3 thg 12, 2018

Độc đáo kiến trúc đình Bình Mỹ

Đình Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, Châu Phú) là công trình nghệ thuật kiến trúc cổ triều Nguyễn gắn liền với việc khai hoang, lập ấp của người dân Nam bộ xưa...

Đình Bình Mỹ có lối kiến trúc cổ, với kiểu dáng cổ lầu tam cấp mái. Nền đình là điểm tựa cho bộ cột tròn căm xe gồm 40 cây, được chia thành 4 hàng cột dọc kết hợp 2 mảng vách hông tạo nên 3 gian, 2 chái. 


Ngôi đình gồm 4 bộ nóc chính và 6 bộ nóc phụ. Tất cả được tô điểm bằng các bộ tượng hình khối, phù điêu hoa văn trang trí tạo thành khối kiến trúc giữa không gian bao la, rộng lớn. 

Ngôi đình thờ thần Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. 

Trên các khánh thờ, bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối và nhiều phụ bản khác của đình đều được sơn son thếp vàng, hình hoa, chim, thú..., với những hình chạm nổi, chạm khuyết, chạm trổ độc đáo. 

Đình được vua Khải Định phong sắc Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm 1924. 

Sắc thần, hiện vật mang nhiều giá trị, được các nhà nghiên cứu lịch sử, ngành Văn học Hán Nôm coi là di sản văn hóa của dân tộc lưu giữ tại đình. 

Trong năm, đình có hai lễ lớn là Kỳ yên vào các ngày 18-19-20 tháng 4 âm lịch và lễ Lạp miếu vào ngày 19-20 tháng Chạp âm lịch. Năm 2014, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ký quyết định xếp hạng đình Bình Mỹ là di tích Quốc gia. 

TRỌNG TÍN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét