29 thg 12, 2018

Người Rục làm du lịch được không?

Sự phát triển du lịch ở Quảng Bình đã phát triển có tính vượt bậc trong thời gian gần đây. Khách du lịch đến với Quảng Bình rất nhiều và họ đến với Rục Làn để được khám phá vẻ đẹp núi rừng, cuộc sống bí ẩn của người Rục cũng không ít.

Phong cảnh miền núi Quảng Bình đẹp mê hoặc cả du khách lẫn giới điện ảnh. Ảnh: TH 

Được phát hiện từ năm 1959 đến nay, tộc người Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vẫn còn lưu giữ nhiều nét hoang sơ của bộ tộc nguyên thủy sống trong hang động, núi đá, trèo lên cây để bắt chim hay lội xuống suối để bắt cá bằng những ngư cụ được chế tác thô sơ. Mang trong mình dòng máu của những “người rừng”. Họ, những người như cụ Chơn, cụ Bim, cụ Thuỳnh, cụ Bứa... vẫn nhớ rừng da diết lắm. Nhất là những cái hang, nơi một thời là ngôi nhà của họ.

1 trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới
Tôi còn nhớ, từ rất lâu, rất nhiều lời đồn đại về một bộ tộc “nói tiếng chim” ở Quảng Bình. Như thế, người dân địa phương đã biết đến một bộ tộc nguyên thủy trên mảnh đất này. Chỉ đến năm 1959 cán bộ địa bàn Đồn Biên phòng Cà Xèng công bố là đã phát hiện, lúc đó tộc người Rục mới thực sự được biết đến nhiều hơn bởi các kênh truyền thông. 

Sinh hoạt, cuộc sống của người Rục có nhiều điều kỳ lạ, cho đến nay vẫn chưa thể lý giải hết... Ảnh: HT 

Gần 60 năm trôi qua kể từ khi tộc người Rục được phát hiện, đưa ra khỏi hang đá, nay họ định cư giữa những thung lũng bằng phẳng Rục Làn, ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) nhưng nỗi nhớ rừng, nhớ hang, nhớ suối… vẫn thôi thúc nhiều người trong số họ trở lại hang đá sinh sống một vài ngày cho bỏ nhớ.

Kí ức (và cả thói quen) về cuộc sống "săn bắt hái lượm" trong hang đá, hòa mình với thiên nhiên vẫn còn in đậm trong tâm trí người Rục. Họ đau đáu nhớ về nơi mình từng sinh sống. Và trong sinh hoạt, lao động thường ngày của họ, kể cả trong giấc ngủ họ vẫn nhớ.

Với lối sống và những sinh hoạt đặc trưng, cộng với những điều bí ẩn, năm 2013, bộ tộc người Rục được Quốc tế đưa vào danh sách 10 tộc người còn bí ẩn nhất thế giới.

Những bí ẩn có sức hấp dẫn đến lạ kì

Cách TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình gần 100km về hướng Tây. Tộc người Rục ngày nay có hơn 500 người. Họ sống bình dị giữa núi rừng vành đai biên giới tiếp giáp đất Lào với nghề nông nghiệp là chủ yếu. Mang trong mình rất nhiều bí ẩn, về tiếng nói bản địa, về lối sống sinh hoạt. Đặc biệt là lễ nghi lễ thờ cúng và thuật “thổi thắt, thổi mở” và thuật “hấp hơi” còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Và đó không phải là tin đồn, khi hàng trăm phụ nữ người Rục được “thổi thắt” để thôi sinh nở và “thổi mở” để được sinh nở trở lại. Phép “hấp hơi” có sức mạnh thần bí được người Rục dùng để chống lại thú dữ và bảo vệ cộng đồng mình cũng là điều cho đến nay chưa có lời giải.

Người Rục (Quảng Bình). Ảnh: HT

Cuộc sống thường ngày của người Rục dù giản đơn nhưng nó cũng mang nhiều điều khiến nhiều người tò mò bởi vẻ nguyên thủy vẫn còn tồn tại phổ biến: Hàng ngày, họ đào củ mài, bột cây nhúc, săn khỉ hay bắt cá ốc dưới suối để ăn. Cây nhúc phơi khô được người Rục giã nhuyễn rồi hòa vào nước đang sôi thành thứ bột dẻo, đó cũng là thực phẩm phổ biến đối với người Rục nhưng là thứ thực phẩm độc nhất vô nhị. Cũng từ cây nhúc, người Rục chế thành rượu và già, trẻ, gái, trai đều dùng rượu nhúc như một thứ “thần dược” giúp họ vượt qua cái rét.

Còn rất nhiều thứ tạo nên một bộ tộc người Rục với những đặc trưng về văn hóa: Người Rục vẫn dùng nỏ để săn bắn, dùng vỏ cây sui làm áo quần, làm nệm ngủ. Một số loại cây được người Rục đốt cháy thành tro, đổ tro vào nước khuấy đều rồi dùng những thứ lắng xuống dưới làm muối… tất cả những hoạt động đó tạo nên một tộc người Rục hoang sơ, đầy sức hấp dẫn.

Trả người Rục về... rừng bằng con đường văn hóa?

Khi đến Rục Làn, đặc biệt là tiếp xúc với đồng bào ở đây, nghe câu chuyện cụ Cao Tiến Thuỳnh, 62 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ kể về những ngày sống trong hang đá, kể về nỗi nhớ hang đá, kể về nỗi nhớ ngọn lửa sáng bừng trong hang đá… chúng tôi thực sự xúc động và chúng tôi cũng không quên ý nghĩ rằng, trả người Rục về rừng bằng con đường văn hóa.

Sự phát triển du lịch ở Quảng Bình đã phát triển có tính vượt bậc trong thời gian gần đây. Khách du lịch đến với Quảng Bình rất nhiều và họ đến với Rục Làn để được khám phá vẻ đẹp núi rừng, cuộc sống bí ẩn của người Rục cũng không ít. Nhưng nó chưa xứng tầm, với bộ tộc người Rục thì cuộc sống của họ, những bí ẩn của họ, những nét đặc trưng văn hóa của người Rục sẽ thu hút rất nhiều du khách tham quan.

Ngôi nhà hiện nay của người Rục. Ảnh: HT

Người viết bài này xin kết thúc bằng ký ức của cụ ông Hồ Pứa, 74 tuổi: Buổi sáng thức dậy bên hang đá rất đẹp, trước mặt có suối trong, có cá bơi, có núi xanh. Cuộc sống không có ngày tháng, chỉ có bếp lửa hồng là ấm. Sau mỗi lần đi săn thú về, mọi người ngồi bên bếp lửa nướng thịt… đó là cội nguồn văn hóa của người Rục, cũng là “viên ngọc quý” cho du lịch Quảng Bình trong tương lai không xa.

HOÀNG HẢI LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét