từ nhà Tây Sơn. Thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa

Hoàng tử Cảnh đã trực tiếp trông coi việc xây dựng thành Diên Khánh. Nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành và trong hơn một tháng thì xong

Thành Diên Khánh được xây dựng theo kiểu Vauban phương Tây, và là tòa thành kiểu Vauban thứ hai được xây ở Việt Nam, sau thành Gia Định ở Nam Kỳ.

Tường thành có hình lục giác dài 2.693m, 6 cạnh không đều nhau, các góc được đắp nhô ra để tăng tầm quan sát – nét đặc trưng của kiến trúc thành Vauban. Ngày nay, các đường nét kiến trúc của thành vẫn có thể quan sát rõ ràng qua ảnh vệ tinh.

Khi xây dựng xong (1793), thành Diên Khánh có 6 cửa, hiện nay chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Tiền (Nam), Hậu (Bắc). Năm 1823, cửa Tả và cửa Hữu đã bị phá dỡ, tới nay không còn dấu vết gì

Cửa Đông của thành nằm ở ngã tư Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tông. Đây là cửa thành còn nguyên vẹn nhất, đồng thời là cửa ngõ vào trung tâm thị trấn Diên Khánh khi đi từ Nha Trang

Từ cửa Đông đi theo hướng đường Lý Tự Trọng thêm khoảng 700 mét sẽ đến cửa Tây

Cửa Tiền nằm trên trục đường phía Nam thị trấn, gần Ban chỉ huy quân sự huyện Diên Khánh

Cửa Hậu nằm sâu trong một ngõ hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau lưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Diên Khánh. Khác với các cửa kia, cửa Hậu nằm trong một khu vực hoang vắng, bị cây cỏ dại bao phủ

Các cổng của thành Diên Khánh được xây theo cùng một kiểu mẫu bằng gạch nung trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoảng 15 mét

Vòm cuốn ở giữa rộng 2,88 mét, cao 2,44 mét tạo thành lối đi phía dưới

Hai bên các cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng thành

Phía trên cổng thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,30 mét, có bốn cửa ở bốn hướng rộng 1,30 mét, cao 2,5 mét; trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương

Hai mặt cổng thành được xây lan can cao 0,85 mét.

Mặt trước từng cổng thành ghi tên cổng bằng chữ Hán: Đông môn (門 東), Tây môn (門 西), Tiền môn (門 前), Hậu môn (門 后). 

Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất cao chừng 3,55 mét.

Đường đi trên bờ thành rộng 5,35 mét. 

Mặt ngoài tường thành có độ dốc lớn, mặt trong thoải hơn và có bậc cấp dẫn lên ở một số đoạn. Tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài 1.656m.

Trên tường thành xưa được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác vừa giữ độ bền cho tường thành vừa tăng chướng ngại cho đối phương như một hàng rào phòng ngự, ngày nay dấu vết hầu như không còn

Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3 - 4m, có đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15m) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40m, lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào

Không chỉ là công trình quân sự, thành Diên Khánh còn là cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời Nguyễn. Trong thành thời đó có cột cờ, hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, dinh quan Tham tri, nhà kho và nhà lao… Các công trình này ngày nay đều không còn

Do sự bào mòn của thời gian, đến thập niên 1990 thành Diên Khánh đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 2003, tòa thành cổ đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố một số đoạn tường thành. 

Năm 2010, tỉnh Khánh Hoà tiếp tục tiến hành dự án tu bổ thành Diên Khánh. Cho đến nay, diện mạo thành Diên Khánh đã được trả về gần với nguyên trạng

Nếu có dịp đi qua thị trấn Diên Khánh, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm tòa thành độc đáo của mảnh đất Khánh Hòa này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét