17 thg 12, 2018

Làng nghề đúc đồng Chú Tượng: Xưa và nay

“Ngày trước, ở làng Chú Tượng, lúc mọi người còn đang say giấc ngủ, thì những gia đình làm nghề đúc đồng phải thức giấc để đốt lò chuẩn bị cho một ngày làm nghề. Cả làng sống bằng nghề đúc đồng nên lúc nào cũng nhộn nhịp...”, cụ ông Đỗ Thị (84 tuổi), ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) kể.

Vang danh một thuở 


Cụ Đỗ Thị có thâm niên 60 năm gắn bó với nghề đúc đồng, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ tên gọi của làng. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây có tên gọi là Chú Tượng. “Chú” nghĩa là “thợ”, “tượng” là “đúc”, tức là làng thợ đúc. Ngày trước, ở làng Chú Tượng hầu như nhà nào cũng làm nghề đúc đồng, với hàng trăm hộ gia đình làm nghề.

Không ai nhớ chính xác làng nghề đúc đồng Chú Tượng có từ khi nào, chỉ biết rằng cứ cha truyền con nối, đến nay đã rất lâu đời. Thuở trước, đây là làng nghề đúc đồng nổi tiếng không chỉ ở Quảng Ngãi. Không đơn giản để trở thành một người thợ đúc đồng lành nghề, mà phải “thẩm thấu” cái hồn của nghề từ khi còn là tấm bé.

Cụ Đỗ Thị giới thiệu sản phẩm bằng đồng do chính tay cụ làm ra. Ảnh: P.Lý 


Cụ Đỗ Thị kể: "Trước đây, mỗi ngày một thợ đúc đồng thu nhập đôi ba chỉ vàng là chuyện thường. Có chủ hộ kiếm được cả 3 cây vàng trong một ngày đấy". Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Chú Tượng rất đa dạng, gồm có đại hồng chung, nồi đồng, xoong, khuôn bánh thuẩn, khuôn ngói... Sản phẩm được bán cho thương buôn trong và ngoài tỉnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến chống đế quốc Mỹ, những người thợ đúc đồng ở làng Chú Tượng còn tham gia đúc vũ khí phục vụ cho cách mạng.

Niềm tự hào về làng nghề đúc đồng Chú Tượng vang danh một thuở, hiện rõ trong từng lời nói và nét mặt của cụ Đỗ Thị. Ông cụ cho biết, hằng năm cứ đến tháng Giêng ông lại lên chùa Thiên Ấn dự lễ giỗ Tổ, vì còn lưu giữ quả chuông mà dân làng thường gọi là “chuông thần” được đúc ở làng Chú Tượng. Tiếng chuông nghe rất đặc biệt, không dễ gì những nơi khác đúc được.

Sau năm 1975, hợp tác xã đúc đồng ở Chú Tượng được thành lập, với hàng trăm xã viên tham gia. Sau đó, do cơ chế làm ăn mới, hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, nhiều xã viên lần lượt bỏ nghề. Một số hộ vẫn làm nghề đúc đồng, nhưng rời bỏ làng đi nơi khác sinh sống, như Quảng Nam, Bình Định... Về sau, hợp tác xã tan rã, làng nghề đúc đồng cũng từ đó lụi tàn theo năm tháng.

Còn sống là còn đúc đồng

Cụ Đỗ Thị quả quyết như thế. Ông cụ đưa tay chỉ những bao đất ở quanh nhà: “Nhà người ta trữ lúa, gạo, chứ nhà tôi thì trữ đất sét. Đối với thợ đúc đồng thì đất sét quý như vàng”. Ông Thị đi khắp nơi tìm mua đất sét, phải chọn loại đất tốt thì mới cho ra chiếc khuôn bền, đẹp, đó là khâu đầu tiên và quan trọng để có được sản phẩm bằng đồng đẹp mắt. Cụ Thị bảo: “Bây giờ tụi nhỏ không ghiền cái nghề này cũng có cái lý của chúng. Làm nghề đúc đồng khó lắm, khó từ khi chọn miếng đất làm khuôn cho đến lúc thành phẩm, trải qua nhiều công đoạn. Có khi mày mò cả tháng mới làm được chiếc khuôn ưng ý, đúc trong một thời gian ngắn lại phải thay khuôn mới. Rồi phải chú ý từng chút than, chút lửa, chút nước. Thổi đồng mà không có nước thì đồng hư, nhưng tưới nhiều nước thì đồng bị đặc...”.

Chuông thần ở chùa Thiên Ấn


Theo nhiều sách sử, văn hóa có ghi, đại hồng chung đúc ở làng nghề Chú Tượng được thỉnh về chùa Thiên Ấn năm 1845, vào thời trụ trì Tổ đệ tam. Tương truyền rằng, vào thời trụ trì Tổ đệ tam của chùa, ông nằm mơ ở làng Chú Tượng có đúc một quả chuông nhưng không ngân, người dân đang dùng để đựng trấu. Sáng hôm sau, ông cùng các nhà sư đến làng Chú Tượng tìm hiểu thì đúng là như vậy. Tối ngày hôm đó, trụ trì lại tiếp tục nằm mơ với lời phán là chuông ở làng Chú Tượng là dành cho chùa Thiên Ấn, chú nguyện thỉnh về chùa thì chuông sẽ ngân. Biết được giấc mơ của vị trụ trì, nên làng Chú Tượng tặng chiếc chuông cho chùa. Sau khi mang về chùa, trụ trì chú nguyện thì chuông ngân, âm thanh vang xa. Từ đó, dân gian tương truyền rằng, đó là Chuông Thần.                  

  H.Thu

Người thợ đúc đồng như một họa sĩ, tự mình thiết kế mẫu mã, vẽ vào khuôn đất những họa tiết đẹp mắt như gửi vào đó niềm đam mê, để rồi niềm vui không thể diễn tả hết bằng lời khi sản phẩm bằng đồng ra đời. Ở Quảng Ngãi, phần lớn chuông chùa đều là sản phẩm được đúc từ chính bàn tay lành nghề của cụ Đỗ Thị. Giờ cụ Thị làm các nồi đồng là chủ yếu, thị trường tiêu thụ phần nhiều ở ngoài tỉnh, nhiều nhất là ở Thái Lan, Campuchia...

Ở làng Chú Tượng hiện chỉ còn gia đình cụ Đỗ Thị và ông Trần Dục (58 tuổi) còn giữ nghề đúc đồng. Dẫu làng nghề không hưng thịnh như trước, nhưng đơn đặt hàng vẫn thường xuyên, ngày nào họ cũng lọ mọ với công việc đúc đồng. Mỗi ngày thu nhập khoảng 500.000 đồng/hộ. Khi ngày mới bắt đầu, lò đúc của hai gia đình lại hừng hực lửa than, đồng lại được nung chảy, đôi mắt của người thợ đúc đồng lại rực sáng... Với cụ Đỗ Thị, nói đến nghề đúc đồng là nói đến cả cuộc đời. Với cụ, giờ thì cũng phần nào yên tâm, vì có con trai nối nghiệp. Dẫu vậy, ông vẫn luôn trăn trở, vì làng nghề đúc đồng Chú Tượng giờ cũng chỉ còn là tên gọi!

PHƯƠNG LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét