6 thg 12, 2018

Mùa điên điển trổ bông

Mỗi năm cứ vào dạo thu, khi gió chướng non hiu hiu mặt nước, điên điển lại trổ lứa đầu mùa. Rồi cứ thế, sắc vàng của điên điển bắt đầu lan ra. Dịp này nếu về miền Tây, ngồi xuồng men theo con nước xuôi dòng, lòng sẽ không khỏi bồi hồi trước những bạt ngàn sắc vàng của bông điên điển.

Tô điểm cho cảnh sắc miền sông nước
Mùa điên điển rộ nở cũng là mùa con nước lên đòng, cá linh thi nhau bơi lội, trên khắp ngõ ngách ruộng đồng sắc vàng của điên điển đang tô điểm cho cảnh sắc nên thơ của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Có người ví hoa điên điển cứ như một dấu cảm thán, gieo vào lòng người những hoài nhớ về một vùng đất nên thơ. Riêng với tôi, sắc vàng của điên điển đằm thắm và nhu mì như phong thái của những người phụ nữ miền sông nước để những ai từng một lần ghé đến, lòng cứ bâng khuâng hoài nhớ trên từng bước chân.

Sắc vàng của điên điển đằm thắm và nhu mì như phong thái của phụ nữ miền sông nước. 

Ngày trước, tôi hay nghe bạn kể về những mùa điên điển thơ ấu, về những buổi chiều cùng đứa bạn chung xóm bơi xuồng dọc theo dòng sông quê. Bạn kể tuổi thơ bạn thường theo chân ba mẹ ngồi xuồng nắm nhánh điên điển oằn xuống rồi cứ lặt, cứ tuốt hả hê. Tóc bạn tuôn xõa dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng chiếu xuống dòng sông quê một màu vàng óng ánh, pha lẫn với sắc vàng rực rỡ của bông điên điển. Câu chuyện bạn kể đơn sơ là vậy nhưng không hiểu sao nó làm tôi nhớ mãi không chỉ bởi đôi mắt và dáng vẻ trầm ngâm suy tư của bạn mà còn về một miền quê tôi chưa từng bước tới, về loài hoa mà ngày đó tôi chưa từng thấy bao giờ.


Là loại cây hoang dã, mọc từng chùm từng vạt và có mặt hầu như khắp nơi trên ruộng đồng, bờ bãi, điên điển đã trở thành loài cây gần gũi với đời sống của người dân đồng bãi. Không chỉ tô điểm cho cảnh đồng quê bớt buồn tẻ. Điên điển đã trở thành thức ăn quen thuộc của những gia đình ở đây, đặc biệt vào ngày mưa gió không thể tìm được con cá con tôm. Có những bà mẹ ngày lũ lụt, nhìn đàn con ngơ ngác đói ăn, bèn ra trước cửa nhà hái điên điển xào lên để đám trẻ ăn cùng cháo trắng. Nghe những câu chuyện đơn sơ ấy, bỗng thấy thương biết bao những mùa điên điển trổ bông. Cũng có những người phụ nữ, ngày ngày hái điên điển đi bán khắp các chợ để đổi thịt đổi mắm về cải thiện bữa ăn cho gia đình. Kiên cường là vậy, những người phụ nữ vẫn một lòng, trọn nghĩa trọn tình gắn bó với mảnh đất này như loài hoa điên điển.

Bình lặng và an yên

Phụ nữ thường được ví như hoa, dù có loài hoa kiêu sa, có loài hoa mộc mạc, dân dã. Vậy nên, có lẽ sinh ra, điên điển đã là sắc hoa của những phận nữ nhi thường tình. Dù không kiêu sa như tulip, không vương giả như hoa hồng, điên điển chỉ bình dân, mộc mạc nhưng gắn liền với những phận đời nhỏ bé nơi đồng quê bờ bãi và là một phần của đời sống sông nước. Hình ảnh một chiếc xuồng be, một đèn lồng nhỏ và cô thôn nữ cắm cúi hái bông điên điển trong khung cảnh nhạt nhòa buổi rạng đông, để rồi từ đó những bông điên điển theo tay các bà, các mẹ ra chợ làng, chợ huyện đi đến những bữa ăn gia đình để vị ngọt của hoa lan tỏa trên từng món ăn đã trở thành một hình ảnh thân quen gợi nhắc về cuộc sống của những người phụ nữ nơi đây. Ở họ có sự bình lặng và an yên dù cuộc sống có khắc nghiệt và khốn khó. 


Phải chăng, như Nguyễn Ngọc Tư, một nhà văn của miền Tây từng phân trần: “… Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng...”. Mỗi khi có dịp về miền Tây vào một mùa hoa điên điển nở rộ, ngồi xuồng men theo những dòng kênh rạch và nghe ba mẹ bạn kể những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh, lòng tôi lại thấy rưng rưng trước sự bình dị của những tâm hồn miền sông nước, để rồi không biết từ lúc nào tôi đã thầm thương trộm nhớ không chỉ một loài hoa mà còn bởi những tâm hồn bình dị nơi đây. Mỗi lần rời đi, ánh mắt mẹ bạn khiến tôi cứ thấy mình như một đứa con gái bé bỏng của bà. 


Thu này, hoa điển điển được bày bán ở khắp mọi góc chợ. Người bán là những người phụ nữ đôi tay gân guốc như mẹ tôi; là những người bà tóc đã pha sương. Họ nâng trên tay những bó điên điển mà nụ cười rạng rỡ thân thiện. Họ khiến tôi nhớ về một miền Tây Nam Bộ bình yên tựa như lòng mẹ. Và mỗi lần ôm trên tay một bó điên điển, lòng tôi lại thấy ấm áp lạ thường, nhung nhớ biết bao những kỷ niệm ấu thơ về bà, về mẹ, nhớ ánh mắt của mẹ bạn lúc chia xa cùng câu nhắc vọng trong sóng nước giữa khung cảnh một buổi chiều đậm sắc vàng của điên điển: “Rảnh rỗi nhớ về chơi nhen con!!!”.

Trần Nguyên Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét