18 thg 12, 2018

Sức bật Măng Ri

Nói đến Măng Ri, hầu như mọi người dân Kon Tum đều biết, bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với cây dược liệu quý – sâm Ngọc Linh mà còn là mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng - là Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ.

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng nổi tiếng của tỉnh. Nơi đây từng là Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Măng Ri đang ra sức lao động sản xuất, tận dụng những lợi thế sẵn có của vùng đất này để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Xã Măng Ri có 6 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Theo những già làng ở xã Măng Ri cho biết, xã được lấy tên Măng Ri theo tiếng Xơ Đăng có ý nghĩa là từ ghép tên của cây đa và cây măng sâm lũ, một trong những loại cây có nhiều trên địa bàn xã và thường được bộ đội sử dụng làm thực phẩm trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.


Chăm sóc sâm Ngọc Linh 


Nói đến Măng Ri, hầu như mọi người dân Kon Tum đều biết, bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với cây dược liệu quý – sâm Ngọc Linh mà còn là mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng - là Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc Măng Ri một lòng theo Đảng, Bác Hồ, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Nhân dân nơi đây đã góp nhiều công sức nuôi, giấu cán bộ, xây dựng căn cứ cách mạng, tham gia bảo vệ các cơ quan của Tỉnh uỷ, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum trong đấu tranh chống Mỹ ngụy; góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng, hậu quả chiến tranh để lại khá nặng nề, thế nhưng với truyền thống cách mạng, đồng bào Xơ Đăng ở Măng Ri ra sức hàn gắn “vết thương” chiến tranh, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, làm cho mảnh đất Măng Ri ngày càng tươi mới, kinh tế - xã hội phát triển.

Với tôi, dù đã nhiều lần đến với vùng đất Măng Ri, nhưng mỗi lần đến là mỗi lần trong tôi có sự cảm nhận mới; dường như có một sức sống mới đang trỗi dậy mạnh mẽ trên vùng đất cách mạng này.

Nét tươi mới đầu tiên của Măng Ri mà tôi cảm nhận được chính là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội ở nơi đây ngày càng khang trang. Hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các làng, đi qua các khu sản xuất được xây dựng bê tông hóa, rải cấp phối tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội. Với nơi khác thì điều này có thể là đương nhiên, không có gì để nói, nhưng với “vùng đất khó Măng Ri” thì đó chính là sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực đóng góp của người dân nơi đây.

Mảnh đất Măng Ri ấn tượng, được biết đến không chỉ là vùng căn cứ cách mạng mà còn là thủ phủ của các loại cây dược liệu, trong đó có “Quốc bảo” - sâm Ngọc Linh. Đây là loại dược liệu đặc hữu chỉ có ở vùng rừng núi Ngọc Linh, trong đó Măng Ri chính là mảnh đất hiện có nhiều diện tích sâm Ngọc Linh nhất trên địa bàn.

Càng vinh dự hơn, mới đây, Măng Ri được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm khu vực trồng sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum mà “thủ phủ” đặt ngay ở xã Măng Ri.

Tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Măng Ri đang tích cực giữ rừng để phát triển mạnh các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây nhằm nâng cao đời sống gia đình. Đây là 2 loại cây trồng chủ lực được người dân nơi này xác định phát triển để thoát nghèo bền vững.

Đến nay, nhân dân xã Măng Ri đã trồng được gần 40ha sâm dây, hơn 1,9ha sâm Ngọc Linh. Thời điểm hiện tại, dẫu người dân nơi đây chưa thể làm giàu từ thế mạnh là “thủ phủ” dược liệu, nhưng đã có không ít hộ gia đình thoát nghèo nhờ những cây dược liệu đặc hữu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Vì vậy, chính quyền xã Măng Ri đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện để quảng bá, xây dựng xã thành vùng trọng điểm cây dược liệu của huyện Tu Mơ Rông và trong tương lai không xa, mảnh đất Măng Ri này trở nên trù phú từ dược liệu...

Đổi thay ở vùng nông thôn căn cứ cách mạng Măng Ri 

Ngoài phát triển các loại cây dược liệu, những năm qua, nhân dân xã Măng Ri phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp như cà phê catimo, bời lời. Đến nay, toàn xã đã trồng được 322 ha bời lời; gần 200 ha cây cà phê. Đây cũng chính là những loại cây trồng được xã xác định là cây trồng chủ lực nhằm hướng đến xóa đói giảm nghèo một cách bền vững cho đồng bào Xơ Đăng ở Măng Ri.

Già làng A Jon - Làng Pu Tá vui mừng: Đến nay, xã Măng Ri thay đổi rất nhiều, hệ thống điện- đường- trường- trạm được đầu tư xây dựng khang trang, con em người Xơ Đăng được học hành đầy đủ. Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên những sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra như lúa, mì, bắp, cà phê, bời lời, tiêu thụ rất dễ, xe chạy vào tận nơi thu mua. Cuộc sống người dân địa phương từng bước được nâng lên rõ rệt.

Ông A Đang - thôn Đăk Dơn cho biết: Gia đình tôi trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Nhóm tôi có 3 hộ tham gia trồng liên kết với Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ngoài việc tập trung chăm sóc sâm Ngọc Linh, chúng tôi phân công, chia nhau bảo vệ diện tích sâm. Tôi và nhiều hộ gia đình khác còn tích lũy mua cây giống sâm Ngọc Linh để trồng riêng cho gia đình vừa bảo vệ cây dược liệu quý vừa để nâng cao thu nhập và bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh ở Măng Ri.

Măng Ri còn là nơi có nhiều ruộng lúa nước được bà con sản xuất nhiều nhất và đây cũng là “vựa lúa” lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông. Toàn xã có 149 ha lúa nước sản xuất hai vụ (vụ đông xuân và vụ mùa). Các hộ gia đình trên địa bàn xã đều có diện tích lúa nước mang lại nguồn lương thực ổn định.

Hầu hết lúa nước được đồng bào Xơ Đăng nơi đây canh tác theo kiểu ruộng bậc thang như người dân ở vùng Tây Bắc. Vì vậy, từ trên cao nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang lưng chừng đồi ở Măng Ri nhìn khá đẹp. Đan xen giữa những thửa ruộng bậc thang là những ngôi làng với mái nhà rông cao vút, tạo nên một bức tranh “sơn thủy hữu tình”.

Nếu có dịp đến với Măng Ri vào mùa lúa chín, nhìn cánh đồng lúa vàng rực đan xen giữa ngôi làng với những ngôi nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng và những khu rừng già dưới chân núi Ngọc Linh, du khách thập phương sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước cảnh đẹp của vùng đất này.

Người Xơ Đăng ở Măng Ri có truyền thống sản xuất lúa nước từ bao đời nay. Tuy nhiên, khoảng 20 năm về trước, người dân chỉ trồng một vụ, nhưng hiện nay, đồng bào Xơ Đăng đã sản xuất lúa theo 2 vụ. Diện tích lúa nơi đây ngoài việc đảm bảo lương thực tại chỗ cho bà con còn cung cấp ra thị trường.

Ông A Klới–thôn Chung Tam tâm sự: Ngày xưa chưa có hệ thống thủy lợi, bà con chỉ trồng được một vụ. Từ khi hệ thống kênh mương, đập thủy lợi được nhà nước đầu tư, bà con tiến hành sản xuất lúa nước 2 vụ. Cùng với đó, người dân từng bước thay đổi giống lúa cũ bằng các giống lúa ngắn ngày và tích cực học hỏi kỹ thuật chăm bón nên lúa nước đã cho năng suất cao hơn ngày xưa. Từ đó, cái đói được đẩy lùi…

Từ khi kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã mang lại sức sống mới trên vùng đất cách mạng Măng Ri. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 15 triệu đồng/năm…Không chỉ phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa- xã hội cũng có nhiều đổi thay tiến bộ, người dân đã quan tâm đến chuyện học hành của con em với 100% trẻ em trong độ tuổi được ra lớp…

Ông Nguyễn Bá Thành- Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con Xơ Đăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất Măng Ri. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh diện tích cây trồng là lợi thế của xã như cà phê xứ lạnh và các cây dược liệu như cây sâm dây, cây đương quy, cây sơn tra và cây ngũ vị tử và đặc biệt là có cây sâm Ngọc Linh. Nhờ vậy, gần đây, kinh tế - xã hội của địa phương có sự phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

“Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã Măng Ri tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân”- ông Thành nhấn mạnh.

Măng Ri hôm nay đang có sự đổi thay, cái khó khăn, cái nghèo đã và đang dần được thay thế bằng cuộc sống mới no đủ hơn. Bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng được đổi mới. Với thế mạnh về dược liệu và cây công nghiệp, đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây đang phát huy lợi thế, xây dựng Măng Ri ngày càng đổi mới, tạo nên sức sống mới đột phá hơn, xứng đáng với truyền thống cách mạng năm xưa: Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Bài và ảnh: Phúc Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét