13 thg 12, 2018

Chùa Phước Kiển (chùa Lá Sen, Đồng Tháp)

Phước Kiển chỉ là một  ngôi chùa nhỏ ở miền quê, về mặt kiến trúc cũng như lịch sử không có gì đặc sắc lắm. Tuy nhiên những năm gần đây ngôi chùa nhỏ này luôn nhộn nhịp khách du lịch viếng thăm, vì người ta phát hiện ra nơi đây có loài sen lá rất to, người lớn có thể đứng lên được. Và cũng do đó chùa có thêm tên mới: Chùa Lá Sen.


Cho đến trước năm 1992, đây vẫn chỉ là ngôi chùa bình dị, không mấy ai biết tới. Hòa thượng Thích Huệ Từ (trụ trì chùa Phước Kiển) kể lại: Năm 1992, sư phát hiện dưới ao xuất hiện loài sen lạ xen lẫn với đám bông súng. Thấy vậy, nhiều người hiếu kỳ đến xem. Họ không biết tên thật của loài sen này là gì nên nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là sen vua, sen nia (lá to bằng cái nia)... Cái tên chùa Lá Sen cũng ra đời từ đó.

Cổng chùa rất đơn sơ, ghi niên đại là 1962. Mọi người đang tấp nập vô chùa để xem lá sen.

Theo Wikipedia: 

Nong tằm hay còn gọi súng nia, sen a-ma-dôn, sen vua (danh pháp khoa học: Victoria amazonica) là một loài thực vật có hoa, kích thước lớn nhất Họ Súng. Lá cây này có đường kính lên đến 3 mét nổi trên mặt nước, thân cây chìm dưới nước dài đến 8 mét. Hoa màu trắng và chuyển dần màu hồng khi chiều tối. Đây là loài sinh sống ở vùng nước nông ở lưu vực sông Amazon. Súng nia là quốc hoa của nước Guyana.

Loài này thuộc chi Victoria trong Họ Súng, đôi khi trong họ Euryalaceae. Mô tả đầu tiên được xuất bản về chi này do John Lindley vào tháng 10/1837, căn cứ trên mẫu cây do Robert Schomburgk đưa về từ British Guiana. Lindley đã đặt tên chi theo tên nữ hoàng Victoria, và loài Victoria regia.

Tại chùa Phước Kiển, vào mùa nước nổi lá sen ngậm nước nhiều đường kính có thể lên đến 3 - 4 met, còn bình thường khoảng 2 met. Ở đường viền của lá, mép lá cong lên như... nắp khoén (nút chai nước ngọt). Chính nhờ đó mà lá giống như một chiếc thuyền, có thể chở người được.


Ao sen ở phía trước chùa

Chùa xây hai ao để sen nở, một ở phía trước chùa, một ở phía sau, về bên hông chùa. Để đáp ứng sự hiếu kỳ của mọi người, muốn được đứng trên lá sen xem thử có... chìm không, nhà chùa mở dịch vụ chụp hình đứng trên lá sen. Du khách có thể đứng trên lá sen để chụp hình ở ao sen phía sau.

Nhờ lá sen to và dày, lại có cấu trúc thích hợp: mặt trên thì mép lá cong lên, mặt dưới  có nhiều gai và gân lớn, nên lá có thể chịu được trọng lượng lớn. Người ta thử và kết luận rằng người nặng cỡ 80 ký đứng trên lá vẫn... không chìm. Tuy nhiên, để lá sen khỏi rách và đồng thời để phân bổ trọng lực đều hơn trên mặt lá, người ta phải đặt một cái mâm trên lá và khách phải bước lên mâm (phụ nữ mang giày cao gót mà bước trực tiếp lên lá là tan nát đời lá và thê thảm đời người ngay).

Ảnh đứng trên lá sen do dịch vụ tại chùa chụp.


Dĩ nhiên đã gọi là dịch vụ thì bạn phải trả tiền. Giá cả cũng hợp lý thôi, 20.000 đ cho một kiểu đứng trên lá sen. Họ sẽ có người bắc ván cho bạn bước lên lá sen và chụp, 10 phút sau có hình. Vì có nhiều người chờ đến phiên chụp hình, nên bạn chỉ có 2 - 3 phút đứng trên lá sen thôi. Người của dịch vụ đã ngồi sẵn ở vị trí có góc chụp tốt nhất rồi, họ bấm xong là kéo bạn lên ngay. Ngoài một kiểu duy nhất đó, nếu bạn có bạn bè đi theo thì bấm thêm bao nhiêu tấm tùy ý, nhưng chú ý rằng vị trí chụp tốt nhất đã bị "chiếm" và thời gian chụp rất ngắn.



Ngoài việc trả tiền dịch vụ để chụp ảnh bạn hoàn toàn không được phép bước lên lá sen, nhưng bạn vẫn có thể đi trên chiếc cầu nhỏ bắc ngang ao sen và thoải mái chụp bao nhiêu hình cũng được.





Ở chùa Phước Kiển còn có chuyện khá thú vị là chuyện về những con rùa già và hạc. Người ta kể rằng hối năm 1999 sư trụ trì có mua một con hạc để phóng sinh, nhưng hạc không chịu bay đi mà ở lại trong chùa. Tại chùa, hạc đứng trên lưng rùa y như các biểu tượng mà ta thường thấy ở các đình chùa, và người ta ùn ùn kéo tới để chụp hình. Tiếc rằng chỉ một thời gian sau hạc bay đi mất.

Con rùa kể trên sống ở chùa từ năm 1948, người ta kể rằng nó thường nằm nghe kinh và mất tại chùa năm 2002, nghĩa là đã "tu" tại đây hơn nửa thế kỷ. Thầy trụ trì tiếc thương nên ướp xác rùa, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai rùa còn khắc năm vào chùa và ngày mất: 1948 – 29/7/2002.

Vậy là hiện giờ hạc và rùa linh thiêng không còn nữa, nhưng tại chùa những con rùa già vẫn vào chùa và ở yên đó. Những "cụ rùa" này vẫn nằm yên mặc cho trẻ con đùa nghịch. Nhiều người giắt tiền lên mu rùa để tỏ lòng thành kính.

Những "cụ" rùa già ở chùa Phước Kiển

Nếu bạn là khách phương xa mà tới Đồng Tháp chỉ để viếng chùa Lá Sen thì hơi phí công, tốt nhất là nên kết hợp với một chuyến du lịch đến Sa Đéc, như đến thăm Làng Hoa Sa Đéc vào mùa cận Tết chẳng hạn. Khi ấy, trên đường từ Sa Đéc trở về bạn sẽ ghé thăm chùa. Đường đi như sau: Từ Làng Hoa Sa Đéc đi theo quốc lộ 80 hướng về TPHCM khoảng 12 km nhìn bên phải thấy chợ Nha Mân, rẽ phải theo con đường này khoảng 11 km bạn sẽ tới chùa Lá Sen tức Phước Kiển tự, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét