8 thg 12, 2018

Bản “tuyên ngôn độc lập” thời Nguyễn

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016. Đây là một kho tàng văn hóa vô giá không chỉ của Huế, Việt Nam mà của cả nhân loại.

Bản “tuyên ngôn độc lập” của thời Nguyễn trong điện Thái Hòa. Ảnh: H.V.M 

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế tài hoa của triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925).

Công việc này được thực hiện bởi những đôi tay vàng của các thế hệ nghệ nhân giỏi nhất quốc gia. Trải qua bao dâu bể, sự khắc nghiệt của thời gian, thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được được hơn 4000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: thơ, văn, câu đối, đại tự...

Một bài thơ khắc bên ngoài điện Thái Hòa. Ảnh: H.V.M 

Đây thực sự là một bảo tàng thơ văn cổ phong phú và hết sức độc đáo. “Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất, có giá trị và nhiều chuyện đáng kể nhất vẫn là hệ thống thơ chữ Hán trên điện Thái Hòa với số lượng hiện còn là 191 bài (kể gộp cả những bài bị mất chữ và các đoạn 2 câu) tồn tại ở nhiều vị trí khác nhau” - TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết. 

Trên điện Thái Hòa hiện còn 191 bài thơ bằng chữ Hán. Ảnh: H.V.M 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, người từng làm luận văn cao học về ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hòa - bổ sung:

“Bản thân điện Thái Hòa và không gian tồn tại của nó là nơi tổ chức các lễ triều nghi, nơi đặt ngai vua, biểu tượng cao nhất của nhà nước quân chủ. Do đó cũng có thể ví ngôi điện này như bộ mặt hành chính của triều Nguyễn, đó là nơi giao tiếp chính thức của triều đình trong đối nội cũng như đối ngoại.

Vì vậy, thơ chạm khắc trên điện Thái Hòa vừa thực hiện chức năng trang trí, vừa thực hiện “chức năng giao tiếp” giữa vua và quần thần; giữa triều đình với hệ thống quan lại; giữa triều đình với các nước; và rộng hơn là giao tiếp giữa thế hệ này với thế hệ khác...”.

Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, ở trong điện Thái Hòa, có một bài thơ được khắc dưới bức hoành phi Thái Hòa điện, được xem như là một “tuyên ngôn độc lập” của thời Nguyễn.

Bài thơ có nội dung như sau: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu”. Tạm dịch: “Nước ngàn năm văn hiến/ Thống nhất toàn giang san/ Từ Hồng Bàng lập quốc/ Thịnh trị cả trời Nam”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung thì “Nói đúng hơn, đây là một bản tuyên ngôn về độc lập đất nước và độc lập văn hiến của triều Nguyễn. Trong lịch sử, những bản “tuyên ngôn độc lập” trước đó như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... chủ yếu tuyên bố về chủ quyền, lãnh thổ. Đến triều Nguyễn, ngoài yếu tố trên còn tuyên bố độc lập về văn hiến của dân tộc”.

Hệ thống văn tự Hán - Nôm khắc trên quần thể di tích Huế còn thể hiện tư tưởng, quan điểm, tình cảm... của triều Nguyễn về nhiều lĩnh vực. Ảnh: H.V.M 

Ngạc nhiên hơn khi biết ngoài “tuyên ngôn độc lập”, hệ thống văn tự Hán - Nôm khắc trên quần thể di tích Huế còn thể hiện tư tưởng, quan điểm, tình cảm... của triều Nguyễn về nhiều lĩnh vực như: Ca ngợi sự thống nhất đất nước và cảnh thái bình thịnh vượng, tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc; những học thuyết, tư tưởng nho giáo trong nền tảng chính trị đương thời; đề cao độc lập, tự chủ, đường lối đối ngoại, đối nội, chính sách về khuyến nông, cảnh non sông tươi đẹp...

Có những câu thơ khi đọc lên, hậu thế không thể không ngỡ ngàng bởi bản lĩnh và khẩu khí của vua Nguyễn như: Lễ nhạc siêu tam đại/ Thông minh khuếch tứ môn (đại ý nói lễ nhạc của triều Nguyễn còn vượt qua thời Tam Đại của Trung Quốc gồm Hạ, Thương, Chu vốn được coi là đỉnh cao; đồng thời, sự thông minh, hiểu biết của các vị vua Nguyễn mở rộng ra khắp bốn phương trời).

Hoàng Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét